Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu

Ngày 10/10, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) đã tổ chức Hội nghị Đối thoại đối thoại cấp cao về biến đổi khí hậu.

Đáng chú ý, tại hội nghị Báo cáo đặc biệt của IPCC về tác động khi nhiệt độ toàn cầu tăng 1,5 độ C và các vấn đề liên quan đến phát thải khí nhà kính toàn cầu, cùng với nỗ lực của Việt Nam trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH) đang gia tăng đã được công bố.

Chia sẻ tại hội nghị, Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết, là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề của BĐKH, Việt Nam luôn chủ động và tích cực thực hiện các cam kết quốc tế và nỗ lực ứng phó với BĐKH.

Thứ trưởng Lê Công Thành phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Đinh Luyện)

Việt Nam đã xây dựng và triển khai đồng bộ nhiều chính sách, giải pháp như: Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo, các Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH, Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng…

Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris, hiện đã được Việt Nam triển khai rộng khắp ở tất cả các Bộ, ngành, địa phương trong cả nước, trong đó có việc xây dựng và triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với BĐKH.

Nhiều công trình, dự án đã được triển khai từ nguồn lực của Chính phủ và sự hỗ trợ của nhiều đối tác phát triển. Những nỗ lực này đã và đang mang lại những kết quả quan trọng.

Toàn cảnh hội nghị (Ảnh: Đinh Luyện)

Tại hội nghị, thông tin về Báo cáo đặc biệt của IPCC về tác động khi nhiệt độ toàn cầu tăng 1,5 độ C và các vấn đề liên quan đến phát thải khí nhà kính toàn cầu đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo chuyên gia và giới truyền thông.

Theo TS. Hoesung Lee - Chủ tịch IPCC, IPCC là cơ quan toàn cầu đánh giá khoa học liên quan đến biến đổi khí hậu cho biết, Báo cáo đặc biệt của IPCC, ước tính, các hoạt động của con người đã làm nóng lên toàn cầu khoảng 1,0 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, với khoảng có khả năng là 0,8 độ C - 1,2 độ C. Nóng lên toàn cầu có khả năng đạt 1,5 độ C trong giai đoạn năm 2030 - 2052, nếu nhiệt độ tiếp tục tăng với tốc độ hiện tại.

Sự nóng lên là do phát thải từ các hoạt động của con người từ giai đoạn tiền công nghiệp đến hiện tại sẽ tồn tại hàng thế kỷ, thậm chí với hàng nghìn năm, và sẽ tiếp tục gây ra những thay đổi lâu dài trong hệ thống khí hậu, ví dụ mực nước biển dâng, các tác động đi kèm...

Vì vậy, việc hạn chế sự nóng lên toàn cầu đến 1,5 độ C so với 2 độ C sẽ giảm tác động đến hệ sinh thái, sức khỏe con người để dễ dàng đạt được mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.

Đinh Luyện

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/chu-dong-ung-pho-voi-bien-doi-khi-hau-81193.html