Chủ động tổ chức lực lượng chặn địch

Năm 1947, sớm dự đoán âm mưu của thực dân Pháp sẽ đánh lên Việt Bắc, sau đó mở rộng đánh phá ra cả nước, Trung ương Đảng và Chính phủ, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo quân và dân Việt Bắc chuẩn bị mọi mặt, trong đó tập trung xây dựng LLVT của các khu trên địa bàn Việt Bắc. Ngay từ Hội nghị quân sự toàn quốc lần thứ 3 (6-1947), Đảng ta đã xác định cần củng cố LLVT, trong đó điều động bộ đội tăng cường cho các đơn vị chủ lực của khu.

Bố trí sẵn thế trận

Nhận thấy khả năng quân Pháp tiến công lên Việt Bắc ngày càng gần, Thường vụ Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Tổng chỉ huy, trực tiếp là Khu ủy và Bộ chỉ huy các khu: 1, 12, 10 chỉ đạo tổ chức chuẩn bị mọi mặt, trong đó thực hiện “vườn không nhà trống”, nhằm tránh các cuộc càn quét, đánh phá, cướp bóc của địch; chủ động phá các công trình kiên cố, cầu đường, đắp ụ chống xe tăng; làm các trận địa giả, trận địa nghi binh lừa địch; cắm chông tre, chông sào ở những khu vực trống trải đề phòng địch nhảy dù; đồng thời tổ chức tuần tra, canh gác những khu vực có các cơ quan lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, các nhà máy, kho tàng, hỗ trợ các cơ quan di chuyển ra vùng an toàn.

Cán bộ Bộ chỉ huy chiến dịch thị sát tình hình trong Chiến dịch Việt Bắc Thu-Đông 1947. Ảnh tư liệu

Nhằm ngăn chặn quân Pháp đánh lên Việt Bắc, ta tổ chức bố trí lực lượng gồm các đơn vị chủ lực khu đảm nhiệm ở từng địa bàn trọng điểm thuộc vùng nội và ngoại vi của Việt Bắc. Trung đoàn 121 (Thái Nguyên-Phúc Yên) bố trí xung quanh thị xã Thái Nguyên và dọc phía đông Đường số 3, sẵn sàng đánh địch tiến công vào thị xã và dọc Đường số 3 lên. Trung đoàn 72 (Bắc Kạn), bố trí quanh thị xã và Phú Lương, sẵn sàng đánh địch trên Đường số 3 đến Bắc Kạn. Trung đoàn 74 (Cao Bằng) bố trí xung quanh thị xã, sẵn sàng đánh địch trên Đường số 4, từ Đông Khê lên thị xã Cao Bằng và Cao Bằng về Bắc Kạn. Trung đoàn 28 (Lạng Sơn) có nhiệm vụ đánh địch từ Đồng Đăng lên Na Sầm, Thất Khê và từ Lạng Sơn về Đồng Mỏ, đánh địch trong thị xã Lạng Sơn… Ở những tỉnh lân cận, ta cũng bố trí các đơn vị vũ trang tập trung, sẵn sàng phối hợp với quân và dân Việt Bắc đánh địch.

Chuyển hóa lực lượng, thế trận khi cần thiết

Nhờ chuẩn bị về lực lượng và thế trận tác chiến trên các địa bàn trọng yếu ở nội và ngoại vi của Việt Bắc, ngay từ những ngày đầu quân Pháp tiến công lên Việt Bắc (từ ngày 7 đến 10-10-1947), quân và dân ta đã kịp thời chiến đấu ngăn chặn. Qua thực tiễn tuần đầu đánh địch, ta nhận thấy, trước đối tượng tác chiến mạnh hơn, ta tập trung các trung đoàn chủ lực khó có thể đánh tiêu diệt lớn quân địch. Trên cơ sở đó, Trung ương Đảng và Bộ Tổng chỉ huy xác định phải chuyển hóa lực lượng, điều chỉnh các trung đoàn chủ lực thành hai lực lượng: Đại đội độc lập và tiểu đoàn tập trung. Theo phương hướng đó, Bộ Tổng chỉ huy chỉ đạo phân tán các trung đoàn chủ lực của bộ và các khu: 1, 10, 12 tổ chức thành 30 đại đội độc lập bố trí ở các huyện trọng điểm; đồng thời, triển khai khoảng 20 tiểu đoàn bộ binh, pháo binh tập trung trên ba mặt trận (sông Lô-Đường số 2; Đường số 3 và Đường số 4), hình thành thế trận phản công địch. Kịp thời điều chỉnh các trung đoàn chủ lực thành hai lực lượng để đánh địch không phải là “bước lùi” về quy mô tổ chức, mà là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, thể hiện sự chỉ đạo linh hoạt, sáng tạo về hình thức tổ chức lực lượng phù hợp với khả năng tổ chức và trình độ tác chiến của bộ đội ta trên chiến trường Việt Bắc. Trải qua hơn hai tháng liên tục chiến đấu, ta tổ chức, sử dụng lực lượng các đại đội độc lập hỗ trợ dân quân, du kích đẩy mạnh hoạt động ở nhiều nơi, tiêu hao một bộ phận sinh lực địch. Đặc biệt, ta tổ chức, sử dụng lực lượng các tiểu đoàn tập trung đánh nhiều trận, điển hình là các trận Khoan Bộ (23-10), Đoan Hùng (24-10), Bông Lau-Lũng Phầy (30-10), La Hoàng (2-11), Khe Lau (10-11), Phủ Thông (30-11), Đèo Giàng (15-12-1947)… giành thắng lợi lớn, góp phần vào chiến thắng oanh liệt của quân và dân ta đánh bại hoàn toàn chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh” của địch, giữ vững Việt Bắc-căn cứ địa cách mạng và cơ quan đầu não kháng chiến của cả nước.

Những kinh nghiệm về nghệ thuật quân sự Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nói chung, nghệ thuật chỉ đạo, tổ chức lực lượng tác chiến trong Chiến dịch Việt Bắc Thu-Đông 1947 nói riêng là tài sản vô giá cần được quý trọng, tiếp tục nghiên cứu nghiêm túc, thấu đáo cả về lý luận và thực tiễn. Trên cơ sở đó vận dụng việc chỉ đạo, tổ chức, sử dụng lực lượng tác chiến một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với từng đối tượng và loại hình tác chiến chiến lược, chiến dịch. Chú trọng vào việc tổ chức, sử dụng các LLVT trong tác chiến bảo đảm hợp lý, trong đó cần lấy lực lượng chủ lực cơ động của bộ và chủ lực các quân khu làm nòng cốt trong đánh tiêu diệt; lấy lực lượng dân quân tự vệ để đánh tiêu hao, phân tán lực lượng địch trong thế trận chiến tranh nhân dân phát triển ở trình độ cao.

Đại tá, TS DƯƠNG ĐÌNH LẬP

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/chu-dong-to-chuc-luc-luong-chan-dich-517957