Chủ nhà hàng, quán nhậu nói gì về đề xuất cấm bán rượu bia từ 22 giờ?

Nhiều chủ nhà hàng, quán ăn tại TP.HCM nêu quan điểm khác nhau về việc Quốc hội thảo luận quy định 'Cấm bán rượu bia tiêu dùng tại chỗ từ 22 giờ đến 8 giờ sáng hôm sau'.

Vừa qua, một số hộ kinh doanh nhà hàng, quán ăn tại phố đi bộ Bùi Viện (quận 1, TP.HCM) gửi kiến nghị cho các cơ quan chức năng về dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia được Quốc hội thảo luận vào ngày 23/5. Trong đó, các hộ kinh doanh đề cập nội dung đang được xem xét đưa vào luật: “Cấm bán rượu bia tiêu dùng tại chỗ từ 22 giờ đến 8 giờ sáng hôm sau”.

 Quốc hội thảo luận về việc cấm bán rượu bia từ 22 giờ. Ảnh: Internet

Quốc hội thảo luận về việc cấm bán rượu bia từ 22 giờ. Ảnh: Internet

Chia sẻ với Thế Giới Tiếp Thị Online, nhiều chủ nhà hàng, quán ăn không đồng tình với quy định trên. Anh B.T.Đ, chủ nhà hàng chuyên về các món bò tại quận 2, cho biết: “Tôi không đồng ý với đề xuất trên. Nếu quy định này đi vào thực tế thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến doanh thu của quán. Vì đặc thù của quán nhậu, khách chủ yếu là ngồi về đêm. Nếu sau 22 giờ đã cấm bán rượu bia, lượng khách sẽ giảm rất nhiều, quán tôi có thể phá sản. Tôi nghĩ nên điều chỉnh quy định trên là có thể cấm từ sau 0 giờ thì được chứ 22 giờ thì vẫn còn rất nhiều khách”.

Đồng quan điểm, anh H.Đ, chủ quán lẩu dê trên đường Trần Não, quận 2 nói: “Việc sử dụng quá nhiều bia rượu là không nên, nguy hiểm cho việc tham gia giao thông cũng như sức khỏe. Tuy nhiên, tôi cho rằng việc sử dụng bia rượu nhiều hay ít phụ thuộc vào nhận thức của mỗi người. Việc cấm bia rượu hiện trên thế giới, tôi chưa nghe nước nào làm vậy. Có chăng, cơ quan chức năng thay vì cấm bán rượu bia thì nên chế tài nặng với ai say xỉn vi phạm luật”.

Một chủ nhà hàng lớn tại quận 3 nêu quan điểm: “Tôi không đồng tình với tư duy quản lý không được thì cấm. Đa số nhà hàng, quán ăn, khách ngồi đông vào khung giờ cao điểm từ 19 giờ đến 23 giờ. Nếu sợ nguy hiểm, ảnh hưởng trật tự, an ninh từ người say thì có thể áp dụng cấm từ sau 0 giờ sáng. Bên cạnh đó, tôi nhận thấy thay vì cấm khung giờ bán rượu bia thì nên nghĩ ra biện pháp hạn chế độ tuổi bán rượu bia cho người mua và sử dụng”.

“Thực tế, khách đến quán tôi thường ngồi đến 3, 4 giờ. Nhiều khách nước ngoài đến Việt Nam bị lệch múi giờ nên ăn uống cũng muộn hơn. Hơn nữa, việc mua bán rượu bia nơi khác rồi mang đến quán, hoặc gọi bia rượu trước 22 giờ cũng khó có thể kiểm chứng được”, một chủ quán trên đường Phạm Văn Đồng (quận Gò Vấp) cho biết.

Một số các hộ kinh doanh cho rằng việc cấm bán rượu bia sau 22 giờ sẽ sinh ra kinh doanh trái phép, ngoài kiểm soát, gây hệ lụy về sức khỏe cho người sử dụng, thất thu thuế cho nhà nước. Bên cạnh đó, quy định này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến du lịch Việt Nam bởi phần lớn khách nước ngoài đều tập trung ăn uống về khuya. Đây không chỉ là việc kiếm lợi nhuận từ việc ăn uống mà còn là cơ hội để tận dụng quảng bá ẩm thực Việt đến với du khách.

Khách ngồi quán nhậu thường vào khung giờ cao điểm từ 19 - 23 giờ. Ảnh: Internet

Trong khi đó, có một số chủ quán khác khi được phóng viên đề cập, đã nêu quan điểm đồng tình với đề xuất mới về việc hạn chế bán rượu bia sau 22 giờ.

Anh N.T.T, chủ một quán hải sản cho rằng: “Tôi thấy việc đề xuất cấm bán rượu bia sau 22 giờ cũng bình thường, không ảnh hưởng đến doanh thu của quán tôi. Vì quán tôi chuyên kinh doanh các món ăn độc - lạ, khách đến quán chủ yếu thưởng thức món ăn chứ không để uống rượu bia. Bởi thế, nếu có ban hành quy định cấm thì cũng bình thường”.

Một chủ nhà hàng trên đường Bạch Đằng (quận Tân Bình) cũng đồng ý với đề xuất cấm bán rượu bia sau 22 giờ. Người này cho hay: “Tôi thấy quy định trên là hợp lý. Trước đây, khách đến quán tôi ngồi nhậu đến khuya đã xảy ra tình trạng gây gổ, đánh nhau. Sau đó, tôi thật sự không muốn bán rượu bia cho khách khi đã quá trễ. Tuy nhiên, tôi không thể nói từ chối vì sẽ làm mất lòng khách. Nếu có quy định mới, chúng tôi có thể vin vào đó mà từ chối cung cấp rượu bia”.

Nguồn TGTT: https://thegioitiepthi.vn/chu-nha-hang-quan-nhau-noi-gi-ve-de-xuat-cam-ban-ruou-bia-tu-22-gio-164220.html