Chủ nhiệm UB Tư pháp: Làm luật kiểu 'nửa đường đổi ý' sẽ rất mệt mỏi

Chỉ ra nhiều tồn tại bất cập trong quá trình làm luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, nếu không kiên quyết khắc phục thì 10 năm nữa vẫn tiếp tục như thế.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga

Ngày 18/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật năm 2018. Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, chất lượng đa số các dự án luật, pháp lệnh cơ bản được bảo đảm, thông qua với tỷ lệ cao.

Tuy nhiên, chất lượng một số dự án luật còn hạn chế, tài liệu và hồ sơ chưa bảo đảm, dẫn đến việc phải rút ra khỏi chương trình. Mặt khác, vẫn còn dự án luật xin lùi, xin rút khỏi chương trình, việc gửi hồ sơ đến còn chậm, gây bị động và khó khăn cho các cơ quan của Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đánh giá, những hạn chế nêu trong báo cáo nghe rất quen. “10 năm nay, những hạn chế đó chúng ta nghe quen quen như chúng ta mới nói từ hôm qua. Nếu không kiên quyết 10 năm nữa vẫn tiếp tục như thế”, bà Nga nói.

Bà Lê Thị Nga dẫn dụ về tình trạng “nửa đường đổi ý”. Sau khi tổng kết thi hành chỉ đề nghị sửa đổi một số điều, đưa vào chương trình luật không thay đổi. Tới khi chuẩn bị trình ra Quốc hội lại đề nghị mở rộng phạm vi sửa đổi là sửa đổi toàn bộ.

“Có hai luật là Luật Đặc xá, Luật Thi hành án hình sự, chúng tôi không rõ ý kiến của Chính phủ thế nào trong quá trình chuẩn bị. Trong khi giữa việc sửa đổi một số điều và sửa đổi toàn diện, công tác chuẩn bị sẽ khác nhau. Đến nửa cuối đường bỗng dưng đổi ý. Chính phủ thông qua dễ nhưng sang Quốc hội, chúng tôi phải chạy theo rất mệt mỏi”, bà Nga cho hay.

Về tiến độ, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, chuyện lùi và rút ra khỏi chương trình là tương đối nhiều. Như dự án Luật PCTN quyết đưa vào kỳ họp thứ 3, đưa ra thẩm tra thảo luận quyết liệt vì chất lượng như thế không được. Sau đó quyết định lùi sang kỳ thứ 4, tới kỳ thứ 4 thì chất lượng không ổn, lại quyết từ 2 kỳ họp sang 3 kỳ. Và bây giờ đang tranh luận việc xử lý tài sản tăng thêm không giải trình được.

Về hồ sơ dự án luật, theo đại biểu, quy trình thủ tục sẽ là yếu tố quyết định chất lượng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng nếu không tuân thủ quy trình thủ tục. Có nhiều Báo cáo tổng kết thực tiễn quá sơ sài, tổng kết chay, tổng kết hình thức, có thể ngồi đánh giá thế này, đánh giá thế kia nhưng không có số liệu. Có một số bộ trưởng không quan tâm đến vấn đề này nên không ký, không đóng dấu.

Cá biệt, có một số bộ đóng cả dấu mật vào cả hồ sơ, hoặc đóng dấu mật cả báo cáo tổng kết. Sau này các ĐBQH và Ủy ban thẩm tra trích dẫn bằng cách nào? Bà đề nghị trong báo cáo tổng kết, nếu thấy mật thì mật ở chỗ nào, chứ không thể mật cả báo cáo.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, với tổng cộng 43 dự án luật phải làm từ nay đến năm 2020, ông Hiển cho rằng, điều này là “bất khả thi”, vượt quá khả năng về quỹ thời gian và con người, không thể thực hiện được. Bởi mỗi năm chỉ làm được từ 10- 12 luật, như vậy tổng số luật có thể làm được cũng chỉ khoảng 24 – 26 luật.

“Nên chăng cần có một trật tự ưu tiên. Ví dụ có một số luật tôi thấy không cần thiết nữa, như Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường”, ông Hiển nêu.

Ông Phùng Quốc Hiển thì đề nghị các cơ quan rà soát, đặc biệt người “gác cổng” đầu tiên là Bộ Tư pháp, các ủy ban khi thấy dự án nào chưa bảo đảm chất lượng thì cương quyết không đưa vào. Phải siết chặt kỷ luật xây dựng luật, pháp lệnh để làm rõ trách nhiệm khi được phân công.

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu thủ trưởng các cơ quan phải chịu trách nhiệm về công tác xây dựng luật, pháp lệnh, và coi đây là một trong những điều kiện đánh khả năng hoàn thành nhiệm vụ. Đồng thời chú trọng lấy ý kiến nhân dân, lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động của các dự án luật, pháp lệnh.

Luân Dũng

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/chu-nhiem-ub-tu-phap-lam-luat-kieu-nua-duong-doi-y-se-rat-met-moi-1302672.tpo