Chủ động tìm hiểu để có biện pháp phòng tránh ô nhiễm không khí

Trong những ngày qua, chỉ số ô nhiễm không khí ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh tăng cao, trở thành vấn đề nóng được nhiều người dân quan tâm. Các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân cần chủ động tìm hiểu và có những biện pháp phòng tránh để giảm thiểu tác hại đến sức khỏe.

Tình trạng ô nhiễm khói bụi tại Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Tình trạng ô nhiễm khói bụi tại Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Chỉ số ô nhiễm không khí tăng cao
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ô nhiễm không khí gây ra 7 triệu ca tử vong sớm mỗi năm. Số liệu thống kê của Liên hợp quốc cũng cho thấy, mỗi giờ có khoảng 800 ca tử vong do ô nhiễm không khí, trung bình 13 người tử vong mỗi phút, gấp ba lần số tử vong vì sốt rét, bệnh lao và AIDS mỗi năm. Cũng theo WHO, Việt Nam có 34.232 người tử vong sớm có liên quan đến ô nhiễm không khí.
Cụ thể, chỉ số chất lượng không khí (AQI - ứng dụng Air Quality Index đo chỉ số ô nhiễm không khí và mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe của con người) tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh những ngày gần đây tăng khá cao, dao động từ 100 đến 200. Riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh, kết quả quan trắc 30 vị trí môi trường trong tháng 9-2019 cho thấy có sự gia tăng đột biến của các chất ô nhiễm như bụi lơ lửng, NO2, SO2, CO... trong các ngày 18 đến 20-9-2019.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do đô thị hóa, dân số tăng nhanh, nhất là mật độ xây dựng, lượng phương tiện giao thông tăng đột biến. Về nguồn gây ô nhiễm không khí, chủ yếu từ các nguồn tại chỗ, như hoạt động giao thông, xây dựng, sản xuất công nghiệp, đốt rơm rạ, đốt rác và một số nguồn vận chuyển từ xa. Ô nhiễm không khí ở Hà Nội thường tăng cao vào giờ cao điểm, từ 60% đến 70% bụi mịn do ô tô, xe máy thải ra.
Theo ông Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế), không khí ô nhiễm sẽ làm ảnh hưởng đến các cơ quan tiếp xúc như mắt, cơ quan hô hấp, da… Qua việc tiếp xúc với chất ô nhiễm, sẽ làm thấm nhiễm vào trong máu, vào các cơ quan cơ thể, gây ra những bệnh lâu dài. Ô nhiễm không khí không những ảnh hưởng tới sức khỏe con người mà còn tác động tới quá trình điều trị của các bệnh nhân, khiến bệnh tình nặng hơn, kéo dài thời gian điều trị. Vẫn theo ông Hải, ô nhiễm không khí là tình trạng các chất lạ xuất hiện trong không khí. Nhưng hiện nay, mọi người mới chỉ quan tâm phần vật lý, tức là kích thước hạt bị ảnh hưởng trong không khí, nhưng tính chất của ô nhiễm không khí hoàn toàn khác nhau. Ở miền núi hay có những màn sương, chất lượng không khí không tốt nhưng không ảnh hưởng sức khỏe. Trong khi đó, ở những khu công nghiệp, màn sương bụi hoàn toàn khác, sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Ở môi trường bệnh viện cũng mang tính chất hoàn toàn khác, vì phải xem trong hạt bụi có vấn đề vi sinh không. Vì thế, phải kiểm soát hạt bụi mang chất ô nhiễm nào mới có sự lo lắng và tìm giải pháp phù hợp.
Ông Đỗ Mạnh Cường, Phó trưởng Phòng Quản lý sức khỏe môi trường và hóa chất, Cục Quản lý Môi trường Y tế cho biết, trung bình mỗi người cần 10.000 lít không khí để thở mỗi ngày. Do đó khi chất lượng không khí không bảo đảm có thể gây hàng loạt bệnh tật về đường hô hấp, tim, ung thư…
Tuy nhiên, không phải ai cũng mắc bệnh khi sống trong môi trường bị ô nhiễm vì mỗi người có hệ miễn dịch, chức năng đào thải của cơ thể. Trong những ngày không khí bị ô nhiễm, những người mắc bệnh phổi mạn tính, hen suyễn và các bệnh phổi khác sẽ có nguy cơ cao hơn. Đáng lưu ý, đối tượng trẻ nhỏ thường có sức đề kháng kém. Khi hít phải các chất bụi, hoặc khói trong không khí sẽ dễ bị tổn thương niêm mạc và mắc các bệnh viêm nhiễm ở đường hô hấp.
