Chủ động ứng phó dịch tả lợn châu Phi

Mới đây, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã chính thức thông tin việc phát hiện có 8 ổ dịch tả lợn châu Phi tại tỉnh Hưng Yên và Thái Bình. Thông tin này đã khiến không ít người lo ngại về các sản phẩm từ thịt lợn và thắc mắc liệu dịch tả lợn châu Phi có khả năng lây nhiễm sang người hay không?

Thường xuyên vệ sinh chuồng trại để chống dịch bệnh trên đàn lợn. Ảnh: Thu An.

Thường xuyên vệ sinh chuồng trại để chống dịch bệnh trên đàn lợn. Ảnh: Thu An.

Phát hiện virus gây bệnh

Thông tin về dịch tả lợn châu Phi (African Swine Ferver - ASF), Cục Thú y cho biết, tại thành phố Hưng Yên (tỉnh Hưng Yên), đã phát hiện virus gây bệnh ASF tại 2 hộ chăn nuôi là hộ ông Dương Văn Vũ (đội 5, thôn Đào Đặng, xã Trung Nghĩa, TP Hưng Yên) và hộ ông Lê Xuân Tình (thôn Khóa Nhu 2, xã Yên Hòa, Yên Mỹ).

Ngay khi nhận được thông tin, Bộ NNPTNT đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của Trung ương, địa phương và chính quyền các cấp của địa phương thực hiện tiêu hủy toàn bộ 33 con lợn của hộ ông Dương Văn Vũ và 101 con lợn của hộ ông Lê Xuân Tình; tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng liên tục khu vực hộ có dịch, đường ra vào ổ dịch và các khu vực có nguy cơ cao.

Ngành NNPTNT tỉnh Hưng Yên đã khẩn cấp thành lập chốt kiểm dịch, quản lý chặt chẽ việc vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ sản phẩm thịt lợn vùng có dịch; tổng rà soát tình hình các đàn lợn trên địa bàn xã và các địa phương khác trên địa bàn. Tổ chức lấy mẫu để xét nghiệm các hộ chăn nuôi lợn xung quanh hộ có dịch. Sau khi xét nghiệm, tại địa bàn lân cận hộ chăn nuôi của gia đình ông Vũ cho kết quả âm tính. Riêng đàn lợn tại khu vực lân cận gia đình ông Tình đang chờ kết quả xét nghiệm.

Tại tỉnh Thái Bình, đã phát hiện có 6 hộ chăn nuôi ở 4 thôn thuộc xã Đông Đô, huyện Hưng Hà có bệnh tả lợn châu Phi. Đến thời điểm này, 123 con lợn của các hộ chăn nuôi đã bị tiêu hủy hoàn toàn. Cơ quan thú y và chính quyền địa phương đã thực hiện tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng liên tục khu vực hộ có dịch, đường ra vào ổ dịch và các khu vực có nguy cơ cao; thành lập chốt kiểm dịch, quản lý chặt chẽ việc vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ sản phẩm thịt lợn vùng có dịch; tổng rà soát tình hình các đàn lợn trên địa bàn xã và các địa phương khác trên địa bàn. Đáng mừng là sau khi tổ chức lấy mẫu để xét nghiệm các hộ chăn nuôi lợn xung quanh hộ có dịch, kết quả đều âm tính.

Không nên hoang mang

Trước lo lắng của người dân về tình hình dịch tả lợn châu Phi mới xuất hiện, ông Phạm Văn Đông - Cục trưởng Cục Thú y khẳng định: Dịch tả lợn châu Phi không lây sang người nên người tiêu dùng không nên lo lắng khi sử dụng các sản phẩm thịt lợn. Tuy nhiên, để ngăn ngừa phát tán mầm bệnh ra ngoài môi trường làm lây lan dịch bệnh trên đàn lợn trong nước, người tiêu dùng cần lựa chọn những sản phẩm có đầy đủ truy xuất nguồn gốc xuất xứ.

Thông tin thêm về dịch tả lợn Châu Phi, ông Đông cho biết, bệnh tả lợn châu Phi (ASF) là một bệnh mới trong khu vực nên thông tin cần hết sức thận trọng. Bệnh tả lợn châu Phi là bệnh có cơ chế lây qua đường tiếp xúc với máu, dịch nhầy của lợn bệnh. Biểu hiện lợn mắc bệnh là sốt rất cao, chết từ từ chứ không chết ồ ạt như các loại bệnh lây qua đường hô hấp. Bệnh này hiện không có thuốc chữa, lợn mắc bệnh có tỷ lệ chết 100% ở tất cả các loại lợn con, lợn choai, lợn thịt. Cục Thú y đã lấy hàng trăm mẫu phân tích đối với các đàn lợn ở khu vực xung quanh ổ dịch được phát hiện và đang chờ kết quả chính thức.

“Chúng tôi phải lấy mẫu xét nghiệm tại nhiều phòng thí nghiệm, tham vấn quốc tế sau đó mới khẳng định đây là mầm bệnh mới. Khi xảy ra các ổ dịch, ngay lập tức chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn đã vào cuộc quyết liệt. Trước hết, ngăn chặn ngay việc bán chạy lợn”- ông Đông cho hay.

Theo Tổ chức Thú y thế giới (OIE), bệnh tả lợn châu Phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra, bệnh có đặc điểm lây lan nhanh trên loài lợn; bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi và mọi loại lợn, tỷ lệ chết cao, lên đến 100%. Thống kê của OIE, tính từ năm 2017 đến ngày 18/2/2019, đã có 20 quốc gia báo cáo bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP). Tổng cộng đã có hơn một triệu con lợn buộc phải tiêu hủy. Tại Trung Quốc, từ ngày 3/8/2018 đến ngày 18/2, đã có 105 ổ dịch xuất hiện tại 25 tỉnh (trong đó có nhiều ổ dịch xảy ra tại tỉnh Vân Nam và Quảng Đông gần biên giới với Việt Nam). Tổng cộng đã có hơn 950.000 con lợn các loại buộc phải tiêu hủy.

Trước tình hình dịch bệnh tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan nhanh trên diện rộng, Cục Thú y khuyến cáo: Người dân không bán chạy và giết mổ, vận chuyển lợn bệnh, nghi bệnh. Khi xuất hiện bệnh, cần báo cho chính quyền địa phương và cơ quan thú y cơ sở để kịp thời giám sát ổ dịch, vì hiện nay, dịch mới xuất hiện ở một số hộ chăn nuôi và một số xã. Dịch bệnh không lây sang người, do vậy, Cục Thú y đề nghị người chăn nuôi và người dân không nên hoang mang, chủ động phòng bệnh bằng cách rắc vôi bột các lối ra vào chuồng nuôi; kiểm soát chặt chẽ người ra vào cơ sở và cần mua lợn giống ở các cơ sở uy tín, có kiểm dịch.

Xuân Thủy

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/cac-benh-dich/chu-dong-ung-pho-dich-ta-lon-chau-phi-tintuc430173