Chủ động triển khai toàn diện, hiệu quả chính sách đối ngoại quốc phòng

Chính sách đối ngoại quốc phòng (ĐNQP) gồm tổng thể các quan điểm, sách lược, kế hoạch, lộ trình trong khuôn khổ quan hệ quốc phòng với các nước, các tổ chức quốc tế trong khu vực và trên thế giới.

Chính sách ĐNQP đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt của Đảng, là bộ phận quan trọng trong tổng thể công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta. Chính sách ĐNQP luôn được bổ sung, phát triển cùng với quá trình thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đối ngoại, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Bước vào thời kỳ đổi mới, hoạt động ĐNQP luôn được tổ chức và triển khai thực hiện đúng định hướng, linh hoạt, sáng tạo, có trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả, đặc biệt là thực hiện Nghị quyết Trung ương 8, khóa IX về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tập trung nghiên cứu, phân tích, đánh giá, chủ động dự báo chiến lược, kịp thời tham mưu cho Đảng, Nhà nước những chủ trương, đối sách đúng đắn về quân sự, quốc phòng, không để đất nước bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

Hoạt động ĐNQP ở các cấp đáp ứng ngày càng tốt hơn các yêu cầu hợp tác về quốc phòng, an ninh (QPAN) ngày càng cao và đa dạng trong quá trình mở cửa hội nhập quốc tế. Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ quốc phòng với hơn 80 nước, đặt cơ quan tùy viên quốc phòng tại hơn 30 nước, có 45 nước đặt cơ quan tùy viên quốc phòng tại Việt Nam. Qua hợp tác và đấu tranh, chúng ta đã tăng cường hiệu quả hợp tác, giải quyết được nhiều bất đồng, giảm sự nghi kỵ, tăng cường hữu nghị, tin cậy lẫn nhau, nhất là với các nước láng giềng, với các cường quốc và bạn bè truyền thống…

Kết quả hoạt động ĐNQP là nhân tố hết sức quan trọng tạo niềm tin chiến lược với các nước, các tổ chức trên thế giới, thiết thực góp phần bảo vệ Tổ quốc từ xa, hình thành thế chiến lược bảo vệ Tổ quốc, thúc đẩy xu thế hòa bình, hợp tác phát triển, tạo thuận lợi cho việc thực hiện các nhiệm vụ xây dựng đất nước.

Trong giai đoạn hiện nay và những năm tới, tình hình quốc tế và khu vực tiếp tục có những biến động nhanh, phức tạp; một số vấn đề liên quan khó dự báo. Nhiệm vụ của hoạt động ĐNQP cần phải hiện thực hóa đường lối, quan điểm, chính sách đối ngoại được nêu trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng: “Bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia-dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng cùng có lợi, thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”.

Cùng với thực hiện mục tiêu nhiệm vụ trên, hoạt động ĐNQP phải nhằm góp phần giới thiệu, quảng bá để bạn bè quốc tế hiểu biết ngày càng sâu rộng hơn tính chất quốc phòng của Việt Nam là “hòa bình, tự vệ, chính nghĩa”; về truyền thống lịch sử dựng nước và giữ nước, nền văn hóa, đất nước, con người Việt Nam… Đây là ưu thế lớn, có sức lan tỏa và là “sức mạnh mềm” từ chính sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng.

ĐNQP luôn gắn bó mật thiết với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế của Đảng và Nhà nước ta. Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: “Chủ động, tích cực tham gia các cơ chế đa phương về QPAN, trong đó có việc tham gia hoạt động hợp tác gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, diễn tập về an ninh phi truyền thống và các hoạt động khác”.

Từ định hướng cơ bản nêu trên, ĐNQP sẽ tiếp tục phát triển và ngày càng có vai trò quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Để thực hiện tốt ĐNQP, trước hết cần thực hiện nhất quán chính sách quốc phòng độc lập, tự chủ; xây dựng sức mạnh quốc phòng dựa trên sức mạnh tổng hợp của cả nước, của khối đại đoàn kết toàn dân, của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng. Chú trọng phát triển quan hệ quốc phòng với tất cả các nước trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau, cùng có lợi.

