Chủ nhân Facebook đưa 'liệt sĩ sống' trở về sau 39 năm mất tin là ai?

Như báo Lao Động đã thông tin, ngày 8.11 tại Hà Tĩnh có một 'liệt sĩ sống' trở về sau 25 năm nhận giấy báo tử. Gia đình liệt sĩ Phạm Văn Bình hết sức vui mừng vì biết tin ông còn sống qua Facebook. PV đã liên hệ với người có nick facebook 'Nhật Dũng' để tìm hiểu về quá trình giúp đỡ ông Bình trở về quê hương sau 39 năm mất tin.

Anh Nguyễn Nhật Dũng - chủ nhân Facebook "Nhật Dũng" (phía phải) - cùng "liệt sĩ sống" Phạm Văn Bình.

Tìm hiểu được biết, chủ nhân Facebook “Nhật Dũng” là ông Nguyễn Nhật Dũng - Giám đốc Nông trường caosu Sovann Vuthy trực thuộc Cty HAGT Rubber, Cty TNHH caosu Sovann Vuthy.

Nội dung được anh Nguyễn Nhật Dũng đăng tải trên facebook

Qua trao đổi, ông Dũng cho hay, tháng 6.2017 Cty ông có thuê công nhân bón phân, phun thuốc cỏ cho cây caosu, trong quá trình triển khai công việc ông đi kiểm tra thực tế, gặp gỡ một số công nhân để hỏi thăm tình hình công việc.

“Trong lúc trò chuyện thấy có người biết nói tiếng Việt Nam, tôi liền bắt chuyện thì được biết anh ấy tên Phạm Văn Bình, bộ đội Việt Nam bị thất lạc” - ông Dũng cho hay.

Vì hoàn cảnh gia đình quá nghèo nên ông Bình phải làm thuê đủ nghề để kiếm sống trên đất nước Campuchia, ông Bình đi làm thuê cùng với một số công nhân, do một Mê Ka người Campuchia đứng ra nhận thầu với nông trường (tiếng Campuchia - Mê Ka: tức là người chủ trì một nhóm công nhân - PV ).

Sau cuộc trò chuyện chớp nhoáng, anh Dũng đã đưa ông lên xe về công ty mời cơm để tìm hiểu thêm về quê quán của ông Bình ở Việt Nam.

Ngôi nhà ông Phạm Văn Bình sinh sống cùng vợ con ở Campuchia.

Trong câu chuyện của những người đồng hương trên đất nước bạn, ông Bình đã kể cho anh Dũng nghe về cuộc sống hiện tại của mình và gia đình ở Việt Nam trước khi nhập ngũ, rồi bị thất lạc.

Anh Dũng cho hay: “Sau khi biết được hoàn cảnh của anh ấy rất khó khăn trên đất nước bạn, là đồng hương, tôi đã bảo anh lên ở cùng, nhưng với bản chất người lính, anh ấy không chịu, mà nói là về ở với công nhân nên tôi cũng chiều theo ý anh. Sau đó, tôi nhờ một phiên dịch người Campuchia mang quần áo, tiền gạo cho anh, chứ tôi đưa anh ấy không nhận”.

Không chỉ có vậy, qua trao đổi, chúng tôi được biết, anh Dũng còn hỗ trợ tiền cho ông Bình sửa lại căn nhà dột nát của mình.

Ông Bình cùng vợ con ở Campuchia

Biết được nguyện vọng của ông Bình là muốn trở về Việt Nam với gia đình, người thân, nhưng ông không nhớ rõ địa chỉ do di chứng của những vết thương; kinh tế gia đình lại khó khăn, sinh sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số không có điện và thông tin liên lạc, anh Dũng đã nghĩ ra cách đăng lại tất cả những thông tin mà ông Bình còn nhớ lên mạng xã hội Facebook.

“Cách đây 3 tháng, tôi có việc riêng về quê ở Kỳ Anh (Hà Tĩnh), tôi đã xác minh là ở xã Kỳ Sơn có liệt sĩ Phạm Văn Bình giống với thông tin tôi có. Và thật tình cờ là người nhà ông Bình cũng nhận ra ông qua thông tin trên Facebook và liên lạc với tôi”.

Anh em, họ hàng, làng xóm đến chia vui khi ông Bình trở về sau 39 năm mất tin

Anh Dũng còn cho biết thêm, quá trình trở về quê hương, cũng như thời gian anh gặp ông Bình trên đất nước Campuchia có sự giúp sức không nhỏ của cán bộ, công nhân Nông trường Sovann Vuthy trực thuộc Cty HAGT Rubber, Cty TNHH caosu Sovann Vuthy.

ANH ĐỨC

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/xa-hoi/chu-nhan-facebook-dua-liet-si-song-tro-ve-sau-39-nam-mat-tin-la-ai-640563.ldo