Chữ ký của Hoàng Công Lương quyết định việc chạy thận?

VKSND tỉnh Hòa Bình cho rằng việc Hoàng Công Lương ra y lệnh cũng như ký xác nhận vào y lệnh của hai bác sĩ còn lại có hiệu lực quyết định đối với ca chạy lọc máu cho 18 bệnh nhân.

Sáng 18-1, phiên sơ thẩm xét xử vụ án chạy thận khiến 9 người tử vong tại BV đa khoa tỉnh Hòa Bình bước sang ngày làm việc thứ năm. Đại diện VKS đặt hàng loạt câu hỏi liên quan đến vai trò, trách nhiệm của của bị cáo Hoàng Công Lương tại đơn nguyên thận nhân tạo.

Theo cáo trạng, Hoàng Công Lương là người thừa lệnh trưởng khoa ký đề xuất, đồng thời biết rõ nội dung và thời gian (28-5-2017) sẽ sửa chữa hệ thống RO số 2. Ngày 29-5, Lương là bác sĩ (BS) duy nhất trong ba BS được phân công điều trị cho bệnh nhân tại đơn nguyên thận nhân tạo có đủ điều kiện ra y lệnh lọc máu chạy thận.

Bị cáo Hoàng Công Lương bên ngoài phòng xử. Ảnh: TP

Bị cáo Hoàng Công Lương bên ngoài phòng xử. Ảnh: TP

VKS cáo buộc việc Lương ra y lệnh cũng như ký xác nhận vào y lệnh của hai BS còn lại (Nguyễn Mạnh Linh và Phạm Thị Huyền – PV) mang tính hiệu lực quyết định đối với ca chạy lọc máu cho 18 bệnh nhân.

“Lương là người chịu trách nhiệm về chuyên môn trong ca điều trị cho người bệnh ngày 29-5-2017” - cáo trạng nêu.

Ký y lệnh chỉ vì chia sẻ kinh nghiệm?

Trả lời đại diện VKS, ông Hoàng Công Tình, trưởng khoa Hồi sức tích cực BV đa khoa tỉnh Hòa Bình, cho biết trước thời điểm xảy ra sự cố, Hoàng Công Lương được phân công nhiệm vụ điều trị tại đơn nguyên thận nhân tạo.

Về mối tương quan trong công việc, ông Tình khẳng định Lương và hai BS Linh, Huyền đều có quyền ra y lệnh như nhau. Tuy nhiên, hai BS này chỉ có chứng chỉ hành nghề về hồi sức cấp cứu và nội khoa, chưa có chứng chỉ về kỹ thuật lọc máu như Lương.

VKS đặt vấn đề tại sao chưa có chứng chỉ mà lại được ra y lệnh chạy thận? Ông Tình khai rằng theo quy định của Bộ Y tế, một BS phải làm việc về thận nhân tạo ít nhất 200 giờ thì mới được ra y lệnh. Thực tế, cả hai BS Linh và Huyền đều đã làm việc gần 3 năm, nếu làm 8 tiếng/ngày thì chỉ cần 2 tháng là đủ điều kiện.

Sau khi nghe câu trả lời với nội dung ba BS đều có quyền ra y lệnh như nhau, kiểm sát viên lật lại vấn đề, rằng nếu như vậy thì tại sao Hoàng Công Lương lại phải ký vào y lệnh của hai BS còn lại?

Ông Tình cho rằng vì Lương có tuổi đời và tuổi nghề cao hơn hai BS này nên thường được hỏi để chia sẻ kinh nghiệm. “Trong ngành y, những người có kinh nghiệm cao hơn thường chia sẻ kinh nghiệm cho các BS có tuổi nghề ít hơn, có kinh nghiệm ít hơn”, ông Tình nói.

Đại diện VKS một lần nữa “vặn”: “Vậy BS Huyền và BS Linh có ký chia sẻ với Lương hay không?”. Trưởng khoa Hồi sức tích cực đáp rằng ba BS này thường hội ý với nhau trước khi ra y lệnh, BS Huyền không nhất thiết phải hỏi ý kiến Lương để ra y lệnh; vì Lương có kinh nghiệm cao hơn nên việc ký vào y lệnh như là một cách để chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn.