Tăng cường các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí
Để hạn chế sự gia tăng ô nhiễm không khí, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch Hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Kế hoạch đề ra mục tiêu tổng quát là hướng tới tăng cường công tác quản lý chất lượng không khí thông qua kiểm soát nguồn phát sinh khí thải; giám sát chất lượng không khí xung quanh nhằm cải thiện chất lượng môi trường không khí và bảo đảm sức khỏe cộng đồng.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã xây dựng Kế hoạch kiểm soát ô nhiễm không khí; đồng thời, hoàn thiện các văn bản pháp luật. Đặc biệt, Bộ đã tăng cường các nguồn lực tài chính, đa dạng hóa các nguồn đầu tư, tăng cường kinh phí cho quản lý môi trường không khí. Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động quan trắc, kiểm kê khí thải, kiểm soát môi trường không khí tại các đô thị và các khu công nghiệp...
Hiện tại, thành phố Hà Nội đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm giảm ô nhiễm môi trường không khí. Điển hình là Dự án đầu tư hệ thống mạng quan trắc môi trường trên địa bàn đến năm 2020, với quy mô 20 trạm quan trắc không khí. Dự kiến đến năm 2030, toàn thành phố có 50 trạm quan trắc. Ðây là một trong những nỗ lực góp phần xây dựng hệ thống dữ liệu đầy đủ, toàn diện và liên tục, là cơ sở khoa học đánh giá chính xác thực trạng chất lượng môi trường không khí của Hà Nội. Ðồng thời, là cơ sở để các cơ quan quản lý môi trường hoạch định và đề xuất các chính sách cải thiện chất lượng môi trường sống của người dân.
Để quản lý, kiểm soát chất lượng không khí đạt hiệu quả, các chuyên gia cho biết, thời gian tới, Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan, chính quyền địa phương cần tiếp tục rà soát, ban hành, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, pháp luật, nhất là xây dựng quy định đối với môi trường không khí. Tăng cường kiểm soát, hạn chế các nguồn gây ô nhiễm bụi trên địa bàn như các công trình xây dựng; tăng mật độ cây xanh trong đô thị, mở rộng công viên; tăng cường phương tiện giao thông công cộng như: xe buýt, xe điện trên cao, xe điện ngầm và hình thức giao thông không gây ô nhiễm... Cùng với đó, cần tuyên truyền, phổ biến kiến thức về chất lượng môi trường không khí đối với sức khỏe đến cộng đồng.
Chủ động phòng tránh
Để phòng ngừa các bệnh lý cũng như tác hại do ô nhiễm không khí gây ra, các chuyên gia y tế khuyến cáo, cần phải nắm được thông tin về mức an toàn trong không khí để có kế hoạch phòng vệ cho bản thân. Trong những ngày ô nhiễm không khí nguy hại, người dân đặc biệt trẻ em và phụ nữ có thai, người lớn tuổi, hạn chế ra đường hay tham gia các hoạt động ngoài trời.
Nếu có nhu cầu ra ngoài cần đeo khẩu trang để ngăn ngừa khói bụi trong không khí. Các chuyên gia lưu ý, khẩu trang thông thường như khẩu trang vải, khẩu trang y tế không thể lọc được bụi mịn mà chỉ hạn chế 30%-40% lượng bụi. Để ngăn được bụi mịn, cần sử dụng khẩu trang chuyên dụng như N95 hoặc N99. Trường hợp chỉ có khẩu trang y tế, người dân cần lồng hai chiếc vào nhau hoặc lót kèm khăn giấy bên trong để ngăn bụi. Khi về nhà, cũng nên rửa mặt, rửa mũi để giảm thời gian hạt bụi tiếp xúc trên đường hô hấp và trên da. Đồng thời, người dân nhớ nhỏ mắt, mũi bằng nước muối sinh lý, hạn chế phơi thực phẩm, áo quần, hạn chế sử dụng nước mưa...
Riêng với môi trường bệnh viện, ngoài tính chất gây ảnh hưởng đến sức khỏe, ô nhiễm còn là việc lan truyền những mầm bệnh. Vì thế, trong bệnh viện khi có tình trạng ô nhiễm không khí thì các bệnh viện cần phải có kế hoạch riêng, phòng ngừa sự lan truyền của bệnh tật thông qua không khí.

Minh Duyên (tổng hợp)

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/chu-dong-tim-hieu-de-co-bien-phap-phong-tranh-o-nhiem-khong-khi-72128