Chữ P và 7 sắc cầu vồng

Nếu như đại dịch Covid-19 không xuất hiện, cuộc diễu hành Tự hào (Pride parade) của cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBTQ) ở New York (Mỹ) năm nay chắc chắn sẽ rầm rộ hơn nhiều so với năm ngoái, bởi 2020 chính là dịp kỷ niệm 50 năm kể từ cuộc diễu hành này được tổ chức lần đầu tiên. (Hồi tháng 7 năm ngoái, ước tính đã có đến 5 triệu người tham dự sự kiện World Pride ở thành phố New York - một con số kỷ lục).

Nhiếp ảnh gia nổi tiếng 75 tuổi Stanley Stellar nhớ lại, những người tham gia diễu hành đầu tiên vào năm 1970 đã tập trung ở một khu vực nhỏ xíu trên phố Christopher ở phía Tây thành phố New York. Vào thời điểm đó, đây là địa điểm công cộng hiếm hoi mà những người đồng tính có thể tìm đến gặp gỡ nhau. Những năm đầu, cuộc diễu hành Pride bị nhiều người chế nhạo, tẩy chay. Nhiều tài xế lái xe hơi ngang qua, nhổ nước bọt, la hét, chửi rủa những người tham gia diễu hành. Nhưng linh hồn của cuộc đấu tranh – Marsha P. Johnson một phụ nữ dũng cảm – đã truyền cảm hứng cho những người tham gia bằng thông điệp ngắn gọn: “Pay them no mind” (Đừng để ý đến họ - những người ác ý). “Chúng tôi phải bước ra ngoài ánh sáng không cảm thấy hổ thẹn, nếu không mọi người sẽ tiếp tục coi chúng tôi là những kẻ quái dị”, một người tham dự cuộc diễu hành ở thành phố New York năm 1970 nói với phóng viên tờ New York Times.

Trong nhiều thập kỷ, các cuộc diễu hành Pride tiếp tục lan rộng, năm sau lại có số lượng người tham gia nhiều hơn năm trước. Năm 1980, các cuộc diễu hành Pride đã diễn ra trên khắp thế giới, tại các thành phố như Montreal, London, Mexico City và Sydney. Một dấu mốc rất quan trọng cho phong trào này là năm 1999, khi Tổng thống Bill Clinton đã đưa ra quyết định, tháng 6 được coi là Tháng Tự hào của người đồng tính nam và đồng tính nữ ở Hoa Kỳ.

Năm 2008, Tổng thống Barack Obama đã mở rộng định nghĩa này, khi ông đưa ra tuyên bố tháng 6 được coi là Tháng Tự hào của người LGBTQ. Lá cờ cầu vồng được coi là biểu tượng của cộng đồng này, ghi nhận những nỗ lực vượt qua định kiến, khẳng định và yêu cầu sự tôn trọng của xã hội đối với họ.

Suốt 5 thập kỷ quan sát và chụp ảnh LGBTQ, Stellar là một trong những nhân chứng và người ủng hộ kiên trì nhất cho phong trào đấu tranh để được sống đúng với con người thực của mình. Theo ông, những năm gần đây, các cuộc đấu tranh vì công bằng chủng tộc và chuyển giới quyền đã trở nên nổi bật hơn và giành được những thắng lợi xứng đáng. Bản thân ông cũng gặt hái thành quả riêng: Stella sắp sửa tổ chức một cuộc triển lãm ảnh mà 10% số tiền thu được sẽ được dành để hỗ trợ Viện Marsha P. Johnson.

CẨM HÀ

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/chu-p-va-7-sac-cau-vong-129354.html