Chữ 'lễ' học đường

Vào năm học mới, câu khẩu hiệu 'Tiên học lễ, hậu học văn' được làm mới cùng các khẩu hiệu khác tươi rói không gian sân trường.

Cùng đó là bàn ghế, bảng viết, quạt trần, nhà vệ sinh... được sửa chữa hoặc lắp mới, là những tiết giảng về nội quy trường lớp, những buổi tập hát Quốc ca, đồng ca... Chữ "lễ" được tô lại, được khởi đầu mới bằng kỷ cương, kỷ luật, sự mới mẻ của cơ sở vật chất và sự hào hứng của thầy, trò.

Nhưng "Tiên học lễ" không chỉ là bài học đầu năm, không chỉ là nghi thức mà còn là mọi nền nếp, hành động, lời ăn tiếng nói và hành vi của thầy và trò để làm cơ sở cho chất lượng thực sự của cả năm học, cho nấc thang mới "học làm người". Mà chữ "lễ" bây giờ có lắm điều, lắm lẽ biến đổi tế nhị, nhạy cảm, thậm chí phức tạp khác xưa. Nhà nhà bươn chải, vun vén làm ăn, không thiếu những chao chát, mánh lới tranh tối tranh sáng, sao không ít nhiều tác động đến cách nhìn nhận về cuộc sống và ứng xử của học sinh. Học trò nhỏ được cưng chiều, bao bọc, bênh che, lại được vô tư dùng điện thoại thông minh nên tính cá nhân, vị kỷ sớm nổi trội, hạn chế đến sự đồng cảm, hòa đồng tập thể. Ấy là chưa kể sự hiểu biết linh tinh, lệch lạc còn làm méo mó nhận thức của các em cùng với những biến thái tâm lý, sinh lý thất thường của tuổi mới lớn.

"Có những em hay ngủ gật trong giờ học"; "có em trông ngoan lắm, dạ thưa tử tế nhưng lắm trò ranh mãnh giả cả chữ ký, tin nhắn của cha mẹ"; "có nhiều em dậy thì sớm, yêu sớm"... Những tật xấu của các em, thầy cô biết cả song không dễ uốn nắn, nhất là khi cha mẹ học sinh không thấy vấn đề hoặc do thờ ơ, phó mặc hoặc cố tình bênh che. "Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò", trò nghịch, trò hư thời nào cũng có, mỗi thời mỗi kiểu. Những kiểu cách bây giờ ẩn chứa sự giả dối, khó lường và khó trị hơn. Đó là khó khăn mới trong vun đắp, tô thắm thêm chữ "lễ" trong học đường hiện nay. Phải chăng các thầy cô giáo, các nhà trường cần có những tổng kết, đánh giá toàn diện và sâu sắc hơn về các biến diễn mới trong thế hệ học sinh hôm nay và rút ra những kinh nghiệm bài bản để uốn nắn, trị liệu. Phải chăng chúng ta nên học theo nhiều nước phát triển đưa ra những quy định rõ ràng và kiên quyết hơn đối với việc học sinh sử dụng điện thoại trong nhà trường.

Có nhiều ý kiến các nhà giáo thống nhất rằng, số đông học sinh thích thầy cô "dễ tính" hơn là những thầy cô nghiêm khắc. Đó chính là chỗ yếu của chữ "lễ", tiếc thay yêu thương và trách nhiệm chưa thực sự được song hành, được gương mẫu thể hiện trong một số thầy cô giáo. Chỉ khi có "thầy ra thầy" thì mới có "trò ra trò" là vậy. Một cách tự nhiên nhà trường không thể miễn nhiễm khỏi những tác động không lành mạnh từ xã hội, song với sự chủ động và tích cực đề cao chữ "lễ" duy trì tính mô phạm và kỷ cương mẫu mực, mỗi nhà trường đều có thể khắc chế tới mức thấp nhất những tác động đó.

Năm học mới đã vào nếp, những giờ học nghiêm túc, những giờ "chơi ra chơi" vang động tiếng hát, tiếng cười sẽ làm nên "Mỗi ngày đến trường là một ngày vui".

SA MUỘN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/chu-le-hoc-duong-549449