Chữ nợ chữ tình

Nhiều người luôn ca cẩm chồng/vợ mình giống như một gánh nặng. Vậy mà nói bỏ họ không thể bỏ. Với người ngoài cuộc, sự nhẫn nhục của họ thật khó lý giải.

Trong cuộc sống, đôi khi ta bắt gặp rất nhiều điều chỉ có thể lặng nhìn, hoặc chiêm nghiệm chứ không thể lý giải được, ví như chữ nợ trong đạo vợ chồng.

Phải có chữ tình thì người ta mới chịu đựng được những ấm ức, mệt mỏi như thế. Chữ tình xuất phát từ tính cách nhân hậu, vị tha của con người.

Nhiều cặp đôi lấy nhau hình như chỉ để “trả nhau cái nợ ba sinh”. Suốt quá trình chung sống, họ có rất ít thời gian ấm êm. Họ cãi lẫy, nhục mạ, thậm chí là hành tội nhau chứ nhất định không chịu hiểu nhau, không ai chịu nhường bước... Cảm giác như cuộc hôn nhân của họ chỉ vì chữ nợ mà thôi.

Cha mẹ của bạn tôi là một ví dụ. Cả một thời niên thiếu và thanh xuân, bạn tôi sống trong một gia đình không yên ổn. Cha mẹ chị luôn mâu thuẫn và đánh cãi nhau. Gia đình đối với con cái và với họ đúng như địa ngục. Cũng có nhiều người khuyên can và đã làm nhiều cách nhưng đều không cải thiện được mối quan hệ của họ - cho dù cả hai người đều là trí thức.

Thế rồi khi con cái đủ lớn, chị bạn tôi học xong đại học thì cha mẹ chị ly hôn. Năm mươi tuổi mẹ chị đi bước nữa sau khi ly dị được hai năm. Mẹ chị lấy một ông chồng người Pháp.

Hơn hai mươi năm sau khi ly hôn, cả mẹ và cha của chị bạn tôi đều sống vô cùng vui vẻ và thanh thản. Cha chị vui với các điệu vũ và những người bạn đồng hoàn cảnh với ông trong câu lạc bộ khiêu vũ. Hết “nợ nần” nhau, mẹ chị và cha chị sau đó lại có thể vui vẻ làm bạn, trò chuyện và hiểu nhau hơn. Bà luôn kể cho ông nghe những câu chuyện bên Pháp nơi bà đang sống bình yên và hạnh phúc với ông chồng Pháp. Bà thẳng thắn chia sẻ với ông, bất đồng ngôn ngữ có là gì khi họ chẳng cần nói mà chỉ lắng nghe và nhìn nhau vẫn hiểu được nhau...

Có những chuyện thật khó hiểu. Cùng ngôn ngữ dân tộc, cùng nền văn hóa, kể cả cùng có với nhau những đứa con mà vẫn không thể hiểu nhau. Trong khi khác dân tộc, màu da, tiếng nói lại có thể thấu hiểu nhau và sống vui vẻ đến trọn đời như chuyện mẹ của chị bạn tôi. Đây có phải là chữ nợ?

Nếu chữ nợ trong luân hồi của số phận tạo nên duyên để người ta gặp gỡ khiến tình cảm nảy nở mới thành vợ chồng thì chữ tình khiến người ta níu giữ, trân trọng và duy trì hôn nhân không để bi phôi phai, không bị những thứ phù phiếm của đời sống tiêu hóa mất.

Nhiều người luôn ca cẩm chồng/vợ mình giống như một gánh nặng. Vậy mà nói bỏ họ không thể bỏ. Với người ngoài cuộc, sự nhẫn nhục của họ thật khó lý giải.

Tôi có một người bạn đồng học ở gần nhà. Anh ta suốt ngày say xỉn, bạn bè cũng phát chán ngấy với cái khuôn mặt của một gã say, nói lúc nào cũng lèm bèm, nhìn đã lầy lội chả ai buồn để ý. Nhưng tôi đặc biệt chú ý đến cô vợ của anh ta. Nhìn điệu bộ, cách cư xử của chị ấy tôi bỗng ngỡ ngàng nhìn lại mình, nhìn lại những người đàn bà mà tôi đã gặp, đã nghe họ nói về câu chuyện hôn nhân và cái tình của họ đối với chồng .

Đó là trong một dịp chị ấy chở anh chồng say đến viếng đám ma mẹ một người bạn của chồng. Vì anh chồng lúc nào cũng say nên chẳng thể đi. Chị đành tự mình lái xe đưa chồng đến. Mấy cô bạn tôi và những người phụ nữ khác nhìn thấy cảnh đó ai cũng bảo: chả phải vạ.... Thế mà chị ấy “phải vạ” đấy.

Anh bạn tôi chân đi như không chạm xuống đất, đầu thì lắc lắc như con trỏ chợ. Thế mà chị vợ vẫn nói chuyện với anh rất ôn tồn và nhẹ nhàng.

Phải có chữ tình thì người ta mới chịu đựng được những ấm ức, mệt mỏi như thế. Chữ tình xuất phát từ tính cách nhân hậu, vị tha của con người.

Trong xã hội không thiếu người đàn bà phận hẩm duyên ôi, lấy chồng, có con có cái với nhau nhưng bao nhiêu năm làm vợ, họ chưa từng được chồng đối xử tử tế lấy một ngày. Vậy mà khi anh chồng lâm vào cảnh yếm thế, trong khi hoàn toàn có thể bỏ đi hoặc ly dị cắt đứt mọi quan hệ thì họ đã không làm thế, họ vẫn ở lại để làm trọn cái đạo lý ở đời.

Thế mới biết được làm vợ chồng với nhau phải có “nợ” nhưng để trọn nợ cùng nhau người ta cần lắm một chữ "tình"

Cũng có nhiều chị bỏ đi rồi nhưng thấy chồng đói khát, cùng cực, con cái nheo nhóc, lại quay về. Các chị lý giải rằng một ngày cũng là nghĩa…

Nhiều người cho rằng họ “ngu ngốc” mới phải cam chịu, họ nhu nhược nên không dám “vùng lên”. Nhưng nhìn ở một phía khác, tôi cho rằng bởi họ nặng một chữ tình, bao gồm cả tình mẫu tử vì đằng sau họ còn có những đứa con.

Thế mới biết được làm vợ chồng với nhau phải có “nợ” nhưng để trọn nợ cùng nhau người ta cần lắm một chữ "tình". Chữ nợ, chữ tình quả thật khó luận bàn.

Nguồn TGTT: https://thegioitiepthi.vn/chu-no-chu-tinh-155991.html