Chủ nghĩa V.I.Lênin - 'cẩm nang thần kỳ' của cách mạng Việt Nam

LTS: Nếu tính từ năm 1920 khi Nguyễn Ái Quốc tìm thấy chủ nghĩa V.I.Lênin, truyền bá vào Việt Nam, đến nay đã tròn 100 năm. Trong khoảng thời gian ấy, lịch sử Việt Nam đã từng chứng kiến hai lần đất nước lâm vào khủng hoảng.

Lần thứ nhất là khủng hoảng về đường lối cứu nước cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, lần thứ hai là khủng hoảng về kinh tế-xã hội từ cuối những năm 70 của thế kỷ XX và kéo dài trong nhiều năm sau. Và cũng có một sự thật không thể không nhắc đến, đó là cả hai lần đất nước thoát khỏi khủng hoảng đều có dấu ấn cực kỳ quan trọng của chủ nghĩa V.I.Lênin.

Bài 1: Mở ra đường lối cứu nước duy nhất đúng cho dân tộc Việt Nam

Ngày 1-9-1858 thực dân Pháp nổ súng đánh chiếm Đà Nẵng mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Với truyền thống yêu nước nồng nàn, tinh thần đấu tranh chống giặc ngoại xâm kiên cường bất khuất, nhân dân Việt Nam đã anh dũng đứng lên chống giặc giữ nước theo phương châm “kẻ trước ngã, người sau đứng dậy” nhưng rốt cuộc đều thất bại.

Một câu hỏi lớn đặt ra với những người yêu nước Việt Nam đầu thế kỷ XX là, làm sao để đánh đuổi thực dân Pháp, giành lại độc lập cho dân tộc? Có người cho rằng phải tiến hành võ trang bạo động, vì “không lấy máu rửa máu thì không thể cải tạo được xã hội hiện tại”. Có người lại lập luận, nếu dùng võ trang bạo động thì sẽ thất bại, bởi thực dân Pháp có vũ khí tối tân hiện đại, nên trước mắt cần phải dựa vào Pháp để “canh tân” đất nước, sau đó mới giành lại độc lập. Người đại diện cho xu hướng bạo động là cụ Phan Bội Châu. Người đại diện cho xu hướng cải lương là cụ Phan Châu Trinh.

Do hạn chế về lập trường giai cấp, nên cụ Phan Bội Châu, cụ Phan Châu Trinh cũng như các sĩ phu cấp tiến lãnh đạo phong trào yêu nước cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX không thể tìm được một phương hướng giải quyết chính xác cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, chính vì thế cuộc đấu tranh chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn đã bị kẻ thù nhanh chóng dập tắt.

 V.I.Lênin đọc diễn văn tại Quảng trường Đỏ ở Mátxcơva trước các đơn vị tham gia khóa huấn luyện quân sự toàn dân, ngày 25-5-1919. Ảnh Tư liệu.

V.I.Lênin đọc diễn văn tại Quảng trường Đỏ ở Mátxcơva trước các đơn vị tham gia khóa huấn luyện quân sự toàn dân, ngày 25-5-1919. Ảnh Tư liệu.

Trong lúc xã hội Việt Nam khủng hoảng về đường lối cứu nước thì Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh xuất hiện. Trước cảnh nước mất nhà tan, cũng như bao người Việt Nam yêu nước thời đó, Nguyễn Ái Quốc đã ra đi tìm đường cứu nước; quyết định sang Pháp, hướng về các nước phương Tây để trước hết là tìm hiểu cho rõ những gì đang ẩn giấu đằng sau khẩu hiệu: “Tự do, Bình đẳng, Bác ái”, xem vì sao các nước phương Tây lại trở nên phú cường, rồi sau đó sẽ trở về giúp đồng bào.

Ngày 5-6-1911, từ bến cảng Nhà Rồng, người thanh niên yêu nước Việt Nam Nguyễn Tất Thành với hai bàn tay trắng đã lên tàu Latusơ Tơrêvin rời Tổ quốc thân yêu, vượt trùng dương đi tìm chân lý cách mạng. Cuộc hành trình trong 6 năm từ Á sang Âu, Phi, Mỹ rồi lại trở về châu Âu năm 1917 giúp Nguyễn Ái Quốc nhận thức và khám phá nhiều điều mới mẻ. Khảo sát các cuộc cách mạng ở Pháp, Anh, Mỹ, Người cho rằng, đó là những cuộc cách mạng vĩ đại, nhưng chưa đến nơi. Nó đã phá tan gông xiềng phong kiến cùng những luật lệ hà khắc và những ràng buộc vô lý để giải phóng sức lao động của con người. Cách mạng tư sản đã xây dựng lên một chế độ mới tiến bộ hơn xã hội phong kiến. Nhưng cách mạng xong rồi dân chúng vẫn cực khổ, vẫn bị áp bức, bóc lột và vẫn mưu toan làm cách mạng. Người đi đến kết luận, chúng ta đã đổ xương máu để làm cách mạng, thì nên làm đến nơi, nghĩa là làm sao cho cách mạng rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người. Thế mới khỏi hy sinh nhiều lần, thế dân chúng mới được hạnh phúc.

Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 thắng lợi là sự kiện chính trị nổi bật của thế kỷ XX, mở ra thời đại mới trong lịch sử nhân loại, thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên CNXH trên phạm vi toàn thế giới, thời đại thắng lợi của cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng vô sản. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười đặt ra sự lựa chọn mới đối với những người cách mạng Việt Nam: Độc lập dân tộc cho một số ít hay cho đại đa số? Độc lập dân tộc đi lên chủ nghĩa tư bản hay độc lập dân tộc đi lên CNXH?

