Chủ Mercedes không bắt đền xe chở gạch: Nhân văn mà thiếu nhân văn

Tha thứ cho tài xế xe chở gạch đâm hỏng Mercedes là hành vi nhân văn mà cũng thiếu nhân văn, khiến những kẻ coi thường pháp luật coi cái nghèo như tấm thẻ ưu tiên.

Mạng xã hội hôm qua xôn xao chuyện người phụ nữ lái Mercedes ở Hải Phòng bỏ qua, không truy cứu tài xế xe ba bánh tự chế chở gạch đâm hỏng xe mình. Vụ va chạm xảy ra trên cầu An Dương (TP Hải Phòng) gần trưa 20/4. Nữ tài xế Mercedes cho biết lúc đầu chị cũng làm căng để người lái xe ba bánh có trách nhiệm và rút kinh nghiệm, nhưng rồi chị nghĩ đến hoàn cảnh khó khăn của gia đình anh này nên không yêu cầu bồi thường, dù số tiền sửa xe không hề nhỏ.

Trên mạng xã hội, câu chuyện này được nhiều người nhìn nhận và lan truyền như một bài học về lòng nhân ái. Tuy vậy, tôi e rằng sẽ có rất nhiều người rút ra một “bài học” khác, một thông điệp khác: Người nghèo đáng được tha thứ khi làm sai, thậm chí khi có hành vi nguy hiểm. Và đây là viễn cảnh đáng sợ.

Hãy nhìn bức ảnh mà dân mạng chia sẻ - nắp capo chiếc Mercedes trắng phủ đầy những viên gạch lớn từ xe ba bánh văng đến, đầu ô tô bóp méo – và tự hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu thay vào vị trí chiếc ô tô xịn có độ cứng, độ bền rất lớn kia là xe máy? Chắc chắn những người ngồi trên sẽ chịu thương tích nặng nề, thậm chí nguy hiểm tính mạng.

Hình ảnh vụ việc được chia sẻ trên mạng.

Hình ảnh vụ việc được chia sẻ trên mạng.

Vì vậy trong câu chuyện này, xin đừng nhìn vào khoảng cách giàu nghèo giữa hai bên đương sự, đừng nhìn vào sự chênh lệch giá trị giữa chiếc Mercedes và xe ba bánh tự chế, mà hãy nhìn vào sự nguy hiểm của hành vi vi phạm kia, đến hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra nếu hành vi này tái diễn. Sự thay đổi cách nhìn nhận phải đến từ nhiều phía: Nạn nhân vụ va chạm, kẻ gây va chạm, cảnh sát giao thông và cả cộng đồng những người theo dõi. Khi đó, chúng ta sẽ có cách hành xử đúng đắn hơn, không phải tha thứ và cổ vũ cho sự tha thứ, mà buộc kẻ phạm luật gây tai nạn phải chịu trách nhiệm và nhận lãnh hình phạt.

Nhân đạo trong trường hợp này đồng nghĩa với việc anh ta được trao thêm cơ hội gây nguy hiểm cho tính mạng bao nhiêu người khác trên đường.

Bởi tha thứ, nhân đạo với người chở gạch bằng xe ba bánh tự chế này đồng nghĩa với việc tạo cho anh ta suy nghĩ: Mình nghèo, mình khổ cực mưu sinh nên dù có gây tai nạn cho người khác cũng đáng được thông cảm. Việc cộng đồng mạng ca tụng sự tha thứ của chủ xe Mercedes sẽ càng củng cố niềm tin đó trong anh ta và nhiều người nữa. Như vậy, nhân đạo trong trường hợp này đồng nghĩa với việc anh ta được trao thêm cơ hội gây nguy hiểm cho tính mạng bao nhiêu người khác trên đường. Nhìn cái xe máy tự chế thành xe ba bánh chở hàng tấn gạch kia ngang nhiên phóng sang làn đường bên cạnh, đủ thấy con người này coi thường pháp luật và sự an toàn của người khác thế nào (dù có thể do nhận thức kém).

Thực tế bao lâu nay, 2 chữ “mưu sinh” đã luôn được dùng để biện minh, dung túng cho những hành vi vô pháp vô thiên trên đường, gây bao nhiêu tai nạn thương tâm, như vụ xe chở tôn cứa cổ làm chết em bé 9 tuổi ở Hà Nội tháng 9/2016. Đã đến lúc cộng đồng phải cảnh giác với chính lòng thương người của mình, đặt nó đúng chỗ, đúng đối tượng. Tuyệt đối đừng cho rằng ai đó làm sai cần được tha thứ vì họ nghèo. Thật nguy hiểm nếu để những người coi thường pháp luật dùng cái nghèo của mình như tấm bùa hộ thân.

Hãy nhớ rằng cái nghèo không phải là tấm thẻ ưu tiên, dù nghèo cũng phải chịu trách nhiệm về hành động của mình và khắc phục hậu quả, không thể cứ mưu sinh là có thể gây hại cho người khác mà không trả giá.

Bạn có đồng tình với quan điểm trên? Hãy chia sẻ ở box bình luận bên dưới.

Phạm Cường

Nguồn VTC: https://vtc.vn/chu-mercedes-khong-bat-den-xe-cho-gach-nhan-van-ma-thieu-nhan-van-ar607941.html