Chủ ôtô phải nộp phạt nguội: CSGT bớt gánh nặng?

Bộ Giao thông đề xuất chủ phương tiện phải có tài khoản giao thông được cho sẽ tạo thuận lợi cho việc phạt nguội khi cần thiết.

Theo đó Bộ Giao thông Vận tải đang lấy ý kiến về dự thảo Luật Giao thông đường bộ 2008 (sửa đổi).

Dự thảo nêu nhiều đề xuất mới liên quan đến cách nhận biết xe kinh doanh và xe không kinh doanh vận tải; thêm quy định kết nối giữa biển số xe với tem kiểm định và thẻ chíp điện tử phục vụ việc thu phí đường bộ; bổ sung quy định liên quan tài khoản giao thông của chủ phương tiện phục vụ việc phạt nguội và trả phí đường bộ...

Chiều 20/7, trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho hay ông hoàn toàn nhất trí với phương án chủ phương tiện phải có tài khoản để khấu trừ nếu có vi phạm giao thông. Tuy nhiên để thực hiện được nó không phải là điều dễ.

Ông Thanh chia sẻ: "Phạt thông thường là thường nộp phạt bằng tiền mặt, trong đề xuất này thì ngân hàng sẽ tự động trừ vào tài khoản của người vi phạm. Qua camera giám sát, CSGT phát hiện vi phạm sẽ báo với ngân hàng để trừ. Việc phạt nguội như vậy cũng làm giảm tiêu cực trong công an, CSGT.

Nếu trường hợp vi phạm thắc mắc đã có camera quay lại, đoạn ghi hình đó vi phạm sẽ được xem để không cãi được. Việc làm này cũng khiến lực lượng CSGT không phải đuổi theo vi phạm để rồi xảy ra những tai nạn đáng tiếc".

Theo ông Thanh, thực hiện việc này đầu tiên nên thực hiện với xe kinh doanh vận tải , xe cá nhân sẽ được thực hiện sau.

"Việt Nam mình còn lạc hậu với tài khoản lắm. Xe kinh doanh chắc chắn chủ xe phải có tài khoản. Còn với những xe cá nhân không lý nào không có tài khoản vì bỏ ra vài trăm triệu mua xe lại không có lấy một tài khoản cá nhân.

Việc làm này quan trọng là nhận thức của con người có nghiêm túc hay không, sau đó là cơ quan pháp luật. Tác dụng của việc phạt nguội này là không sợ vi phạm cù nhầy, bởi nếu phát hiện vi phạm thì hệ thống ngân hàng sẽ tự động trừ tiền ngay. Ngoài ra vi phạm cũng không xin xỏ như trước được" -ông Thanh nói.

Xe khách đón khách trên cao tốc bị camera ghi lại.

Ngoài ra, ông Thanh nhận định: "Người Việt Nam mình có ý thức tham gia giao thông rất kém, có CSGT thì đi tử tế, không có là vi phạm. Hình thức phạt nguội trừ thẳng vào tài khoản này sẽ giảm thiểu việc CSGT phải đứng giám sát. Tất nhiên vẫn cần công an, CSGT khi xảy ra va chạm. Cách thức này cũng cũng đỡ dư thừa CSGT bởi CSGT trước đó cũng kêu không đủ lực lượng hay lực lượng mỏng.

Thậm chí có trường hợp trước đó phạt nguội báo về cho gia đình nhưng xe lại không sang tên đổi chủ. Giờ có tài khoản thì ngân hàng sẽ trừ ngay vào tài khoản nên bắt buộc lái xe phải sang tên đổi chủ khi bán xe".

Bên cạnh đó ông Thanh cũng chỉ ra rằng mặc dù ở các nước việc chủ ôtô phải có tài khoản để nộp phạt nguội đã thực hiện từ lâu nhưng ở Việt Nam thì việc này không phải dễ làm.

"Phải phối hợp tốt, phối hợp giữa ngành công an, CSGT rồi ngân hàng. Bây giờ thuật thông tin cao rồi mà Việt Nam lại cứ làm thủ công thì sẽ lạc hậu. Làm cái mới sẽ có nhiều người cản không đồng tình, thậm chí, trong lòng một vài cán bộ, công chức sẽ không đồng tình" -ông Thanh nhấn mạnh.

Trái ngược với quan điểm trên, nhiều tài xế lại cho rằng việc làm này khó và không cần thiết.

Anh Kim Ngọc Duy (Ba La, Hà Đông, Hà Nội), chia sẻ: "Tôi nghĩ việc này là không cần thiết. Theo tôi, chỉ cần đăng ký số điện thoại, mỗi lần phạt nguội thì CSGT báo tin nhắn về điện thoại, khi nào đi đăng kiểm thì sẽ nộp phạt.

Còn việc trừ tiền vào tài khoản tôi nghĩ không cần. Chúng tôi không ai muốn tiền mình đóng băng chờ phạt đâu. Hơn nữa bây giờ lái xe thuê nhiều, họ cũng không muốn dùng biện pháp này. Mỗi lần vi phạm người chủ xe sẽ không đồng ý chịu hết, nếu lái xe chịu thì lái xe cũng không có nhiều tiền mà làm tài khoản để đợi bị trừ tiền.

Tôi biết có những người làm thuê một tháng 5-6 triệu, cả nhà trông chờ vào đồng lương của mình, tiền đâu họ cho vào tài khoản để chờ nộp phạt".

Cùng ngày, anh Nguyễn Văn Tuấn (Thanh Trì, Hà Nội) nói: "Tôi mới lái xe được vài tháng cho một hãng taxi lớn ở Hà Nội. Tiền chiết khấu cho hãng cũng khá cao nên tính ra tôi thu về không nhiều. Giờ mở tài khoản để nộp phạt tôi nghĩ khá khó bởi có tháng tính ra lấy về được vài triệu mà cứ phải để tiền vào đợi nộp phạt thì vợ tôi sống bằng gì. Tất nhiên chúng tôi lái xe không ai muốn vi phạm để phạt tiền, tuy nhiên có những lỗi mà không phải chúng tôi cố ý.

Tôi nghĩ nhiều nước phát triển họ đã làm được điều này, tuy nhiên với nước mình để thực hiện được rất khó và nhiều vấn đề" .

Thanh Thanh

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/chu-oto-phai-nop-phat-nguoi-csgt-bot-ganh-nang-3362223/