Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu

* Xâm nhập mặn sẽ lên cao vào dịp Tết Nguyên đán 2021 tại ĐBSCL

(CT)- Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 06/NQ-CP Chương trình hành động tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường theo Kết luận số 56-KL/TW ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị.

Chương trình xác định toàn diện các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của Chính phủ nhằm quán triệt và chỉ đạo các ngành, các cấp tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường theo Kết luận số 56-KL/TW của Bộ Chính trị, hướng tới phát triển bền vững đất nước.

Chương trình hành động của Chính phủ được thực hiện đến năm 2025, làm căn cứ để các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch, chương trình, tổ chức triển khai, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Kết luận số 56-KL/TW và Nghị quyết số 24-NQ/TW.

Tiếp tục thực hiện các kế hoạch, chương trình, đề án, dự án về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đã được phê duyệt và xây dựng, triển khai thực hiện một số kế hoạch, chương trình, đề án, dự án mở mới giai đoạn đến năm 2025.

Nhiệm vụ, giải pháp chung của Chương trình là nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm về chủ động, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; nâng cao năng lực và hiệu quả thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, tăng cường giám sát thực thi pháp luật trong ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; đổi mới cơ chế tài chính, tăng chi ngân sách và đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường...

Một số nhiệm vụ trọng tâm cấp bách mà Chương trình đưa ra gồm: phổ biến, quán triệt quan điểm, nhận thức về đặt yêu cầu phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển; coi môi trường là điều kiện, nền tảng, yếu tố tiên quyết cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế. Bảo đảm hài hòa lợi ích, tạo động lực khuyến khích các bên liên quan tích cực tham gia công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, tập trung sửa đổi Luật Ðất đai năm 2013, Luật Khoáng sản năm 2010, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2010; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các luật về khí tượng thủy văn, tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, đa dạng sinh học...; rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành, nghiên cứu luận cứ khoa học cho việc xây dựng luật về biến đổi khí hậu.

Rà soát, điều chỉnh các quy định xử lý vi phạm theo hướng nâng mức xử phạt, bảo đảm đủ sức răn đe đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm trong quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về xả thải gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước; quản lý, sử dụng đất; hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản, đặc biệt là khai thác cát, sỏi; khai thác rừng trái phép trên phạm vi cả nước.

* Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam dự báo: mực nước thượng nguồn sông Mekong về hạ nguồn ÐBSCL đang ở mức thấp, xâm nhập mặn bất thường có thể xảy ra sớm trong các tháng mùa khô năm 2021 và kéo dài tới tháng 5-2021, có thể biến động ở bất cứ thời điểm nào theo vận hành thủy điện và các thời tiết cực đoan, triều cường, gió chướng... Ðặc biệt, xâm nhập mặn sẽ lên cao nhất từ ngày 8-2 đến 16-2-2021, đúng dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Do đó, các địa phương vùng ÐBSCL cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống hạn mặn từ bây giờ. Trong đó cần tập trung vận hành hệ thống công trình thủy lợi hợp lý, tăng cường khả năng lấy nước ngay khi có thể, hạn chế tiêu thoát, đảm bảo tích trữ nước trước khi các ảnh hưởng gia tăng từ thượng nguồn về. Việc lấy và tích nước đủ muộn nhất phải trước ngày 7-2-2021. Thời gian lấy và tích nước này sẽ góp phần hạn chế thiệt hại sản trong xuất nông nghiệp, thủy sản khi mặn xuất hiện cao vào dịp Tết. Ðồng thời, các địa phương vùng ÐBSCL tăng cường công tác giám sát mặn, cập nhật các bản tin dự báo thường xuyên để điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp với các diễn biến nguồn nước. Khi lấy nước ngọt hoặc tưới cho cây trồng cần kiểm tra chặt chẽ độ mặn, nhất là đối với cây ăn trái. Trong tháng 1-2021, các địa phương chủ động tích nước ngay khi có thể để ứng phó với việc giảm xả thủy điện từ Trung Quốc ảnh hưởng ở đầu tháng 2-2021.

P.V - H.VĂN

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/chu-dong-ung-pho-voi-bien-doi-khi-hau-a129699.html