Chủ quán phở sẽ phải thành Giám đốc doanh nghiệp phở?

Chủ tịch VCCI khẳng định, đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của Luật doanh nghiệp không phải là ép buộc hộ kinh doanh phải chuyển đổi thành công ty, hay thành doanh nghiệp tư nhân, 'tuyệt đối không có chuyện 'qua một đêm ngủ dậy thì ông chủ quán phở hôm qua trở thành giám đốc doanh nghiệp phở hôm nay'.

Trước những băn khoăn: “Đưa hộ kinh doanh vào Luật doanh nghiệp liệu có khiên cưỡng?” “Liệu hộ kinh doanh có bị thui chột không khi được chính danh trong Luật doanh nghiệp? ĐB Vũ Tiến Lộc (Chủ tịch Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam VCCI) đã có bài phân tích rất rõ ràng.

Theo Chủ tịch VCCI, suốt 30 năm qua, trong hệ thống pháp luật Việt Nam, doanh nghiệp được quan niệm bao gồm cả 2 loại hình: loại hình công ty (có tư cách pháp nhân) như công ty TNHH, công ty Cổ phần .v.v. và cá nhân kinh doanh (không có tư cách pháp nhân), được đặt tên riêng là Doanh nghiệp tư nhân.

Còn hộ kinh doanh thực chất là sự pha trộn giữa hai loại hình: cá nhân kinh doanh (như doanh nghiệp tư nhân) và nhóm người kinh doanh (tương tự như công ty (nhưng với cơ cấu sơ khai nhất).

ĐBQH Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI

ĐBQH Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI

Ông Vũ Tiến Lộc phân tích: Về bản chất kinh tế, pháp lý và thực tiễn, thì các hộ kinh doanh, trước hết là các hộ kinh doanh có đăng ký, chính là một loại hình doanh nghiệp nhưng lại chưa được coi là doanh nghiệp và nhiều hộ kinh doanh hiện tại đang có quy mô, và số lao động được sử dụng thậm chí còn lớn hơn các công ty. Đó là một trong những khiếm khuyết lớn nhất trong hệ thống pháp luật về doanh nghiệp hiện hành.

Theo Chủ tịch VCCI, việc không đưa hộ kinh doanh vào Luật doanh nghiệp đã để lại một hậu quả pháp lý, đó là, trong khi quyền và nghĩa vụ của công ty tư nhân, và các cá nhân kinh doanh, đóng góp chưa đầy 10% GDP, thì được quy định trong Luật doanh nghiệp còn quyền và nghĩa vụ của hộ kinh doanh – nơi sinh kế của hàng chục triệu người và đóng góp hơn 30% GDP của đất nước, mà bản chất cũng là doanh nghiệp, thì chỉ được chế định trong một Nghị định do Chính phủ ban hành.

“Theo Nghị định này thì hộ kinh doanh chỉ được hoạt động trong phạm vi địa phương là quận, huyện nơi đăng ký và bị hàng loạt các hạn chế về quyền kinh doanh. Điều này trái với nguyên tắc hiến định là việc hạn chế quyền tự do kinh doanh của công dân, chỉ có thể được quy định trong văn bản luật do Quốc hội ban hành” – ông Lộc nói.

Chủ tịch VCCI nhấn mạnh: “Đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của Luật doanh nghiệp là phù hợp với bản chất kinh tế và pháp lý của hộ kinh doanh và cũng bảo đảm quyền bình đẳng của hộ kinh doanh với các loại hình doanh nghiệp khác”.

“Được chính danh trong Luật doanh nghiệp sửa đổi lần này, hộ kinh doanh sẽ có thêm nhiều thuận lợi” – ông Lộc nói thêm và chỉ ra một loạt những thuận lợi đó như: Vị trí pháp lý của hộ kinh doanh được quy định rõ ràng trong khi đăng ký hoạt động của hộ kinh doanh không thay đổi vì vẫn giữ nguyên hệ thống đăng ký ở cấp huyện như hiện nay; Chế độ ghi chép sổ sách kế toán và nghĩa vụ thuế với hộ kinh doanh cũng không thay đổi…

Về phía quản lý Nhà nước, đưa hộ kinh doanh vào Luật doanh nghiệp cũng không phát sinh thêm chi phí và bộ máy quản lý do vẫn duy trì phân cấp đăng ký và quản lý hộ kinh doanh như hiện nay.

Đáng chú ý, ông Lộc đánh giá, thu Ngân sách nhà nước lại có thể tăng thêm khi các hộ kinh doanh hoạt động bài bản hơn, minh bạch hơn, giảm thiểu sự thỏa thuận thuế giữa hộ kinh doanh và cán bộ thuế, giảm được sự nhũng nhiễu và tham những vặt.

Chủ tịch VCCI khẳng định, đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của Luật doanh nghiệp không phải là xóa bỏ hộ kinh doanh, cũng không phải ép buộc hộ kinh doanh phải chuyển đổi thành công ty, hay thành doanh nghiệp tư nhân, cũng không bắt các hộ kinh doanh phải thay tên, đổi họ mà chỉ để chính danh hộ kinh doanh trong Luật, “không để hộ kinh doanh bị bỏ lại phía sau”, để bảo vệ hộ kinh doanh, minh bạch hóa, nâng cao năng lực, thúc đẩy sự phát triển của hộ kinh doanh.

“Tuyệt đối không có chuyện “Qua một đêm ngủ dậy thì ông chủ quán phở hôm qua trở thành giám đốc doanh nghiệp phở hôm nay” – Chủ tịch VCCI nhấn mạnh và chỉ rõ, vị thế pháp lý quyền và nghĩa vụ cơ bản của hộ kinh doanh ghi nhận trong Luật sẽ giúp họ sẽ yên tâm làm ăn, làm ăn bài bản và minh bạch hơn và có điều kiện thuận lợi từng bước chuyển đổi thành các mô hình doanh nghiệp hiện đại để mở mang hoạt động kinh doanh và đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế.

Giải trình về vấn đề này, Bọ trưởng Bộ KH&ĐT cũng phân tích: Luật Kinh doanh sẽ là cơ sở pháp lý cao nhất để bảo vệ quyền và lợi ích của các hộ kinh doanh. Theo quy định của dự thảo luật là các hộ kinh doanh đang hoạt động thì không phải đăng ký lại hoặc cũng không phải đổi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động đã được cấp.

Xuân Hưng

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/doanh-nghiep/201911/cac-ong-chu-quan-pho-se-phai-thanh-giam-doc-doanh-nghiep-pho-4305335/