Chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia sẽ được bảo vệ bằng sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc

Ngày 11-11, Quốc hội đã bỏ phiếu thông qua Luật Biên phòng Việt Nam với 94,61% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành. Việc Quốc hội thông qua Luật Biên phòng Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, tổ chức, cá nhân trong xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trong tình hình mới; xây dựng khu vực biên giới vững mạnh, biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển... Đồng thời, xây dựng lực lượng BĐBP cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng vai trò nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Lực lượng BĐBP, Công an và dân quân tự vệ chung tay bảo vệ biên giới. Ảnh: Hoàng Anh

Lực lượng BĐBP, Công an và dân quân tự vệ chung tay bảo vệ biên giới. Ảnh: Hoàng Anh

Trong suốt chặng đường hơn 61 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của BĐBP, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận về nhiệm vụ biên phòng và chức năng, nhiệm vụ của BĐBP, đặc biệt là Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28-9-2018 của Bộ Chính trị về “Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia”. Trong các văn bản đó, đều xác định BĐBP là lực lượng nòng cốt, chuyên trách, chủ trì, phối hợp với các ngành, các lực lượng và chính quyền địa phương trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu.

Do vậy, thực hiện Nghị quyết số 33, đồng thời, thể chế hóa các quan điểm của Đảng, Nhà nước về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ biên giới quốc gia và xây dựng BĐBP nhằm đáp ứng yêu cầu sự nghiệp đổi mới, phát triển và tư duy mới về công tác biên phòng, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển trong tình hình mới; Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Bộ Tư lệnh BĐBP phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng tham mưu xây dựng Dự án Luật Biên phòng Việt Nam. Sau thời gian triển khai xây dựng, tiếp thu các ý kiến và chỉnh lý, Dự án Luật Biên phòng Việt Nam đã được đưa ra thảo luận tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV và ngày 11-11-2020, được thông qua tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV với 94,61% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành. Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2022.

Luật Biên phòng Việt Nam có 6 chương với 36 điều quy định chính sách, nguyên tắc, nhiệm vụ, hoạt động, lực lượng, bảo đảm và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân về biên phòng, đã thể chế hóa nhiều chủ trương, quan điểm mới của Đảng, Nhà nước về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ biên giới quốc gia; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; xây dựng BĐBP theo các quan điểm của “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, “Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia” và các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ biên giới quốc gia trong tình hình mới.

Luật Biên phòng Việt Nam có tính kế thừa và phát triển, yêu cầu khách quan về chức năng, nhiệm vụ và hiệu quả thực tiễn trong hơn 61 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của BĐBP với vị trí, vai trò là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu. Đặc biệt là bảo đảm nguyên tắc “một cơ quan thực hiện nhiều việc, một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính" theo tinh thần Nghị quyết số 18, Hội nghị lần thứ 6 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.

Luật Biên phòng Việt Nam được ban hành cũng sẽ khắc phục được những bất cập của Pháp lệnh BĐBP và đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ với hệ thống văn bản pháp luật chuyên ngành có liên quan đến quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia và các điều ước quốc tế về biên giới, cửa khẩu mà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên. Trong đó, luật đã quy định rõ những chính sách của nhà nước về biên phòng cũng như giải quyết các vấn đề biên giới quốc gia bằng các biện pháp hòa bình; xây dựng lực lượng bảo vệ biên giới quốc gia toàn dân rộng khắp, “nhân dân là chủ thể, lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt, BĐBP làm chuyên trách”... tạo hành lang pháp lý huy động sức mạnh của toàn dân, của cả hệ thống chính trị trong quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Đây cũng là cơ sở để tiếp tục khẳng định vai trò hết sức quan trọng của BĐBP là lực lượng nòng cốt, chuyên trách, chủ trì trong quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, chủ động phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với cấp ủy, chính quyền địa phương, các lực lượng ở khu vực biên giới, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hành động chống phá của các thế lực thù địch và các loại tội phạm, giữ vững an ninh, trật tự trên các tuyến biên giới, vùng biển, là chỗ dựa vững chắc được cấp ủy, chính quyền và nhân dân khu vực biên giới tin yêu. Đồng thời, sẽ chuẩn hóa quy định, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng theo tinh thần Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28-9-2018 của Bộ Chính trị về “Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia”. Việc chuẩn hóa này sẽ tạo cơ sở pháp lý cho các lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng, trong đó, “BĐBP là chuyên trách, nòng cốt”, nhất là nhiệm vụ bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới; phối hợp để xử lý các vụ việc xảy ra trên biên giới theo các hiệp định về biên giới, cửa khẩu mà Việt Nam ký kết với các nước láng giềng.

Đặc biệt, Luật Biên phòng Việt Nam cũng là cơ sở pháp lý để thực hiện hiệu quả công tác phối hợp giữa BĐBP và Hải quan trong việc kiểm tra, kiểm soát người, phương tiện xuất nhập cảnh, quá cảnh tại các cửa khẩu biên giới đất liền, cửa khẩu cảng; giữa BĐBP với công an và các cơ quan, chính quyền địa phương trong quản lý, bảo vệ an ninh biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới và các cửa khẩu.

Luật Biên phòng Việt Nam ra đời cũng góp phần quan trọng để công tác đối ngoại biên phòng tiếp tục được triển khai thực hiện linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả trong hợp tác, phối hợp với lực lượng chức năng các nước có chung đường biên giới và các tổ chức quốc tế trong quản lý, bảo vệ biên giới đúng với quan điểm bảo vệ biên giới “từ sớm, từ xa” của Đảng. Đồng thời, tạo điều kiện để BĐBP chủ động hợp tác, phối hợp với lực lượng quản lý, bảo vệ biên giới, cửa khẩu của các nước tiếp giáp, nhằm giải quyết kịp thời các vụ việc xảy ra trên biên giới và đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa ở khu vực biên giới. Qua đó, góp phần xây dựng, quản lý và bảo vệ biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Đặc biệt, lần đầu tiên, vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, phạm vi hoạt động, trang bị hoạt động, cơ chế chính sách của BĐBP được quy định cụ thể, chi tiết trong Chương III Luật Biên phòng Việt Nam, từ Điều 13 đến Điều 24 và tại Chương IV, các điều 25, 26, 27 khẳng định: “BĐBP là lực lượng vũ trang nhân dân, thành phần của QĐND Việt Nam, là lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới”...

Đây chính là những căn cứ pháp lý quan trọng để xây dựng BĐBP cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số thành phần tiến thẳng lên hiện đại, đáp ứng vai trò nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới.

Hương Mai

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/chu-quyen-lanh-tho-an-ninh-bien-gioi-quoc-gia-se-duoc-bao-ve-bang-suc-manh-tong-hop-cua-toan-dan-toc-post435130.html