Chủ nghĩa đa phương đối mặt thách thức

Lịch sử thế giới đã ghi nhận trong nhiều thời điểm chủ nghĩa đa phương cùng với các cơ chế đa phương mà trung tâm là Liên Hợp Quốc (LHQ) đã nhiều lần đứng trước những thách thức không nhỏ. Ở mỗi giai đoạn, tùy hoàn cảnh và biến động mà chủ nghĩa đa phương chịu sự suy yếu, mất vai trò, rơi vào khủng hoảng… và giờ đây dường như là thời điểm để thử thách sức mạnh của chủ nghĩa đa phương trên thế giới.

Rạn nứt từ bên trong

Chủ nghĩa đa phương thể hiện hình thức hợp tác rộng và sâu giữa các quốc gia dựa trên các giá trị gắn kết cốt lõi đó là sự công bằng, hợp tác tập thể và sự tác động qua lại mang tính tương hỗ. Trong hàng thập niên qua, chủ nghĩa đa phương được củng cố cùng với việc hình thành các cơ chế đa phương từ quy mô khu vực tới quốc tế đã mang lại lợi ích to lớn, hướng đến một thế giới ổn định, hòa bình và thịnh vượng với các mục tiêu vì con người và vì sự phát triển chung.

Tuy nhiên, những gì mà chủ nghĩa đa phương đang phải đối diện lúc này lại được xác định ở mức độ nghiêm trọng mới bởi nó diễn ra khi thế giới đang trong bối cảnh biến động khó kiểm soát từ sự rạn nứt trong quan hệ giữa các cường quốc, sự nổi lên của chủ nghĩa biệt lập cho đến sự xuống dốc của biến đổi khí hậu. Những thách thức này chủ yếu đến từ một hoặc một số thành tố trong cộng đồng quốc tế có quan điểm, hành động khác biệt với phần còn lại, thậm chí là có tính đối kháng, đi ngược với xu hướng hợp tác quốc tế, đa phương toàn cầu.

Đối với nước Mỹ, chỉ trong vòng chưa đầy 2 năm cầm quyền, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có những quyết định khiến cộng đồng quốc tế đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Trong đó, ông đã đưa nước Mỹ ra khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), rút Mỹ khỏi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO), đưa Mỹ ra khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, rồi Hiệp định Di trú toàn cầu và cả Thỏa thuận P5+1 vốn dĩ rất khó khăn mà các bên liên quan mới đạt được vào năm 2015. Điều này làm cho những tổ chức theo xu hướng hợp tác đa phương ngày càng trở nên suy yếu.

Lãnh đạo nhiều nước kêu gọi bảo vệ chủ nghĩa đa phương tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc lần thứ 73.

Tại kỳ họp cấp cao thường niên Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc lần thứ 73 diễn ra ở New York (Mỹ) vào cuối tháng 9 vừa qua, một trong nhiều vấn đề được các nhà lãnh đạo thế giới quan tâm là khủng hoảng lòng tin do tác động của chủ nghĩa đơn phương. Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres nhấn mạnh, khủng hoảng lòng tin nghiêm trọng đang lan rộng trên toàn cầu.

Ông Antonio Guterres nêu rõ, trong phạm vi các quốc gia, người dân đang ngày càng mất niềm tin vào các thể chế chính trị, trong khi tình trạng phân cực đang gia tăng và chủ nghĩa dân túy trở nên phổ biến. Trong quan hệ giữa các quốc gia, hợp tác trở nên ít chắc chắn và khó khăn hơn. Lòng tin vào hệ thống quản trị toàn cầu trở nên mong manh trong bối cảnh những thách thức của thế kỷ 21 vượt xa khả năng xử lý của những thể chế và quan niệm của thế kỷ 20.

Bên cạnh đó, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cũng cho rằng, thế giới đang phải đối mặt với hàng loạt nghịch lý. Thế giới được kết nối nhiều hơn nhưng các xã hội lại ngày càng trở nên manh mún hơn. Chủ nghĩa đa phương bị chỉ trích gay gắt đúng lúc các quốc gia cần điều này nhất... Điều này được cho là bất lợi cho các tổ chức đa phương trên thế giới mà trong đó Liên Hiệp Quốc là đại diện tiêu biểu nhất trong việc thực hiện mục tiêu đảm bảo sự ổn định, hòa bình và phát triển toàn cầu.

