Chủ quán đánh đập bé 15 tuổi: Đừng mượn danh dạy dỗ để bạo hành

Khi bạo hành những đứa trẻ, những người lớn thường mượn danh dạy dỗ các cháu để biện minh cho hành vi bạo lực của mình. Nguyễn Thị Ánh Tuyết, chủ quán bánh xèo ở Bắc Ninh - kẻ bạo hành hai nhân viên cũng như vậy.

Bé Trương Quang Duy (15 tuổi) những ngày qua khiến nhiều người ám ảnh khi vụ việc em bị chủ quán bánh xèo bạo hành dã man được phơi lộ. Hình ảnh một bé trai khắp cơ thể chi chít những vết sẹo, gương mặt xưng húp, cánh tay còn nguyên vết bỏng lớn phồng dộp, lưng lỗ chỗ vết thương vừa khô máu khiến không ít người xót xa.

Ai cũng thấy thương cảm, thậm chí nghẹn đắng vì uất ức thay cho cháu bé khi hoàn cảnh gia đình khó khăn mẹ mất sớm, bố bị tâm thần thường đi lang thang mỗi khi lên cơn điên. Nghe lời anh trai, bé vượt quãng đường xa từ Quảng Ngãi đến Bắc Ninh để vừa làm thêm, vừa để vợ chồng chủ quán vốn là đồng hương “dạy dỗ”.

Nguyễn Thị Ánh Tuyết, chủ quán bánh xèo ở Bắc Ninh - kẻ bạo hành hai nhân viên gây bức xúc dư luận.

Nguyễn Thị Ánh Tuyết, chủ quán bánh xèo ở Bắc Ninh - kẻ bạo hành hai nhân viên gây bức xúc dư luận.

Những tưởng được đồng hương cưu mang, giúp đỡ, dạy dỗ, cậu bé Trương Quang Duy, đâu ngờ, 2 tháng làm việc ở đây là những chuỗi ngày kinh hoàng khi bị bóc lột sức lao động, ngày chỉ được nghỉ 3 tiếng mà không được trả lương, phải ăn thức ăn thừa của khách chứ chưa từng được bữa cơm đàng hoàng no bụng và hứng chịu những trận đòn roi như thời trung cổ.

Cùng chung số phận với Duy, Võ Văn Đức, 21 tuổi ở huyện Nghĩa Tư, tỉnh Quảng Ngãi nhân viên quán bánh xèo cũng bị đánh đến mức gãy ngón chân, xây xát khắp cơ thể.

Thương cảm cho Duy, Đức bao nhiêu, lại càng phẫn uất với hành vi tàn ác của nữ chủ quán bánh xèo bấy nhiêu. Không ai có thể ngờ, giữa thời đại văn minh vẫn còn người coi người lao động nhân viên của mình như nô lệ, tự cho mình quyền “dạy dỗ” bằng những trận đòn roi tra tấn dã man với đứa trẻ.

Lời khai của Tuyết tại cơ quan công an cho thấy, việc đánh đập là do 2 nhân viên này lười, ở bẩn, hay ăn vụng đồ ăn và nghi ngờ nhân viên trộm tiền của mình. Tuy nhiên, lý do Tuyết đưa ra để bạo hành, tra tấn đánh đập 2 nhân viên không thuyết phục được dư luận.

Bởi không ai dạy dỗ những nhân viên, trong đó có đứa trẻ mới 15 tuổi bằng những hành vi đánh đập tàn ác như lời Tuyết thừa nhận: dùng cây ống nước đánh vào lưng, tay cháu bé, lấy chày đâm tiêu bằng đã đánh vào hai tay cháu, lấy cây cọ chà nhà vệ sinh đánh, chọc vô mắt, sau đó chọc vô tai rồi đánh 2 bên chân cháu…Không chỉ vậy, mỗi khi tức giận, Tuyết lại lôi nhân viên vào phía sau nhà đánh đập bằng những dụng cụ làm bếp như bàn chải sắt đánh vảy cá, dao, chày giã tiêu, xẻng xúc bánh…

Hành vi của Tuyết không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà còn vi phạm nghiêm trọng đạo đức làm người. Đó là hành vi của những kẻ mất nhân tính, là tội ác chứ không phải hành vi của người lớn dạy bảo những đứa trẻ như thông thường.

Không chỉ vụ việc trên, thời gian qua, nhiều vụ bạo hành trẻ em xảy ra khiến xã hội vô cùng bức xúc với vấn nạn này. Đối tượng bạo hành trẻ rất đa dạng từ những người thân như bố mẹ, ông bà đến người giúp việc, cô giáo…Đa số các vụ bạo hành trẻ khi ra tòa các đối tượng đều khai rằng do dạy dỗ. Nhưng những lý do đó không thể đổ lỗi, biện minh cho hành vi ác độc của các đói tượng. Bởi đó là sự dối trá, dạy dỗ không ai đánh những đứa trẻ đến thâm tím mặt mày, gãy tay gãy chân, thậm chí mất cả tính mạng như vậy.

Hơn nữa, công ước quốc tế về quyền trẻ em và hơn 80 văn kiện quốc tế, các quy định pháp luật của Việt Nam đều quy định rõ về quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em. Không thể nhân danh dạy dỗ, thương cho roi cho vọt mà thành bạo hành. Trẻ em là người yếu thế, là đối tượng đặc biệt được pháp luật bảo vệ, bạo hành những đứa trẻ là điều không thể bao biện và chấp nhận được trong xã hội văn minh.

Hành vi bạo hành trẻ em của Nguyễn Thị Ánh Tuyết đã xâm phạm nghiêm trọng quyền trẻ em được pháp luật bảo vệ, xâm hại đến quyền được bảo hộ về thân thể, sức khỏe, uy tín, danh dự, nhân phẩm của người bị lệ thuộc đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự. Cụ thể, Tuyết đang bị tạm giữ để điều tra về tội hành hạ người khác, theo điều 140 Bộ luật Hình sự với mức án lên đến 3 năm tù. Không những thế, chủ quán bánh xèo còn có thể đối diện với tội danh sử dụng lao động trẻ em dưới 16 tuổi với mức phạt lên đến 200 triệu đồng.

Với những hành vi đã gây ra, Nguyễn Thị Ánh Tuyết sẽ nhận được bản án thích đáng về hành vi vi phạm pháp luật của mình. Tuy nhiên, vụ việc trên cũng là bài học răn đe cho những đối tượng coi thường tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm của người khác, nhất là hành vi bạo hành trẻ em. Đừng bao giờ lấy lý do dạy dỗ để tự cho mình quyền được bạo hành trẻ bởi đó không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà còn là tội ác không thể dung thứ khi để lại trong tâm hồn những đứa trẻ những vết thương tinh thần sẽ rất khó để chữa lành.

Mời độc giả xem thêm video Bắt khẩn cấp nữ chủ quán bánh xèo tra tấn nhân viên

Nguồn: Công an tỉnh Bắc Ninh.

Tâm Đức

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/chu-quan-danh-dap-be-15-tuoi-dung-muon-danh-day-do-de-bao-hanh-1465452.html