Chu kỳ tài chính 10 năm kéo dòng vốn nước ngoài đổ vào Việt Nam

Ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Tổng giám đốc công ty AVM Việt Nam cho rằng sẽ có nhiều thương vụ M&A quy mô lớn diễn ra trong thời gian tới tại thị trường Việt Nam.

Mới đây, thị trường mua bán và sáp nhập (M&A) Việt Nam đã chứng kiến một thương vụ trị giá gần 5 tỷ USD khi công ty Vietnam Beverage do ThaiBev đứng sau đã trở thành cổ đông lớn nhất Sabeco.

Cả năm ngoái, tổng giá trị các thương vụ M&A mới đạt 5,8 tỷ USD nhưng năm nay, vào thời điểm cuối năm, chỉ một thương vụ nhà nước thoái vốn khỏi Sabeco đã đạt gần 5 tỷ USD.

Về những diễn biến của thị trường M&A Việt Nam thời gian qua và xu hướng nổi bật trong hoạt động mua bán sáp nhập trong thời gian tới, TheLEADER đã có cuộc phỏng vấn với ông Nguyễn Quốc Việt – Phó Tổng giám đốc công ty AVM Việt Nam, nhà đồng tổ chức của Diễn đàn M&A Việt Nam hàng năm.

Ông đánh giá như thế nào về thương vụ Sabeco vừa diễn ra?

Ông Nguyễn Quốc Việt: Theo tôi, việc nhà đầu tư Thái Lan mua lại phần lớn cổ phần của Sabeco do các đánh giá tích cực của họ về tiềm năng của thị trường bia Việt Nam.

Sabeco hiện đã là một doanh nghiệp chiếm thị phần lớn nhất tại thị trường bia Việt và sau khi nắm giữ, doanh nghiệp Thái sẽ có những giá trị đóng góp gia tăng thông qua tăng cường quản trị, phát triển sản phẩm hoặc nâng cao công nghệ. Có thể là họ sẽ đưa bia Thái vào Việt Nam hoặc đưa sản phẩm Sabeco sang Thái Lan tiêu thụ.

Thế nhưng đó là câu chuyện trong tương lai và cần thời gian để có thể kiểm chứng.

Khả năng mà nhà đầu tư Việt Nam có thể mua được Sabeco là rất khó bởi với một số tiền lớn như vậy, doanh nghiệp Việt không dễ gì có thể huy động được.Ví dụ như trước đây chúng ta có cạnh tranh để mua lại Big C nhưng vấp phải sự cản trở từ vấn đề nguồn vốn.

Tôi kỳ vọng là trong tương lai, khối tư nhân Việt Nam có thể liên kết lại với nhau và mua lại những công ty lớn.

Ông Nguyễn Quốc Việt – Phó Tổng giám đốc công ty AVM Việt Nam

Các nhà đầu tư ngoại hiện đang dẫn dắt thị trường M&A của Việt Nam với phần lớn giá trị và số lượng các thương vụ. Nguyên nhân vì sao thưa ông?

Ông Nguyễn Quốc Việt: Hiện nay, các thương vụ có giá trị lớn đều có sự xuất hiện của các nhà đầu tư nước ngoài với tỷ trọng lên tới 77%.

Các nhà đầu tư nước ngài đang là những người dẫn dắt cuộc chơi khi họ có lợi thế về vốn, về kinh nghiệm khi họ đi trước chúng ta rất nhiều năm.

Nhìn thấy sự tăng trưởng của Việt Nam, các nhà đầu tư ngoại sẵn sàng đầu tư và chấp nhận giá cao bởi họ kỳ vọng vào sự tăng trưởng trong các ngành hàng của Việt Nam từ nhu cầu của dân số trẻ, mức độ tiêu dùng lớn.

Giá mua hôm nay có thể cao nhưng trong tương lai, họ còn có thể bán cao hơn nữa khi lợi nhuận của các doanh nghiệp này tăng cao. Đây là lý do khiến các nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng rót tiền vào các thương vụ có giá trị lớn.

Theo ông xu hướng này có còn tiếp tục trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Quốc Việt: Hoạt động M&A tại Việt Nam đã có những bước phát triển đáng ghi nhận trong các năm qua. Các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng quan tâm đến hình thức đầu tư này vào Việt Nam.

Đặc biệt các lĩnh vực đang phát triển nhanh của Việt Nam như tiêu dùng hay bất động sản diễn ra liên tiếp các thương vụ với sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài.

M&A giúp nhà nước thoái vốn dễ hơn, tăng hiệu quả quản lý trong các doanh nghiệp và giúp doanh nghiệp tiếp cận với các tiêu chuẩn quốc tế về quản trị. Đặc biệt sẽ tạo ra sự thúc đẩy đổi mới đối với các doanh nghiệp trong nước để làm sao tăng được sức cạnh tranh, làm sao bán được giá tốt và tiếp tục thu hút được dòng vốn nước ngoài.