Tháng 3-1919, Quốc tế Cộng sản (Quốc tế thứ ba) ra đời, có ảnh hưởng lớn đến phong trào cách mạng thế giới. Năm 1920, cuộc đấu tranh giữa hai con đường diễn ra quyết liệt trong nhiều đảng công nhân và ngay trong Đảng Xã hội Pháp: Tiếp tục theo Quốc tế thứ hai tức là tiếp tục con đường cải lương hay đi theo Quốc tế thứ ba, con đường cách mạng.

Những cuộc thảo luận sôi nổi trong Đảng Xã hội Pháp về lý luận cách mạng vẫn chưa thể giúp Nguyễn Ái Quốc lựa chọn được học thuyết mà mình cần tiếp nhận. Cho đến cuối tháng tháng 7 năm 1920, lần đầu tiên, Nguyễn Ái Quốc đọc bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I.Lênin để trình bày tại Đại hội II Quốc tế Cộng sản, Người mới tìm thấy ở đó “cái cẩm nang” giải phóng dân tộc Việt Nam.

Ở văn kiện này, V.I.Lênin đã bóc trần thái độ lừa dối của chế độ dân chủ tư sản đối với những người bị bóc lột khi tuyên bố quyền bình đẳng nói chung, trong đó bao gồm cả quyền bình đẳng dân tộc. Do vậy, một trong những nhiệm vụ của đảng cộng sản là phải phân biệt rõ những dân tộc bị áp bức, phụ thuộc không được hưởng quyển bình đẳng, với những dân tộc đi áp bức, bóc lột được hưởng đầy đủ mọi quyền lợi. Để đập lại sự lừa dối kiểu dân chủ tư sản đang che giấu việc tuyệt đại đa số nhân dân trên trái đất bị một thiểu số nhỏ bé những nước tư sản tiên tiến nô dịch về mặt thuộc địa và tài chính. Trên thực tế, phong trào đấu tranh của giai cấp vô sản các nước tiên tiến và quần chúng lao động các nước thuộc địa và phụ thuộc sau chiến tranh thế giới thứ nhất đang làm tan rã ảo tưởng dân tộc tiểu tư sản về khả năng chung sống hòa bình và bình đẳng giữa các dân tộc dưới chế độ tư bản chủ nghĩa.

Xuất phát từ những luận điểm trên, V.I.Lênin cho rằng: “Điều quan trọng nhất trong chính sách của Quốc tế Cộng sản về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa là phải làm cho vô sản và quần chúng lao động của tất cả các dân tộc và tất cả các nước gần gũi nhau để tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng chung nhằm lật đổ bọn địa chủ và giai cấp tư sản. Bởi vì chỉ có sự gần gũi ấy mới bảo đảm việc chiến thắng chủ nghĩa tư bản, nếu không có chiến thắng đó thì không thể thủ tiêu được ách áp bức dân tộc và tình trạng bất bình đẳng”. Đồng thời, V.I.Lênin cũng nêu lên những nhiệm vụ quan trọng của các đảng cộng sản là phải trực tiếp ủng hộ phong trào cách mạng của các dân tộc thuộc địa: Giai cấp công nhân ở nước tư bản đang thống trị dân tộc chậm tiến trước tiên có nhiệm vụ ủng hộ tích cực nhất phong trào giải phóng các dân tộc ấy; phải đặc biệt ủng hộ phong trào nông dân ở các nước chậm tiến chống bọn địa chủ, chống chế độ chiếm hữu nhiều ruộng đất, chống chế độ phong kiến, phải liên minh chặt chẽ nhất giữa tất cả các phong trào giải phóng dân tộc với nước Nga - xô viết.

Những luận điểm cách mạng của V.I.Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa đã giải đáp trúng những vấn đề mà qua 9 năm tìm kiếm (1911-1920) Nguyễn Ái Quốc mới bắt gặp. Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I.Lênin cũng giúp cho Nguyễn Ái Quốc nhận biết một tổ chức chính trị cần tham gia là Quốc tế III do V.I.Lênin sáng lập và lãnh đạo thực sự giúp đỡ các dân tộc bị áp bức đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc giành độc lập tự do. Từ đó, Người nhận thức được là trong thời đại ngày nay, muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản, con đường do V.I.Lênin và Quốc tế Cộng sản vạch ra. Sau này nhớ lại thời điểm được đọc bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I.Lênin, Người đã viết: “Luận cương của V.I.Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đầy đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”.

Sau khi tìm thấy “cẩm nang” cho cách mạng Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc đã tích cực truyền bá lý luận của V.I.Lênin, của chủ nghĩa Mác - Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, tích cực chuẩn bị về tư tưởng, chính trị và tổ chức cho sự ra đời của một chính đảng vô sản ở Việt Nam. Sản phẩm của quá trình chuẩn bị đó chính là sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam đầu năm 1930 với Cương lĩnh chính trị đúng đắn, thể hiện sự kết hợp chặt chẽ độc lập dân tộc với CNXH, chấm dứt thời kỳ khủng hoảng, bế tắc về đường lối cứu nước, mở ra thời đại mới cho cách mạng Việt Nam.

(còn nữa)

Đại tá, PGS, TS NGUYỄN VĂN SỰ (Chủ nhiệm Khoa Lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam, Học viện Chính trị)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/chu-nghia-v-i-lenin-cam-nang-than-ky-cua-cach-mang-viet-nam-615954