Chủ động tiến công và ngăn chặn, kìm chân địch

Trước âm mưu thực dân Pháp mở rộng chiến tranh xâm lược ra cả nước, Hội nghị bất thường Ban Thường vụ Trung ương Đảng ta (từ ngày 17 đến 18-12-1946) quyết định kháng chiến toàn dân, toàn diện, trong đó chọn Thủ đô Hà Nội làm chiến trường chính trong trận quyết chiến mở đầu kháng chiến toàn quốc.

Căn cứ vào đối tượng tác chiến, địch hơn ta 3 lần về lực lượng chính quy, 9 lần về vũ khí bộ binh, 6 lần về pháo binh và chiếm ưu thế tuyệt đối về xe tăng, thiết giáp, máy bay, cơ giới, Bộ chỉ huy Mặt trận Hà Nội bố trí ở Liên khu 1 (khu trung tâm) 2 tiểu đoàn (101, 145), 5 đội quyết tử đánh xe tăng, 1 tổ du kích đặc biệt, đại đội tự vệ Hoàng Diệu, 7 đội tự vệ thành, 1 trung đội công an xung phong có nhiệm vụ chiến đấu, vừa tiêu hao, tiêu diệt địch, vừa thu hút lực lượng của chúng, tạo thế trong đánh ra. Liên khu 2 (nam Hà Nội) có 2 tiểu đoàn (77, 212), 4 đội đánh xe tăng, một số trung đội công an xung phong và Liên khu 3 (tây nam thành phố) có Tiểu đoàn 523, 4 đội đánh xe tăng, một số tổ du kích đặc biệt, 5 đội tự vệ thành ở vòng ngoài thực hiện bao vây, ngăn chặn địch ở bên trong, cùng Liên khu 1 hình thành thế trận "trong đánh ngoài vây", kết hợp trong ngoài cùng đánh.

Thực hiện chủ trương chủ động tập kích vào những vị trí lẻ của quân Pháp, tiêu hao, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, tổ chức khu chiến đấu dài ngày trong nội thành, 20 giờ 3 phút ngày 19-12-1946, khi tín hiệu đèn trong thành phố vụt tắt, pháo binh ta ở pháo đài Láng bắn vào sở chỉ huy địch, báo hiệu lệnh tiến công mở đầu toàn quốc kháng chiến diễn ra ở Thủ đô Hà Nội.

Quân và dân Hà Nội đào hào, lập chướng ngại vật ngăn cản bước tiến quân của quân Pháp ở Thủ đô Hà Nội. Ảnh tư liệu.

Từ ngày 19 đến 23-12-1946, ta đánh địch trong nội thành; gây cho địch một số thiệt hại, kìm giữ, không cho chúng mở rộng đánh chiếm, bao vây, phản kích ta ở nội thành. Trong khi đó, đông đảo nhân dân nội thành đắp chiến lũy, đào hầm hố, hào giao thông, đục tường thông nhà, ngả cây, ngả cột điện ra đường làm chướng ngại vật ngăn cản xe địch. