Chủ quan với 'giặc lửa', hậu họa khôn lường

Chứng kiến 'họng khói' ngùn ngụt phun ra từ  cửa chính, khe cửa quán Bar Leon Night Club (số 17-Lê Duẩn) trong vụ cháy xảy ra sáng 11-9, đến giờ, hàng ngàn người dân Đà Nẵng qua đường vẫn chưa hết rợn người.

Chứng kiến "họng khói" ngùn ngụt phun ra từ cửa chính, khe cửa quán Bar Leon Night Club (số 17-Lê Duẩn) trong vụ cháy xảy ra sáng 11-9, đến giờ, hàng ngàn người dân Đà Nẵng qua đường vẫn chưa hết rợn người. Tôi cũng nằm trong số đông người chứng kiến vụ cháy ấy. Và nếu không có sự vào cuộc nhanh, quyết liệt của gần 10 xe chữa cháy và gần 100 CBCS CSPCCC, hẳn rằng vệt nhà cao tầng kế cận trên tuyến phố sầm uất bậc nhất Đà Nẵng cũng gánh chịu hệ hụy chung: Bị "giặc hỏa" thiêu rụi! Sự cố một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh trong công tác phòng cháy, rằng, chỉ cần chút chủ quan, lơ là, hậu họa phải gánh sẽ khôn lường...

Lực lượng CS PCCC CATP dập đám cháy xảy ra sáng 11-9.

Hiểm nguy rình rập

Chúng tôi xin nhắc lại một ý mà mới đây trao đổi với Báo Công an TP Đà Nẵng, Đại tá Lê Ngọc Hai, Phó Giám đốc CSPCCC (nay là Phó giám đốc CATP) từng nói, rằng: "Giữa cháy hay không cháy là một khoảnh khắc rất gần. Chỉ cần một sơ suất nhỏ có thể gây ra hậu quả lớn. Và trong PCCC, nguy hiểm hay an toàn đều không có tuyệt đối. Nên ý thức của người dân sẽ quyết định là nó nguy hiểm hay an toàn". Theo ghi nhận của chúng tôi, sự chủ quan đang là thực tế khá rõ dẫn đến nguy cơ cháy. Khắp nơi, hiểm nguy về cháy luôn rình rập. Một điển hình nhất, trên địa bàn thành phố có hàng trăm block chung cư với hàng chục ngàn hộ sinh sống, trong đó diện chung cư Cty quản lý nhà chung cư đang quản lý có hơn 180 block với khoảng 10.000 căn hộ. Theo ông Nguyễn Hữu Chát, Phó Giám đốc Cty QLNCC, dù nhiều năm qua, các tòa nhà chung cư chưa xảy ra cháy lớn, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây cháy. Không ít khu nhà người dân thả ga để những vật dụng sinh hoạt dễ gây cháy như bàn ghế, nệm, thùng xốp xếp ngổn ngang khu vực hành lang. Rồi, thói quen đặt bàn thờ cúng ở hành lang chung cư cũng diễn ra phổ biến. Họ sử dụng loại bóng quả nhót, tỏa nhiệt rất nhanh, nên dễ gây chập điện. Trong khi đó, do thiếu diện tích nhà để xe nên nhiều khu người dân đưa xe vào phòng cộng đồng, huy hiểm vô cùng khi có sự cố rò rỉ xăng.

Ông Chát cho biết thêm, thời gian qua Cty cũng đã kiến nghị Sở Xây dựng tính toán, bố trí thêm diện tích nhà để xe phục vụ các hộ ở những tòa nhà, tuy nhiên cũng chỉ mới giải quyết được tại một số khu. Chuyện ý thức của người dân trong việc để vật dụng dễ gây cháy trong các tòa nhà, Cty cũng đã phối hợp với chính quyền địa phương có liên quan tuyên truyền rất nhiều, xong hiệu quả chưa cao. "Có rất nhiều cái khó, như việc người dân lập bàn thờ là vấn đề tâm linh của họ, Cty không thể cấm hay cưỡng chế, mà chỉ có thể tuyên truyền, nhắc nhở họ mà thôi" - ông Chát nói. Bên cạnh những chung cư mới xây dựng vài năm gần đây, hiện TP vẫn tồn tại rất nhiều khu nhà chung cư cũ, xây dựng từ những năm 2000 trở về trước như chung cư Hòa Minh, Thuận Phước, lâm đặc sản Hòa Cường... cũng đang là nỗi lo lớn nếu có sự cố cháy nổ xảy ra. Nhà xuống cấp đã đành, người dân sống ở đây rất thiếu ý thức trong công tác phòng cháy, xếp những đồ dùng dễ gây cháy nằm ngổn ngang khắp nơi. Xe máy do để bên dưới không an toàn, nhiều nhà còn dắt xe lên tầng 2, tầng 3 rất nguy hiểm. "Ở những khu chung cư cũ, mỗi chiếc xe máy để trong căn hộ đều như những quả "bom nổ chậm", có thể gây nguy hiểm cho tất cả tòa nhà" - ông Chát đơn cử. Giải pháp nào để phòng chống cháy nổ hiệu quả? Ông Chát cho hay, hiện có khoảng hơn 80% số hộ ở chung cư do Cty đang quản lý vận hành đã được Cty trang bị bình chữa cháy. Tuy nhiên, nhiều nơi người dân rất thiếu ý thức, tự ý nghịch nhấn nút báo cháy, hoặc rút ống chốt các bình chữa cháy nên không ít chỗ đã hư hỏng phương tiện, khiến Cty phải thường xuyên kiểm tra để sửa chữa, bổ sung thiết bị. "Mới đây, UBNDTP đã có chủ trương về việc tổ chức thuê đơn vị tư vấn, thiết kế lại hệ thống PCCC cho các tòa nhà chung cư mà hệ thống PCCC không còn phù hợp. Cty cũng đang phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan xúc tiến đầu tư việc này để công tác PCCC cho các tòa nhà đảm bảo hơn về sau" - ông Chát nói.

Ngoài số nhà chung cư Cty QLNCC đang quản lý, vận hành, trên địa bàn TP còn có hàng chục tòa nhà chung cư của các tập đoàn, Cty xây dựng bán cho người thu nhập thấp, hoặc chung cư cao cấp và hàng loạt tòa nhà cao tầng là trụ sở làm việc của các tổ chức, Cty cũng còn nhiều khiếm khuyết trong công tác PCCC. Nhiều nơi, dụng cụ chữa cháy không bảo quản, để hoen gỉ. Nhiều tòa nhà có thiết kế cửa chống cháy ở đầu cầu thang bộ với cơ chế tự động đóng khi có người đi qua thì bị nhiều người thiếu ý thức mở cửa rồi đã dùng vật cứng chặn lại. Đây là việc làm rất nguy hiểm, bởi nếu có cháy ở tầng hầm, tác dụng của cửa là ngăn chặn khói, cách nhiệt trong một khoảng thời gian nhất định không còn tác dụng, dẫn đến hệ lụy: Cửa này biến cầu thang thành ống khói dẫn lên các tầng trên, gây ngạt.

Tại các chợ, việc cơi nới gian hàng, tổ chức nấu nướng, hay ngang nhiên hút thuốc dẫn đến nguy cơ cháy cũng rất cao. Việc tiểu thương sử dụng bếp ga nấu nướng trong chợ, có chợ đặt gần những khu bán quần áo, đồ dùng dễ cháy càng nguy hiểm. Đại diện một Ban quản lý chợ từng nói với chúng tôi, dù công tác tuyên truyền, vận động tiểu thương diễn ra thường xuyên nhưng hiệu quả vẫn chưa cao. Vị này cũng cho rằng, do chưa xảy ra cháy nên tiểu thương chưa biết sợ, chứ cháy chợ trên cả nước đã nhiều rồi, lúc đó có kêu trời cũng chẳng thấu.