Ông Hoàng Công Tình tại tòa. Ảnh: TP

Đáng chú ý, ông Tình còn cho biết do hai BS kia chưa được cấp chứng chỉ chạy thận nhân tạo nên chữ ký của Lương còn có ý nghĩa để thanh toán bảo hiểm y tế.

VKS đề nghị hỏi BS Linh và Huyền nhưng cả hai vắng mặt.

Phủ nhận việc được giao phụ trách đơn nguyên

Tiếp đó, nói về chu trình chạy thận nhân tạo, ông Hoàng Công Tình cho biết có rất nhiều bộ phận: điều dưỡng khởi động hệ thống RO, quan sát đồng hồ trong ngưỡng an toàn, test máy chạy thận; khi các điều kiện đảm bảo về mặt lâm sàng thì kết nối máy vào người bệnh nhân; phải có y lệnh lọc máu mới có thể kết nối máy chạy thận với người bệnh nhân.

Đáng chú ý, trước đó, bị cáo Hoàng Đình Khiếu (cựu phó giám đốc BV) từng khai có quyết định giao cho ông Hoàng Công Tình quản lý hệ thống RO 2 tại đơn nguyên thận nhân tạo. Tuy nhiên, ông Tình khẳng định không được giao và trong khoa cũng không ai biết việc này.

“Bản thân ông Khiếu không có trao đổi gì với tôi về việc bàn giao này. Sau sự cố và làm việc với cơ quan điều tra, tôi mới biết có quyết định, tôi hỏi nhân viên thì không ai biết” – ông Tình nói.

Cũng trong sáng 18-1, HĐXX và VKS đặt nhiều câu hỏi với ông Trần Thế Hưng (Phó Giám đốc BV đa khoa tỉnh Hòa Bình). Trong vụ án này, BV đa khoa tỉnh Hòa Bình được xác định là bị đơn dân sự.

Tuy nhiên, ông Hưng từ chối trả lời hầu hết các câu hỏi. Về quan điểm của BV đối với yêu cầu bồi thường của gia đình các nạn nhân, ông Hưng nói đây là sự cố y khoa không mong muốn, mong HĐXX xem xét những yêu cầu của bị hại để đưa ra quyết định theo đúng luật pháp.

Ngoài ra, vị này không có yêu cầu gì khác và ủy quyền cho các luật sư tham gia phiên tòa trả lời trước HĐXX. Tòa cho biết phía BV đã ủy quyền cho ông Hưng được toàn quyền quyết định việc trả lời, nhưng phó giám đốc cho biết ông chỉ đến tòa để ngồi theo dõi.

Cũng theo cáo trạng, ngày 29-5-2017, BS Linh và Huyền ra y lệnh dưới sự hướng dẫn và ký xác nhận của Hoàng Công Lương; mặt khác, hai người này không biết có việc sửa chữa hệ thống RO số 2.

Còn nhớ tại phiên sơ thẩm hồi tháng 5-2017, HĐXX từng đề cập tới vấn đề Hoàng Công Lương ký xác nhận vào y lệnh của hai BS còn lại.

HĐXX cho biết trong bệnh án của một số bệnh nhân do hai BS Hằng và Linh phụ trách có chữ ký của Lương nhưng trong bệnh án các bệnh nhân mà BS Lương phụ trách thì không có chữ kí của ai khác.

Sau khi được xem các bệnh án, Lương xác nhận đúng là chữ kí của mình. Lương nói việc ký như trên chỉ là với tư cách chia sẻ chuyên môn và trách nhiệm với các bác sĩ còn lại, nếu có sai sót gì thì sẽ cùng chịu trách nhiệm.

“Tại sao ở các bệnh án đó, BS Ninh và Huyền không chia sẻ với nhau mà tất cả chỉ chia sẻ với BS Lương?” – HĐXX hỏi dồn. Ngập ngừng một khoảnh khắc, Lương nói “Cái này bị cáo không rõ!”.

TUYẾN PHAN

Nguồn PLO: http://plo.vn/phap-luat/chu-ky-cua-hoang-cong-luong-quyet-dinh-viec-chay-than-813656.html