Chủ quán bánh xèo đánh đập cháu bé ở Bắc Ninh: Xâm phạm nghiêm trọng quyền trẻ em

Công an huyện Yên Phong (Bắc Ninh) đã ra lệnh bắt giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Nguyễn Thị Ánh Tuyết (34 tuổi, quê Quảng Ngãi), chủ quán bánh xèo đã có hành vi đánh đập, bóc lột sức lao động của hai nhân viên trong đó có cháu T.Q.D (14 tuổi).

Cháu D được chăm sóc tại bệnh viện

Theo Hội LHPN tỉnh Bắc Ninh, sau khi nắm được thông tin cháu T.Q.D (SN 2006, xã Hành Phước, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi) bị bạo hành tại quán bánh xèo Miền Trung (xã Yên Trung, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) Hội LHPN tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo các cấp hội đến hỏi thăm, động viên tinh thần cháu D. Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo Hội LHPN huyện Yên Phong phối hợp với Công an huyện Yên Phong, VKSND huyện Yên Phong để nắm bắt tình hình. Các cấp hội sẽ theo dõi chặt chẽ những diễn biến của vụ việc, đề nghị cơ quan chức năng xử lý nghiêm, để đảm bảo quyền và lợi ích cho cháu T.Q.D. Hiện nay, cháu D vẫn đang điều trị vết thương ở Bệnh viện đa khoa huyện Yên Phong. Cháu D, quê ở Quảng Ngãi và có gia cảnh rất đáng thương. Gia đình của D rất nghèo, mẹ cháu mất cách đây 6 năm, cha bị bệnh tâm thần. D còn có anh trai và chị gái. Cả 3 anh chị em của D đều lần lượt phải nghỉ học để đi làm khi tuổi đời còn rất nhỏ. Hiện tại cả 3 anh em D đều đang ở Bắc Ninh để cơ quan chức năng làm rõ vụ việc D bị chủ quán bánh xèo hành hung.

Trao đổi với Văn Hóa, Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh cho biết hành vi của nghi phạm đối với cháu bé trong suốt thời gian dài là rất tàn ác, xâm phạm nghiêm trọng quyền trẻ em được pháp luật bảo vệ. Hành vi của nghi phạm đã trực tiếp xâm hại đến quyền được bảo hộ về thân thể, sức khỏe, uy tín, danh dự, nhân phẩm của người bị lệ thuộc đã cấu thành tội Cố ý gây thương tích và tội Hành hạ người khác. Tội danh và hình phạt được quy định tại Điều 134 và điểm a, Khoản 2 Điều 140 Bộ luật Hình sự. Trong đó, hành vi của nghi phạm đã đánh đập cháu bé bằng các hung khí nguy hiểm đã xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe là khách thể cao nhất nên cần thiết phải xem xét xử lý cả về tội Cố ý gây thương tích. Tỷ lệ thương tích của cháu càng cao thì nghi phạm càng phải chịu trách nhiệm tương ứng với định khung tăng nặng theo quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự.

Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, đối với hành vi Hành hạ người khác được thể hiện ở hành vi đối xử tàn ác với người bị lệ thuộc vào người phạm tội. Hành vi đối xử tàn ác là làm cho nạn nhân đau đớn về thể xác và đè nén, áp bức về tinh thần như đánh đập, giam hãm không cho ra khỏi nhà, bắt nhịn ăn, uống, không cho mặc đủ ấm… Tuy nhiên, nếu việc hành hạ đó còn gây thương tích nghiêm trọng cho nạn nhân thì nghi phạm còn phải chịu trách nhiệm về khách thể cao hơn đó là xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe người khác về tội Cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự.

Đây là vụ việc xâm phạm nghiêm trọng quyền trẻ em gây bức xúc trong dư luận xã hội nên cần thiết phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Trẻ em là người yếu thế, là đối tượng đặc biệt được pháp luật bảo vệ mà nghi phạm lại đang tâm đánh đập, hành hạ cháu bé trong suốt thời gian dài như thời nô lệ là điều không thể bao biện và chấp nhận được trong xã hội văn minh.

HÀ VƯƠNG

Nguồn Báo Văn hóa: http://baovanhoa.vn/phap-luat/artmid/622/articleid/35543/chu-quan-banh-xeo-danh-dap-chau-be-o-bac-ninh-xam-pham-nghiem-trong160quyen-tre-em