Chữ nước ngoài 'đè' chữ Việt

Nhiều người đi dạo trên một số tuyến phố ẩm thực và mua sắm ở các thành phố như Đà Nẵng, Nha Trang… sẽ dễ nhầm tưởng mình đi lạc vào 'phố Tàu' hoặc 'phố Nga'.

Vì sao? Vì các nhà hàng ăn uống, cửa hiệu mua sắm, tụ điểm giải trí... đều trưng dày đặc bảng hiệu bằng tiếng Trung Quốc hoặc tiếng Nga, chữ to đến mức lấp luôn chữ Việt. Thực khách thì toàn người Trung Quốc và Nga, hiếm hoi lắm mới có một vài khách Nhật, khách Hàn Quốc và các nước châu Âu. Người Việt mà đến các tuyến phố này, nếu có nhu cầu ăn uống hay mua sắm, hoặc là đã biết địa chỉ từ trước, hoặc là dò hỏi mấy anh lái taxi, xe ôm thì may ra mới tìm đúng nơi mình cần.

Trong vài năm trở lại đây, khách du lịch Trung Quốc đã chiếm một tỷ lệ rất lớn ở hai thành phố nói trên. Mỗi ngày có trên 20 chuyến bay trực tiếp từ Trung Quốc đáp xuống sân bay Cam Ranh, mang theo hàng ngàn người Trung Quốc nên việc “tràn ngập” tiếng Trung trên các đường phố là điều dễ hiểu. Nhưng điều khó hiểu là, ai cho phép các cửa hàng, tiệm ăn, nơi mua sắm được treo các bảng hiệu chỉ bằng tiếng nước ngoài, cụ thể là tiếng Trung, tiếng Nga một cách ngang nhiên như thế? Dĩ nhiên là không ai cho phép và khách du lịch cũng chả cần xem nội dung của những bảng hiệu đầy lỗi chính tả và ngữ pháp này. Thế thì vì lý do gì? Chỉ có một lý do là sính chữ nước ngoài, thấy người khác làm thì cũng làm theo chứ hoàn toàn không ý thức việc mình làm ấy tác dụng ra sao cả.

Cuộc kiểm tra nhằm dẹp các bảng hiệu tiếng nước ngoài tại Nha Trang ngày 11.4 vừa qua cho thấy khi được hỏi, phần lớn chủ nhân của các bảng hiệu tiếng Trung đều không hiểu rõ nội dung, tất cả đều trả lời rằng “thấy họ làm thì mình làm theo thôi”.

Hỏi những đối tượng mà các bảng hiệu này nhắm đến, tức khách Nga và Trung Quốc thì họ lắc đầu vì nhiều bảng hiệu rất tối nghĩa! Vả lại, họ cũng chẳng có thời gian để xem nội dung vì các tour “giá rẻ” đều được “chăn dắt” khá kỹ, đến mức người mù cũng có thể mua những thứ mình cần và những thứ “nằm trong tour”, nói gì người sáng mắt. Các hướng dẫn viên đã sắp đặt thời gian để khách ăn chỗ nào, mua sắm ở đâu, tham quan địa điểm nào… chính xác đến từng phút. Thế thì các bảng hiệu kia chỉ mang tính chất “trang điểm” chứ không phải để giúp họ kinh doanh dễ dàng hơn.

Chưa thấy đâu như ở nước mình, tiếng nước ngoài đã “đè” tiếng mẹ đẻ một cách công khai như thế cả. Đừng nói nhiều về lòng yêu nước nếu bạn coi tiếng mẹ đẻ của mình là một loại thứ phẩm ngay trên quê hương mình như thế. Luật quảng cáo đã quy định cấm các bảng hiệu ghi tiếng nước ngoài lớn hơn tiếng Việt. Quy định là thế nhưng có mấy ai thực hiện. Ngành văn hóa thì rầm rộ “ra quân” sau các bài báo phê phán nhưng chỉ được dăm hôm, đâu lại vào đấy. Rồi các ban ngành cùng chính quyền lại họp để rút kinh nghiệm và… lại ra quân tiếp. Nên chăng đến lúc ai đó có trách nhiệm ra đi, để chính quyền bớt phải… ra quân!

Trần Đăng

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/toi-viet/chao-buoi-sang/chu-nuoc-ngoai-de-chu-viet-952803.html