Chủ nhiệm UB Tư pháp: 'ĐBQH chất vấn Bộ trưởng bị lãnh đạo tỉnh phê bình'

Bà Lê Thị Nga kể, khóa trước, một ĐB địa phương chất vấn một Bộ trưởng và ngay lập tức, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh đó gọi điện phê bình 'cháy mặt'.

Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội thảo luận tại tổ sáng 29/10

Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội thảo luận tại tổ sáng 29/10

ĐBQH chất vấn Bộ trưởng bị lãnh đạo tỉnh phê bình

Thảo luận tại tổ, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng trải lòng về công việc của các ĐBQH.

“Tôi đã từng chứng kiến, khóa trước, một đại biểu địa phương chất vấn Bộ trưởng Công thương mà ngay lập tức, trưa đó Bí thư Tỉnh ủy tỉnh đó gọi điện nói đại biểu gay gắt, phê bình “cháy mặt”. Mà chuyện đó không phải hiếm. Đại biểu rơi vào trường hợp đó đương nhiên rất ấm ức", bà Nga chia sẻ và nhìn nhận, những chuyện “kém thế” như vậy đã làm giảm hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hộ.

Từ thực tế đó, bà Nga cho biết, Ủy ban Tư pháp từng rất khó để chọn được nhân sự tham gia thường trực Ủy ban. Thậm chí nhiều cán bộ ở các Bộ, ngành khác về làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban (tương đương Thứ trưởng) mà cũng không muốn. Đây cũng là thực tế xảy ra ở các cơ quan chuyên trách của Quốc hội.

"Công văn Ủy ban Tư pháp gửi đi các cơ quan “xin người” thì hoặc là nhân sự được nhắm tới không chịu đi, không thì cơ quan đó cũng giữ người tốt, không cho lấy mà chỉ người “có vấn đề” mới giới thiệu cho các cơ quan của Quốc hội", bà Nga thông tin.

"Quốc hội muốn chất vấn Bộ trưởng lúc nào cũng được"

Sáng 29/10, phát biểu tại tổ về cơ cấu đại biểu Quốc hội (ĐBQH) trong Luật Tổ chức Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà nhìn nhận, Bộ trưởng, chủ tịch UBND tỉnh không nhất thiết phải làm ĐBQH, nên chuyển tỷ lệ này sang để Quốc hội không tăng số lượng nhưng tăng số đại biểu chuyên trách.

Theo ông Trần Hồng Hà, đại biểu chuyên trách có kiến thức, kinh nghiệm trong vấn đề quản lý và xây dựng pháp luật, nên cần tăng số lượng đại biểu chuyên trách không chỉ 35% mà 50-60%, để đội ngũ Quốc hội có vai trò khác đi. Ông cho rằng hiện nay Quốc hội không thấy vấn đề bức xúc để cùng nhau xây dựng mà cứ để cơ quan hành pháp xây dựng, bảo vệ, và có nhiều ý kiến đòi trách nhiệm đến cùng. Vì vậy, cần có những bộ luật do các cơ quan chuyên trách của Quốc hội xây dựng.

“Tôi nghĩ thế thì cần hơn. Còn Bộ trưởng, kinh nghiệm ở các nghị viện thế giới người ta có thể chất vấn Bộ trưởng bất cứ lúc nào chứ không phải đợi tới kỳ họp”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà

Đại biểu không chuyên trách phát biểu cũng ngại “động chạm”

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, nguyên Phó bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh cũng đồng tình với việc tăng số lượng đại biểu chuyên trách trong Quốc hội.

Theo bà Quyết Tâm, trong thực tiễn hoạt động Quốc hội, đa phần ĐBQH chuyên trách hoạt động tương đối có hiệu quả, bởi họ có toàn thời gian hoạt động, nghiên cứu chuyên sâu, bồi dưỡng kỹ năng nên đem lại hiệu quả cao. Ngoài ra, thể chế của mình khiến cán bộ có nhiều ràng buộc, nên nếu không phải đại biểu chuyên trách thì mỗi khi phát biểu phải cân nhắc xem có "động chạm" đến cá nhân, tập thể nào không, nên sẽ cân nhắc nói hay không. Vì vậy sẽ ảnh hưởng đến chính kiến của đại biểu.

"Tôi cũng có nghe đại biểu nói, dù không nhiều, là lãnh đạo tỉnh khuyến cáo đại biểu không nói cái này, cái kia vì ảnh hưởng đến địa phương", bà Nguyễn Tâm nói.

Theo bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, công việc của mỗi địa phương ngày càng nhiều, do đó nếu đại biểu vừa làm công việc chuyên môn ngập đầu, lại vừa làm công việc ĐBQH, thì rất khó làm tốt trách nhiệm ở cả hai vị trí. Để QH hoạt động ngày càng có tính chuyên nghiệp, cần tăng đại biểu chuyên trách, để bố trí đại biểu chuyên trách cho các cơ quan của QH cũng như ở các đoàn ĐBQH.

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khóa XIV, sáng 29/10, Quốc hội nghe báo cáo thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.

Trình bày Tờ trình, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, dự Luật lần này bổ sung quy định tiêu chuẩn về quốc tịch đối với ĐBQH để bảo đảm chặt chẽ, phù hợp với thực tiễn. Theo đó, dự thảo Luật quy định ĐBQH có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam.

Dự thảo Luật cũng bổ sung thẩm quyền của Đoàn ĐBQH trong việc xác định địa bàn đại diện của đại biểu được chuyển sinh hoạt đến để thuận tiện cho công tác tổ chức hoạt động của Đoàn ĐBQH; Sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến việc ĐBQH tiếp xúc cử tri, tham dự kỳ họp HĐND để bảo đảm tính thống nhất với quy định về việc chuyển sinh hoạt đến Đoàn ĐBQH khác của ĐBQH.

Đối với quy định Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn ĐBQH, để phù hợp với thực tế, dự thảo Luật sửa đổi theo hướng: Đoàn có Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn do Đoàn ĐBQH bầu trong số các ĐBQH của Đoàn và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn.

Thẩm tra dự án luật, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 và nhiều nội dung cụ thể. Về tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách, đa số ý kiến thành viên Ủy ban Pháp luật tán thành việc giữ nguyên quy định tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách ít nhất là 35% tổng số ĐBQH.

An Na - Th. Bình

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/chu-tich-tinh-bo-truong-khong-nhat-thiet-lam-dai-bieu-quoc-hoi-d439942.html