Chủ động trước 'nguy cơ kép'

Sau những ngày nắng hạn kéo dài, cơn bão số 2 đổ bộ vào địa bàn Thanh Hóa cuối tuần trước đã chính thức 'thông báo' mùa mưa bão năm nay đã bắt đầu.

(Ảnh minh họa)

Đây là thử thách không hề nhỏ khi đặt chúng ta vào hoàn cảnh cùng lúc phải căng mình để ứng phó trên cả hai mặt trận, vừa phòng, chống dịch bệnh COVID-19, vừa phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn.

Chủ động kịch bản ứng phó với bão, lũ, đáp ứng các điều kiện về nhân lực, phương tiện, vật tư, thuốc men, nhu yếu phẩm theo phương châm “bốn tại chỗ” và “ba sẵn sàng” là hết sức cần thiết lúc này, tuy nhiên đây là điều không hề dễ.

Thời gian qua bão, lũ đã gây ra hậu quả nghiêm trọng ở nhiều địa phương, trong đó ghi nhận có nguyên nhân từ sự chủ quan của con người. Dù cơ quan chức năng đã đưa ra phương án, biện pháp di dời, ngăn chặn nhằm giảm thiểu rủi ro, nhưng sự vào cuộc có phần chậm trễ của một số địa phương cũng như thiếu hợp tác của người dân ở một số khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét, vỡ đê, nhất là quanh các hồ chứa, nên kết quả đã chưa như mong muốn.

Tại Thanh Hóa, thời gian qua lũ lụt đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản ở một số địa bàn miền núi, tuy nhiên hiện nay vẫn còn những khu dân cư ở ven sông, suối, vách núi tiềm ẩn nguy cơ cao bị lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đá...

Ngoài ra còn có nhiều hộ dân đang canh tác, tạm cư quanh một số hồ, đập cũng tiềm ẩn nguy cơ rất lớn. Theo thống kê, trên địa bàn Thanh Hóa có 131 hồ, đập đã xuống cấp, có nguy cơ trở thành “bom nước” bất cứ lúc nào.

Một nguy cơ khác là có nhiều ngư dân thường bất chấp nguy hiểm để ra khơi trong mưa, bão bởi họ quan niệm đây là thời điểm khai thác hiệu quả.

Những nguy cơ lớn do biến động thời tiết cực đoan và cả những nguy cơ nhỏ từ sự chủ quan của một bộ phận người dân đang góp phần tạo nên bức tranh đầy lo lắng khi mùa bão, lũ về.

Tháng 8 và 9 là cao điểm của thiên tai, cũng là thời điểm cả nước đang phải gồng mình chống đỡ dịch bệnh COVID-19. “Khó khăn kép” chưa có tiền lệ đang đặt ra thử thách lòng người. Bên cạnh trang bị kiến thức, kỹ năng để người dân chủ động ứng phó với thiên tai, cần sự vào cuộc đồng bộ và quyết liệt của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng. Trong trường hợp cần thiết phải sử dụng các biện pháp mạnh để di dời người dân ra khỏi các vùng có nguy cơ cao và ngăn chặn từ sớm, từ xa những việc làm cố tình gây mất an toàn tính mạng và tài sản.

Bài học từ bão, lũ chưa bao giờ là cũ cả, luôn đặt ra, thôi thúc chúng ta phải chủ động, đề cao cảnh giác. Người dân cần thay đổi nhận thức, từ bỏ những thói quen xấu hay lợi ích nhỏ từ sinh kế trước mắt, phối hợp có trách nhiệm hơn với các cơ quan chức năng để cùng chung tay giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra cho cộng đồng là điều cần lắm lúc này để tránh nguy cơ chúng ta có thể bị rơi vào tình trạng “khó khăn kép”.

Tuệ Vũ

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/chu-dong-truoc-nguy-co-kep/122590.htm