Chủ hụi ôm hơn 7,7 tỷ đồng 'biến mất'

Xảy ra nhiều vụ giật hụi, 'xù' nợ: Cẩn trọng khi giao dịch tài sản Chủ hụi ôm tiền tỷ rồi 'biến mất'

Mấy tháng nay, khi biết tin bà Nguyễn Thị Hạnh (trú tại xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu) là chủ dây hụi bạc tỷ “bỗng dưng biến mất”, nhiều người trên địa bàn xã Long Sơn tham gia dây hụi này hốt hoảng gửi đơn cầu cứu cơ quan chức năng.

Người chơi hụi tìm đến vây quanh nhà bà Hạnh.

Người chơi hụi tìm đến vây quanh nhà bà Hạnh.

Tiếp xúc với phóng viên Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, những người tham gia vào dây hụi của bà Nguyễn Thị Hạnh cho biết, bà Hạnh làm chủ hụi tại xã Long Sơn từ hơn 30 năm nay, nên người dân ở đây rất tin tưởng. Việc thu tiền hụi của mọi người thường do con trai bà Hạnh là anh Lê Khắc Trung đảm nhận. Ngày 19/8/2020, anh Trung vẫn đến từng nhà trong dây hụi để gom tiền như thường lệ.

Tuy nhiên, đến sáng 20/8/2020, bà Hạnh tuyên bố vỡ hụi, khiến nhiều người bất ngờ. Họ vội vàng đến nhà bà Hạnh đòi tiền. Bà Hạnh hứa hẹn sẽ bán đất để trả. Nhưng vài tháng sau, người ta không thấy bà Hạnh ở đâu nữa. “Khi đến ngày hẹn, tui xuống lấy hụi thì không có bà Hạnh ở nhà. Hỏi ông chồng thì ông nói không biết bà này đi đâu. Đến nay, thì nhà bà Hạnh đóng cửa hẳn. Những người chung quanh cho biết, gia đình bà ấy đã đi khỏi nơi cư trú”, bà Nguyễn Thị Mười - người tham gia dây hụi của bà Hạnh hơn 10 năm nay lo lắng nói.

Chơi hụi có 2 hình thức: Hụi có lãi và hụi không có lãi

Chơi hụi không có lãi là sau khi hốt hụi, người này sẽ tiếp tục đóng hụi định kỳ cho đến khi tất cả con hụi trong dây đều được hốt hụi. Bên cạnh đó, những người hốt hụi trước sẽ phải trả tiền hoa hồng cho chủ hụi nếu có thỏa thuận trước. Vay hụi giống hình thức vay tiền trả góp với những người hốt hụi đầu, ngược lại với những người hốt hụi cuối, vay hụi lại giống hình thức tích cóp tiền.

Chơi hụi tính lãi là khi trong dây hụi có những con hụi cần tiền gấp, muốn được hốt hụi trước (hụi chết), người này sẽ phải chịu một phần lãi đỡ cho các con hụi chưa cần tiền và chấp nhận hốt hụi sau (hụi sống). Phần lãi này sẽ trừ trực tiếp vào số tiền đóng hụi của các con hụi khác. Hụi sống sẽ được nhận nhiều tiền hơn so với số vốn góp tuy nhiên lại chịu rủi ro cao hơn trong trường hợp các con hụi chết ôm tiền bỏ trốn.

Bà Mười cho hay, mỗi tháng bà góp 24 triệu đồng/tháng cho 6 chân hụi. Cứ 20 tháng bà Mười hốt hụi một lần. Theo thống kê sơ sơ bộ người dân cung cấp, hiện có 38 người trong đường dây hụi của bà Nguyễn Thị Hạnh với số tiền họ đã đóng cho chủ hụi hơn 7,7 tỷ đồng.

Do bà Hạnh đã bỏ đi khỏi nơi cư trú, không liên lạc được, nên nhiều người tham gia hụi đã làm đơn gửi lên chính quyền xã Long Sơn. Đến tháng 10/2020, Công an xã mời những người liên quan lên làm việc và hướng dẫn họ gửi đơn lên Công an TP.Vũng Tàu hoặc gửi đơn khởi kiện ra TAND TP.Vũng Tàu vì đây là giao dịch dân sự. Tuy nhiên, 2 tháng sau, TAND TP.Vũng Tàu thông báo không thụ lý vụ án do bà Hạnh không có ở nơi cư trú. Ông Nguyễn Văn Hiến, Phó Chánh án TAND TP.Vũng Tàu cho biết, lý do tòa trả đơn khởi kiện dân sự đối với bà Hạnh (bị đơn) vì bà này đã bỏ đi nơi khác và hiện tại không xác định được nơi cư trú . Do đó, tòa không thể gửi các quyết định tống đạt giải quyết vụ án tới bà Hạnh. Vì vậy, căn cứ theo Điều 168 của Bộ luật Tố tụng dân sự, TAND TP.Vũng Tàu không thể thụ lý đơn. Nếu người dân phát hiện bà Hạnh đang cư trú ở đâu thì làm đơn khởi kiện đến TAND nơi đó để được giải quyết.

Theo Điều 471 Bộ luật Dân sự 2015, họ, hụi, biêu, phường được xác định là một hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán được thực hiện dựa trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người cùng tập hợp lại với nhau để định ra số người chơi, thời gian tham gia, số tiền hoặc tài sản khác, phương thức góp, cách thức lĩnh hụi cũng như quyền và nghĩa vụ của các thành viên”. Căn cứ Điều 3 Nghị định 19/2019/NĐ-CP về họ, hụi, biêu, phường thì việc tổ chức hụi phải tuân theo các nguyên tắc sau: Bảo đảm việc tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự; Mục đích của việc tổ chức hụi là nhằm tương trợ lẫn nhau giữa những người cùng tham gia; Nghiêm cấm thực hiện hành vi lợi dụng việc tổ chức hụi để cho vay lãi nặng, có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, huy động nguồn vốn trái pháp luật hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác. Nếu có dấu hiệu hình sự thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Hiện nay, nhiều người dân ở xã Long Sơn mất ăn, mất ngủ vì số tiền có nguy cơ mất trắng. Họ chỉ mong các cơ quan chức năng tiếp nhận phản ánh của người dân để có hướng xử lý vụ việc.

Trao đổi với phóng viên, ông Trương Ngọc Long, Chủ tịch UBND xã Long Sơn cho biết: “Sau khi TAND TP.Vũng Tàu trả hồ sơ, hiện chính quyền địa phương đã chỉ đạo công an xã phối hợp Công an TP.Vũng Tàu tiếp tục xác minh, làm rõ vụ việc. Nếu đủ yếu tố hình sự thì sẽ xử lý theo quy định. Nếu không đủ yếu tố hình sự thì chúng tôi sẽ tổng hợp báo cáo gửi TAND TP.Vũng Tàu xem xét thụ lý giải quyết cho người dân”.

Từ vụ việc trên, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần sớm có giải pháp xử lý nhằm bảo đảm quyền lợi cho người dân và không để phức tạp tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.

Bài, ảnh: SƠN KHÊ

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/phap-luat/202103/chu-hui-om-hon-77-ty-dong-bien-mat-921416/