Tại các khu chung cư, việc người dân lập bàn thờ ở hành lang là một trong những nguy cơ gây cháy cao.

Không có nơi nào an toàn tuyệt đối

Lãnh đạo Phòng CSPCCC khẳng định rằng, với hỏa hoạn, điều cần nhất vẫn là phòng ngừa. Trước nguy cơ cháy nổ, không có bất cứ nơi nào nguy hiểm tuyệt đối hoặc an toàn tuyệt đối. Yếu tố quyết định nhất trong PCCC vẫn là ý thức của mỗi người dân. Nhưng nhiều nơi, người dân ý thức quá tồi trong công tác phòng ngừa. Còn đại diện Cty quản lý nhà chung cư cho hay, có rất nhiều thói quen của người dân vô tình đang làm "mồi nhử" cho "bà hỏa" hoặc tự làm mất công năng của hệ thống PCCC. Điển hình, dù được trang bị tủ phòng cháy, đèn cảnh báo, dụng cụ dùng để thoát hiểm nhưng chỉ một thời gian sau đã bị phá hết. Thậm chí, búa dùng chữa cháy, ống gang vòi chữa cháy người dân đã lấy làm việc của mình, nhưng quên trả lại. Hay như đã nói ở trên, nhiều chung cư cửa chống cháy cũng bị cư dân tòa nhà mở toang, dùng vật cứng chặn lại. Nên khi có sự cố cháy, sẽ gây nguy hiểm cho các tầng trên vì người dân không có lối thoát.

Trao đổi với phóng viên, chỉ huy tất cả các đội chữa cháy 100% đều cho rằng, một trong những yếu tố quan trọng để ngăn ngừa hiệu quả nguy cơ cháy nổ chính là việc đầu tư cơ sở vật chất ban đầu, tuân thủ các quy chuẩn cũng như chế độ bảo quản, bảo dưỡng trang thiết bị, diễn tập thực hành thường xuyên. Đại tá Lê Ngọc Hai, Phó giám đốc CATP khi còn là Phó giám đốc CSPCCC cũng từng nhiều lần nhắc đi nhắc lại rằng, dù các tòa nhà thương mại, khu chung cư mấy tầng, hiện đại đến đâu, nhưng hệ thống phòng cháy không theo quy chuẩn hoặc không có chế độ kiểm tra định kỳ nghiêm ngặt thì khi xảy ra sự cố cũng có khả năng bị tê liệt, hậu quả khó mà lường. Những khu phố kinh doanh, trường học, chợ, bệnh viện... cũng không khác. Vì vậy, yếu tố quan trọng nhất, quyết định hiệu quả của cuộc chiến phòng chống cháy vẫn phụ thuộc lớn vào ý thức của mỗi con người. Theo Đại tá Hai, chỉ cần mỗi người bỏ được những thói quen xấu và khắc phục sự cẩu thả, chủ quan thì sẽ tránh được những nguy cơ tiềm ẩn.

Đánh giá và nhận xét của các "thủ lĩnh" cơ quan PCCC không sai, và không thừa để mỗi người lĩnh hội, tự biết mình phải trang bị gì để PCCC một cách an toàn nhất. Bởi, giữa cháy hay không cháy khoảnh khắc rất mong manh và không có khái niệm nơi nào an toàn tuyệt đối. Chỉ cần một sơ suất nhỏ có thể gây ra hậu quả lớn. Nên, nếu bỏ được một thói quen, nâng cao cảnh giác sẽ ngăn ngừa được nguy cơ cao, vì vậy rất cần ý thức của mỗi người dân.

CÔNG HẠNH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_195466_chu-quan-voi-giac-lua-hau-hoa-khon-luong.aspx