Khóa họp Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc 73 vừa diễn ra một lần nữa lại bộc lộ rõ sự đối kháng của xu hướng đa phương và đơn phương. Tổng thống Mỹ Donald Trump có bài phát biểu nhấn mạnh lợi ích của nước Mỹ và phản đối toàn cầu hóa. Trong khi đó, đa số các nhà lãnh đạo thế giới lại ủng hộ theo đuổi cách tiếp cận đa phương để giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Các liên minh, tổ chức quốc tế và lãnh đạo nhiều nước đã bày tỏ quan điểm phản đối, kêu gọi thúc đẩy chủ nghĩa đa phương để giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu, nhằm mang lại hòa bình và phát triển bền vững cho các nước, các khu vực hiện đối mặt với các cuộc xung đột vũ trang cũng như đói nghèo, bệnh tật và di cư...

Kêu gọi sự đoàn kết

Theo Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres, tương lai của chúng ta phụ thuộc tình đoàn kết. Chúng ta phải xây dựng lại niềm tin đã đổ vỡ và chúng ta phải thúc đẩy các dự án đa phương. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean Claude Juncker thì cho rằng, cách tiếp cận đa phương cần được duy trì, đó là cách duy nhất chung ta định hình tương lai của thế giới.

Tổng thư ký Antonio Guterres phát biểu tại kỳ họp cấp cao thường niên Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc lần thứ 73 .

Và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định các sáng kiến đơn phương sẽ không giải quyết được các vấn đề tranh chấp, xung đột hiện nay trên thế giới và cho rằng nếu không có hợp tác đa phương, các cuộc chiến tranh trên toàn cầu sẽ lại xảy ra và “chủ nghĩa dân tộc chỉ dẫn đến thất bại”.

Trong nhiều năm qua, tại các diễn đàn và cơ chế hợp tác đa phương, lời kêu gọi bảo vệ chủ nghĩa đa phương và củng cố gắn kết toàn cầu đã được đưa ra nhằm tập hợp sự ủng hộ, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương phát triển cũng như góp phần giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu. Vừa qua, tại một loạt hội nghị đa phương quốc tế và khu vực, bảo vệ chủ nghĩa đa phương và tự do hóa thương mại vẫn là cụm từ được các nhà lãnh đạo tham gia các hội nghị nhắc đến nhiều nhất.

Trong đó, các hội nghị đa phương gần đây như cuộc gặp các nhà lãnh đạo ASEAN, hội nghị thường niên Quỹ Tền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Hội nghị G20, ở đâu cũng nhấn mạnh đến việc cần bảo vệ xu thế đa phương và tự do hóa thương mại.

Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương ông Changyong Rhee cho biết, bất kỳ hạn chế nào về thương mại toàn cầu lúc này sẽ là tồi tệ, hy vọng các nước sẽ tìm ra giải pháp hợp lý thông qua chủ nghĩa đa phương và tránh chủ nghĩa bảo hộ.

Thời gian qua, chủ nghĩa đa phương đóng vai trò quan trọng, thúc đẩy sự gắn kết và phát triển toàn cầu. Xu hướng hiện nay là hình thành các cơ chế đa phương ở cấp độ khu vực, dù ở phạm vi nào cũng nhấn mạnh vai trò của hợp tác đa phương trong việc giải quyết các thách thức chung. Chủ nghĩa đa phương đã gắn kết, bảo vệ toàn cầu trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh ebola ở châu Phi, đóng góp vào việc giải quyết hơn 40% các cuộc xung đột vừa và nhỏ trên toàn thế giới.

Theo thống kê, Liên Hiệp Quốc đã hỗ trợ các cuộc thương lượng đưa đến giải pháp hòa bình cho hơn 170 cuộc xung đột ở các khu vực.

Đáng chú ý, việc giải Nobel Hòa bình năm 2018 được trao cho những người tìm công lý cho nạn nhân tình dục cho thấy những giá trị của toàn cầu vẫn tiếp tục được các cơ chế đa phương tôn vinh và bảo vệ mà đứng đầu dẫn dắt là Liên Hiệp Quốc Như trong vấn đề đảm bảo an ninh toàn cầu, không thể không nhắc đến vai trò của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc trong việc duy trì hòa bình được các quốc gia ủy quyền đưa ra các biện pháp giải quyết tranh chấp phá hoại, chống lại hòa bình.

Liên Hiệp Quốc cũng đi đầu trong các vấn đề về nhân quyền, y tế, giáo dục với một hệ thống các tổ chức rải khắp trên toàn cầu.