Về thực hiện chính sách ưu tiên, luôn coi trọng hợp tác quốc phòng với các nước láng giềng, các nước lớn và bạn bè truyền thống, không phân biệt chế độ chính trị hay lịch sử quan hệ. Trong đó, tập trung giải quyết các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên đất liền, trên biển, do lịch sử để lại hoặc mới nảy sinh bằng biện pháp hòa bình. Cùng với việc tiếp tục tìm kiếm giải pháp lâu dài, thông qua hoạt động ĐNQP để các bên tự kiềm chế, nghiêm chỉnh thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), hướng tới xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), nhằm đạt được giải pháp công bằng lâu dài, để Biển Đông luôn là vùng biển hòa bình, hữu nghị và phát triển.

Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc phòng với các nước ASEAN trong khuôn khổ chương trình xây dựng Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN và phù hợp với quan hệ song phương với từng nước theo hướng mở rộng chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, tăng cường hợp tác đào tạo, diễn tập sa bàn, thiết lập đường dây nóng, phối hợp xử lý các vấn đề an ninh mà các bên cùng quan tâm.

Việt Nam phát huy tinh thần là thành viên có trách nhiệm cao, chủ động, tích cực tham gia các cơ chế hợp tác đa phương với các nước ASEAN trong lĩnh vực QPAN, như: Hội nghị quốc phòng các nước ASEAN ở tất cả các cấp; trao đổi kinh nghiệm về xây dựng quốc phòng, đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, chống khủng bố, các hoạt động nhân đạo và phòng, chống thiên tai… Cùng với đó, tích cực tham gia diễn tập đa phương tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên Biển Đông; tham gia lực lượng Gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc đạt kết quả cao, qua đó tạo dựng hình ảnh, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Tiếp tục mở rộng ĐNQP ở các cấp độ khác nhau với các nước, các tổ chức để Việt Nam và các nước hiểu rõ quan điểm của nhau, tạo cơ hội giải quyết các vấn đề có liên quan của các bên. Chủ động xây dựng lộ trình quan hệ với từng đối tác tương thích, phù hợp với tình hình quốc tế, khu vực, điều kiện và khả năng của Việt Nam trong từng nội dung, hình thức quan hệ, như: Đối thoại chiến lược, trao đổi các đoàn quân sự cấp cao, giao lưu sĩ quan trẻ, hợp tác giữa các nhà trường, các viện nghiên cứu quốc phòng của các nước; tổ chức chặt chẽ các hoạt động hợp tác về đào tạo cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật, về chuyển giao khoa học-công nghệ vũ khí và trang bị quân sự… Cùng với đó, thúc đẩy các hoạt động đối ngoại về chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật… của đất nước, phục vụ đắc lực công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chúng ta tiếp tục mở rộng không gian hợp tác về quốc phòng, khẳng định Việt Nam là quốc gia có trách nhiệm, tin cậy, luôn gắn kết chặt chẽ lợi ích cam kết với từng đối tác. Tăng cường trao đổi thông tin, kinh nghiệm liên quan đến lĩnh vực quân sự, quốc phòng; tập trung nghiên cứu nắm bắt và hiểu biết ngày càng sâu hơn về đối tác, đối tượng; chủ động phòng ngừa, giảm tiêu cực trong quá trình hội nhập quốc tế. Đẩy mạnh nghiên cứu dự báo chiến lược, phát huy tốt chức năng tham mưu, xây dựng đối sách phù hợp, kịp thời cung cấp thông tin, đề xuất phương án xử lý, không để đất nước bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Không ngừng đổi mới công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại về đất nước, con người và Quân đội nhân dân Việt Nam, về các hoạt động ĐNQP; chủ động cảnh giác phòng ngừa và kiên quyết đấu tranh với các ý đồ xấu vu cáo, xuyên tạc sự thật; hành động xâm hại đến độc lập, chủ quyền, lợi ích của quốc gia.

Trong bối cảnh, tình hình hiện nay, Việt Nam càng coi trọng kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh của lực lượng quân sự và thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân; phát triển kinh tế-xã hội gắn với củng cố, tăng cường quốc phòng; đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững… Đó là những cơ sở, tiền đề hết sức quan trọng thúc đẩy, tăng cường ĐNQP ngày càng thực chất, hiệu quả.

Đại tá DƯƠNG VĂN THỰC

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thuc-hien-hieu-qua-nghi-quyet-trung-uong-iv-khoa-xii-cua-dang/chu-dong-trien-khai-toan-dien-hieu-qua-chinh-sach-doi-ngoai-quoc-phong-553329