Chủ động ứng dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi

Nhằm nâng cao năng suất, đáp ứng nhu cầu của thị trường, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thời gian qua, ngành NN&PTNT tỉnh đã triển khai nhiều ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa giống vật nuôi mới vào sản xuất, lưu giữ các giống bản địa.

Mô hình chăn nuôi gà râu của gia đình anh Hoàng Văn Điện, thôn 4, xã Quảng Chính, huyện Hải Hà cho hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình chăn nuôi gà râu của gia đình anh Hoàng Văn Điện, thôn 4, xã Quảng Chính, huyện Hải Hà cho hiệu quả kinh tế cao.

Gà râu Hải Hà có nguồn gốc từ đảo Cái Chiên, được lưu truyền từ đời này sang đời khác bằng cách để giống theo phương thức truyền thống. Điểm khác biệt so với các giống gà khác bắt nguồn từ đặc điểm ngoại hình của nó. Khi lớn, phía bên dưới mỏ mọc ra một cụm lông dài rủ xuống, trông như một chùm râu. Nhỏ con, chân thấp, da vàng, xương nhỏ, thịt thơm ngon, gà râu là một đặc sản của địa phương, rất được ưa chuộng, giá dao động từ 150.000-170.000 đồng/kg.

Nhận thấy tiềm năng của giống gà râu, từ năm 2013 gia đình anh Hoàng Văn Điện (thôn 4, xã Quảng Chính, huyện Hải Hà) đã ra đảo Cái Chiên mua một số con gà bản địa về chăm sóc, nuôi dưỡng, nhân giống.

Được sự hướng dẫn của địa phương, anh đã chủ động đăng ký tham gia chương trình OCOP của tỉnh với sản phẩm "Gà râu Hiền Điện". Để nâng cao giá trị sản phẩm, anh tìm hiểu, học thêm các kỹ thuật phối giống, đầu tư máy móc, thiết bị ấp trứng nhân tạo để tạo ra giống gà thuần chủng. Không chỉ mở rộng đàn gà lớn nhất huyện lên tới hàng nghìn con, gia đình anh còn cung cấp giống cho các hộ khu vực xung quanh.

Anh Điện cho biết: Gà râu Hải Hà là giống gà bản địa có sức đề kháng tốt, thịt thơm ngon, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng, thị trường ổn định, giá bán cao. Ước tính, mỗi năm gia đình anh xuất bán từ 3.000-5.000 con gà râu, thu lãi hàng trăm triệu đồng.

Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, nhất là trong tình hình dịch tả lợn châu Phi còn diễn biến phức tạp, việc phát triển vật nuôi đặc sản địa phương có ý nghĩa quan trọng. Năm 2020, Trung tâm Khuyến nông (Sở NN&PTNT) đã hỗ trợ 2.400 con gà giống cho 8 hộ nuôi ở xã đảo Cái Chiên; đồng thời hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, nuôi vỗ béo và sinh sản. Huyện đang đề nghị các đơn vị liên quan nghiên cứu phục hồi, lưu giữ nguồn gen gốc, nhân giống và phát triển gà râu Hải Hà.

Mô hình chăn nuôi đà điểu của hộ ông Nguyễn Minh Ngọc (khu 4, phường Xuân Sơn, TX Đông Triều) sẽ được nhân rộng trong thời gian tới.

Sau nhiều năm kiên trì nuôi thử quy mô đàn nhỏ, nhận thấy kỹ thuật nuôi đà điểu không khó, phù hợp với điều kiện đất đai của gia đình, trong khi nhu cầu tiêu thụ thịt thương phẩm đà điểu lớn, tháng 5/2019, hộ anh Nguyễn Minh Ngọc (khu 4, phường Xuân Sơn, TX Đông Triều) đã đầu tư mua 100 con đà điểu, trị giá gần 300 triệu đồng, về nhân rộng đàn nuôi; đồng thời chủ động nuôi sinh sản lấy trứng. Dự kiến đến đầu năm 2021, đà điểu sẽ đẻ những mẻ trứng đầu tiên, ấp nở thành con giống, hứa hẹn mở ra hướng đi mới giúp địa phương chủ động nguồn giống đà điểu để nhân rộng. Đây là mô hình nuôi đà điểu sinh sản quy mô lớn nhất và đầu tiên của tỉnh đến thời điểm này.

Anh Ngọc cho biết: Nuôi đà điểu nhàn hơn bởi sức đề kháng tốt, dễ thích nghi, thức ăn cho đà điểu tương đối đơn giản. Sau hơn 7 tháng nuôi, trọng lượng đà điểu đạt từ 70-80kg/con, tăng 60-70kg/con so với lúc đầu nuôi. Nếu nuôi thương phẩm, xuất chuồng khoảng 10-12 tháng, nuôi sinh sản lấy trứng khoảng 24-30 tháng, thu lãi khoảng 5 triệu đồng/con (100.000-110.000 đồng/kg hơi).

Hiệu quả từ nuôi đà điểu, TX Đông Triều đã quyết định lựa chọn mô hình này để hỗ trợ phát triển sản xuất, nhằm chủ động tạo nguồn con giống đà điểu cung cấp nhu cầu nuôi cho các hộ trên địa bàn. Bên cạnh được hỗ trợ 70% kinh phí mua con giống, 50% kinh phí mua thức ăn, thị xã còn hướng dẫn kỹ thuật nuôi, chăm sóc giống đà điểu. Từ mô hình của anh Ngọc, thời gian tới Đông Triều sẽ nhân rộng việc nuôi đà điểu trên địa bàn thị xã.

Cùng với đó, thời gian qua ngành NN&PTNT tỉnh triển khai nhiều ứng dụng khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực chăn nuôi, như: Sử dụng đệm lót sinh học, thụ tinh nhân tạo cho gà Tiên Yên; phục tráng giống lợn Móng Cái... Qua đó, góp phần tăng giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Cao Quỳnh

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/khoa-hoc-cong-nghe/202011/chu-dong-ung-dung-khoa-hoc-ky-thuat-trong-chan-nuoi-2509851/