Chú Năm To, ngôi trường nhỏ và bài học lớn

Tôi đến căn nhà 'ồn ã như cái chợ' của ông Năm To vào những ngày mưa già dai dẳng. Con đường không lầy lội, nhưng ổ gà này nối tiếp ổ gà kia. Xe chạy cồng cồng như ngựa sải trên mặt đá. Thật khó khăn để đi vượt qua 3km từ UBND xã Thạnh Mỹ Tây (huyện Châu Phú, An Giang) về Kinh Bảy.

Ngôi nhà của ông Ngũ Văn To nằm giữa hai mặt tiền đường gần đầu Kinh Bảy. Trong nhà là hai hàng võng và những cái chõng tre. Trong đó đám học trò đùa giỡn nhau ó ré như cái chợ. Mưa gió chúng lùa nhau ra tắm mưa dậy cả khúc đường, át cả tiếng mưa. “Cái chợ tắm” chuyển qua “cái chợ ăn”. Chúng vừa ăn vừa cố tình giành giật nhau. Không ai rầy la cả. Những cô cậu học trò đang tuổi mười lăm, mười sáu thì sự nghịch ngợm phải nói là không có đối thủ.

Ngôi nhà chung rộn rã của chú Năm là ngôi trường nhỏ dạy bài học lớn về sự cho, nhận.

Ngôi nhà chung rộn rã của chú Năm là ngôi trường nhỏ dạy bài học lớn về sự cho, nhận.

Hình như ông Năm To bỏ ra hơn ba trăm triệu đồng mua miếng đất mặt tiền này rồi xây “nhà nghỉ”, chẳng những không thu lại đồng lời nhỏ mọn nào mà còn mua về những ồn ào bận rộn. Tôi ngập ngừng bước vào nhà, ngoắc vài em tới hỏi:

- Các em ở đây lâu chưa?

- Dạ đã hai năm.

- Có bạn nào gặp khó khăn trong tiếp thu bài học không?

- Không, ai cũng tự học tốt nên phần lớn đều học khá giỏi.

- Con đường từ trường về nhà gần hai mươi cây số, mấy em có ngán không?

- Dạ không, đi học vui.

- Các em có lo lắng về tương lai không?

- Dạ không. Trước mắt tụi em cứ học. Ham học thì thế nào cũng có tương lai thôi cô.

Nhìn đám trẻ, tôi nhớ thời chúng tôi còn nhỏ, gì cũng không sợ chỉ sợ bị cho nghỉ học.

Tôi lại nhớ tới những đứa trẻ vùng thuận lợi, đều là con cưng nên đầy rẫy những bệnh thời đại như cô đơn buồn chán, như cảm thấy chẳng còn gì ham thích nữa và tương lai không biết nên làm gì. Những đứa trẻ thôn quê đang trú ngụ tại nhà chú Năm To cũng đang là con một con hai. Nhà nghèo, nhà giàu đều có. Mỗi đứa trẻ một hoàn cảnh. Từng cá tính gặp nhau cùng chung đụng trong một mái nhà. Từng cảnh đời riêng biệt chợt có chung một ông bà Năm như một người ông, người bà thân thuộc.

Chú Năm To từng là giáo viên trường Kỹ thuật cơ khí An Giang. Cách đây chục năm chú rời trường về quê Thạnh Mỹ Tây hẻo lánh làm thợ sửa máy. Ngày ngày đi qua lại trên đoạn đường dày đặc ổ gà ổ voi, chú thương những cháu đi học đường xa. Càng thương hơn khi những buổi trưa nhìn các cháu lây lất đâu đó bên lề đường để chờ buổi chiều học trái buổi. Chú mua miếng đất cạnh nhà, xây thêm ngôi nhà lớn rồi mua mấy chục cái khung võng về sắp dọc hai bên...

Đầu tiên là lo cái ngủ trưa để các cháu yên ổn nghỉ ngơi đón buổi học chiều. Rồi về sau thấy các cháu ăn uống tạm bợ mấy quán lề đường quanh xóm thấy thương, chú Năm bàn với chùa mua gạo mua rau về xào nấu những món chay cho đám trẻ. Từ đó bà Năm kiêm luôn phần nấu nướng mỗi buổi trưa. Bà đi chợ mua thực phẩm về nấu mấy chục phần để sẵn trong nồi. Các cháu đói chỉ việc tới lấy phần của mình. Ăn xong cứ để chén đó chiều bà Năm rửa. Những cháu nào có tiền, muốn ăn mặn thì hùn thêm mười ngàn bà nấu thêm món mặn.

Ngôi nhà chung rộn rã của chú Năm là ngôi trường nhỏ dạy bài học lớn về sự cho, nhận vốn đang thiếu giữa cuộc sống tưởng như rất đỗi khốc liệt này.