Cơn khủng hoảng của lòng tin

Theo các phân tích, Liên Hiệp Quốc là đại diện tiêu biểu nhất của chủ nghĩa đa phương, song tổ chức này hiện đang bị đe dọa, thách thức vai trò của mình trong cuộc chiến bảo vệ toàn cầu hóa và gắn kết hội nhập quốc tế. Mỹ cũng đã không ít lần gạt Liên Hiệp Quốc sang một bên, phớt lờ tổ chức này trong các quyết định có tính toàn cầu của mình mà điển hình nhất là việc Mỹ quyết định đem quân tấn công Iraq vào năm 2003 bất chấp sự lên án của Liên Hiệp Quốc và cộng đồng quốc tế.

Điều dễ nhận thấy đó là sự trỗi dậy của chủ nghĩa biệt lập và sự tham gia kém nhiệt tình hơn của các nước lớn trong các vấn đê chung. Đây được xem là những thách thức cụ thể và trực diện nhất đối với Liên Hiệp Quốc hiện nay. Vấn đề cần thiết nhất lúc này đối với quốc tế là chống biến đổi khí hậu, xóa đói giảm nghèo và nhất là vấn đề hòa bình, an ninh trên thế giới khi mà rất nhiều điểm nóng đã nhiều năm nay không có sự tham gia của Liên Hiệp Quốc để đi đến một giải pháp hòa bình cuối cùng như tại Trung Đông, Syria...

Hồ sơ của những vấn đề này vẫn còn dang dở và vấn đề nằm ở chỗ quan hệ giữa các nước lớn, tranh giành ảnh hưởng giữa các nước lớn đang khiến vai trò của Liên Hiệp Quốc bị phai mờ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu phản đối toàn cầu hóa tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc lần thứ 73.

Sự tham gia kém nhiệt của các nước lớn vào các vấn đề toàn cầu đang là thách thức rất lớn đối với quốc tế. Bởi một khi các nước lớn đặt lợi ích dân tộc lên trên lợi ích hòa bình, phát triển của toàn cầu thì vai trò của Liên Hiệp Quốc sẽ khó lòng được cải thiện. Sức ép cải tổ đặt ra ngày càng lớn đối với Liên Hiệp Quốc phải làm sao xây dựng được một khuôn khổ để hợp tác đa phương mang lại lợi ích cho tất cả các bên. Đây là câu hỏi mà Liên Hiệp Quốc cần sớm có lời giải để trở thành một thể chế đa phương hiệu quả, dẫn dắt xu hướng hợp tác toàn cầu.

Nhiều phân tích cho rằng, Liên Hiệp Quốc cần xem xét những điều chỉnh, cải tổ để thể hiện vai trò lớn hơn nữa trong bối cảnh hiện nay. Việc cải tổ Liên Hiệp Quốc đã được đặt ra trước đây, dưới thời Tổng Thư ký Kofi Annan khi ông thành lập Nhóm hành động về cải tổ Liên Hiệp Quốc năm 2003. Tuy nhiên, đến nay việc này cũng không phải là điều dễ dàng.

Liên Hiệp Quốc là ngôi nhà quá lớn. Để đạt được sự đồng thuận giữa các thành viên là câu chuyện rất khó khăn. Ngay trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc với 15 nước thành viên, trong đó có 5 nước thường trực và 10 nước không thường trực vẫn còn khó tìm kiếm sự đồng thuận trong nhiều vấn đề quốc tế.

Giải pháp được xem là khả dĩ nhất luc này là việc các quốc gia trên thế giới nỗ lực tự cường, tạo dựng niềm tin, củng cố sức mạnh, vai trò của cơ chế hợp tác đa phương trên bình diện quốc tế. Theo Tổng Thư ký Guterres, lãnh đạo các quốc gia đều có nghĩa vụ cải thiện phúc lợi cho người dân nhưng cũng có nghĩa vụ thúc đẩy, ủng hộ một cơ chế đa phương được củng cố, cải cách và đổi mới.

Ông Guterres cũng nhấn mạnh đến sự cần thiết phải thể hiện giá trị gia tăng của hợp tác quốc tế bằng cách đem lại hòa bình, bảo vệ quyền con người, thúc đẩy tiến bộ kinh tế và xã hội cho người dân toàn thế giới.

Kông Anh

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/hau-truong/chu-nghia-da-phuong-doi-mat-thach-thuc-516227/