Giai đoạn 2009, 2010, nền kinh tế thế giới có sự khủng khoảng, nhiều nhà đầu tư đã mua lại, tạo lợi nhuận và hiện nay bán lại cho nhà đầu tư thứ ba. Với tính chất của chu kỳ tài chính, tôi nghĩ đây sẽ là thời điểm dòng vốn nước ngoài đổ nhiều vào Việt Nam tạo cơ hội giúp chúng ta bán được giá tốt.

Theo tôi, các doanh nghiệp nên tận dụng điều này, đặc biệt là trong hoạt động thoái vốn. Tôi tin chúng ta sẽ tiếp tục duy trì được xu hướng này và có thêm các thương vụ có giá trị cao hơn.

Tôi hy vọng rằng Việt Nam sẽ trở thành một thị trường M&A sôi động với quy mô ngày càng tăng tại khu vực Châu Á và trên thế giới.

Theo ông có đột phá gì sau các thương vụ M&A lớn vừa qua không?

Ông Nguyễn Quốc Việt: Theo tôi, những thương vụ thoái vốn gần đây thể hiện sự thay đổi lớn trong quan điểm của cơ quan quản lý là không nắm giữ cổ phần chi phối một số lĩnh vực như bia, sữa như như Vinamilk và Sabeco. Đây là sự khởi đầu rất và trong tương lai, có thể nhiều doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn khác sẽ tiếp tục được thoái vốn.

Bên cạnh đó, tôi cho rằng, chúng ta phải thúc đẩy M&A trong khu vực tư nhân (như một số thương vụ IPO công ty tư nhân lớn gần đây) vì đó là động lực bền vững thay vì chỉ dựa vào việc thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước. Cần làm cách nào đó để ta tăng cường nội lực cho các doanh nghiệp tư nhân.

Doanh nghiệp Việt Nam đừng e ngại hoạt động M&A bởi khi có nguồn vốn và quản trị nước ngoài vào, chúng ta sẽ tiếp cận được với những chuẩn mực quốc tế, giúp doanh nghiệp ngày càng cạnh tranh hơn. Doanh nghiệp phải nằm trong một chuỗi giá trị toàn cầu và làm sao phải đạt được hiệu quả cũng như mức lợi nhuận cao trong cái chuỗi đó.

Tôi hy vọng rằng làn sóng khởi nghiệp sẽ là một chất xúc tác cho các hoạt động của M&A và hướng tới khối tư nhân là động lực chính.

Cám ơn ông!

Theo công ty AVM Việt Nam, thị trường M&A Việt Nam trong thời gian tới sẽ được dẫn dắt bởi 5 xu hướng chính.

Sự tăng trưởng M&A trong ngành hàng tiêu dùng, dịch vụ, bất động sản và công nghiệp

Điều này sẽ được thúc đẩy bởi dân số trẻ cũng như sự phát triển tầng lớp trung lưu và gia tăng sức mua tại Việt Nam.

Trong sản xuất, chi phí lao động thấp cùng các cải cách pháp luật, các hiệp định thương mại sẽ tiếp tục tăng cường sự hứng thú của các nhà đầu tư trong ngành sản xuất của Việt Nam, đặc biệt trong các ngành thiết bị điện tử hay hàng may mặc.

Dự trỗi dậy của khu vực tư nhân

Trong năm tới, nguồn hàng của khu vực tư nhân được kỳ vọng sẽ ngày càng dồi dào, cải thiện về quy mô và chất lượng.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tư nhân sẽ ngày càng chủ động hơn trong việc “bán mình” thay vì chờ đợi các công ty các đến mua. Các doanh nghiệp sẽ chuẩn bị một cách tốt nhất, tiệm cận với chuẩn mực quốc tế để việc đàm phán M&A được diễn ra thuận lợi hơn.

Làn sóng thoái vốn nhà nước, xử lý nợ xấu ngân hàng

Năm 2018 kỳ vọng sự thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước thông qua IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu) hay nhà đầu tư chiến lược. Bên cạnh đó, sự phát triển của thị trường mua bán nợ sẽ là động lực giúp M&A phát triển.

Theo ông Nguyễn Quốc Việt, ngày càng có nhiều yêu cầu hơn đối với việc xử lý tài sản đảm bảo trong những năm gần đây, thể hiện xu hướng thị trường hóa các khoản nợ xấu.

Câu chuyện nội Á

Trong thời gian tới sẽ chưa có dầu hiệu giảm bớt như cầu từ châu Á và tiếp tục sẽ là các nhà đầu tư đến tư châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và Singapore.

Yếu tố văn hóa cùng đặc điểm địa lý tiếp tục là đặc điểm chính trong các hoạt động M&A. Mặc dù vậy, thị trường đều kỳ vọng các nhà đầu tư đến từ châu Âu sẽ quan tâm nhiều hơn đến Việt Nam.

Sự nổi lên của kỹ thuật số

Hiện nay chưa xuất hiện các mô hình như Grab hay Lazada của người Việt và trong tương lai, kỳ vọng thị trường Việt Nam sẽ có những doanh nghiệp khởi nghiệp có khả năng huy động hàng trăm triệu USD.

Kiều Mai

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/chu-ky-tai-chinh-10-nam-keo-dong-von-nuoc-ngoai-do-vao-viet-nam-20171220143141411.htm