Vậy là không phải chỉ cùng nhau nghỉ trưa mà còn cùng nhau ăn những bữa cơm trưa như một đại gia đình. Về sau thấy học trò có những trường hợp cần ngủ lại, chú Năm đóng thêm năm sáu cái giường tre để các cháu có chỗ tá túc qua đêm. Học trò trường trung học phổ thông Thạnh Mỹ Tây cứ thế gắn bó dần dần với ngôi nhà chung, gắn bó với người ông thợ máy có mái tóc trắng phau như ông tiên trong truyện cổ tích.

Hỏi chú Năm có kỷ niệm gì vui từ khi mấy đứa nhỏ về nương nhờ, chú nói kỷ niệm vui thì không nhớ được. Chú chỉ thấy ngày ngày đảo đảo qua nhà, nhìn dọc theo hàng võng thấy các cháu ăn uống vui vẻ ngon lành, ngủ nghê yên ổn, học hành nề nếp là chú quá vui. Cứ như vậy mà vui hết ngày này qua ngày khác.

Phụ huynh cứ ghé lại, rồi có gì cho nấy. Còn chính quyền xã thì tạo quỹ học bổng Trần Văn Thành để tiếp sức thêm cho những em nghèo được thẳng bước đến trường. Thầy cô giáo ở tập thể gần Kinh Bảy cũng ghé qua nhà ông Năm giúp dòm ngó các em. Bà con tiểu thương buôn bán ở chợ thì bán rau cải cho thím Năm bao giờ cũng nửa bán nửa cho... Chùa, rồi dinh đức Cố Quản cũng cho tiền cho gạo để buổi trưa các em không tốn hao khi lưu lại.

Nghe mọi người nói về chuyện học chuyện chơi của các em, tôi cứ nhìn chăm chăm vào ngôi nhà rộng. Diện tích đất này, địa thế này nếu nó nằm trong tay người khác thì lập tức trở thành một quán cà phê võng hay một quán cơm để kiếm năm, mười triệu đồng mỗi tháng. Quanh trường học nào hiện nay cũng có những cái quán như vậy. Bỏ ra năm ba ngàn đồng mua ly nước, các em được vào cả một thế giới tự do. Chửi tục nói bậy, gieo thù chuốc oán, hài tội cha mẹ thầy cô gì cũng chẳng ai chú ý. Rồi hút thuốc, rồi cả những trò chơi nguy hiểm khác.

Niềm hạnh phúc của chú Năm là ngày ngày đảo đảo qua nhà, nhìn dọc theo hàng võng thấy các cháu ăn uống vui vẻ ngon lành, ngủ nghê yên ổn, học hành nề nếp.

Nhà chú Năm To cũng gần như một cái quán võng lớn, nhưng khi chú không thu tiền, các em bỗng thấy mình cần có trách nhiệm hơn với từng cái võng mình nằm, với từng câu nói mình thốt ra. Sự tử tế lây truyền từ chú Năm lan qua những em đầu tiên rồi lan truyền suốt mấy chục em. Không cần một sự trừng phạt, một sự răn đe nào hết, các em tự dựng nên trật tự của cả nhà và duy trì nề nếp đó từ khi mới bắt đầu cho tới tận hôm nay.

Chú Năm To dựng ngôi nhà lên là để cho chớ không định bán bất cứ món gì. Như một kiểu cho đi để lấy lại niềm vui. Nhưng giờ đây chú có thể “bán” được nhiều thứ. Chú “bán” được cho các em một mái ấm bình yên để có thể nương vào đó rèn luyện sự lương thiện của mình. Chú “bán” cho các em một môi trường mà ở đó mỗi em được “gần đèn thì sáng”. Chú “bán” cho các em những tiếng cười hồn nhiên để con đường học luôn tươi tắn an lành.

Chú “bán” cho phụ huỵnh những bình an trong con đường sinh kế để nuôi nấng các con. Chú “bán” cho xã hội một từ tâm để mọi người có thể nhón một chút yêu thương gửi vào những mầm non đang khôn lớn từng ngày. Chú “bán” đi nhiều thứ để lấy về một thứ duy nhất là niềm vui, niềm an lạc của tuổi già... Ngôi nhà chung rộn rã của chú Năm là ngôi trường nhỏ dạy bài học lớn về sự cho, nhận vốn đang thiếu giữa cuộc sống tưởng như rất đỗi khốc liệt này.

Không chỉ cùng nhau nghỉ trưa mà các em còn cùng nhau ăn những bữa cơm trưa với vợ chồng chú Năm To như một đại gia đình.

Đường về Thạnh Mỹ Tây bao giờ mới thôi lở lói. Những ổ gà ổ voi bao giờ mới được san bằng. Mọi người đang cố gắng để đường sá thuận tiện hơn. Có lẽ lần sau ghé thăm ngôi nhà “ồn ã như cái chợ” đã dễ dàng hơn. Điều đó hình như không còn quan trọng. Bởi hiện tại, trong gian khó hạt giống nghĩa nhân được nẩy mầm, được đổi trao, được lan truyền và con đường tầm chữ vừa xa vừa gập ghềnh của các em đã trở nên vô cùng ấm áp.

Võ Diệu Thanh - Ảnh: Ngô Minh

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/chu-nam-to-ngoi-truong-nho-va-bai-hoc-lon-26011.html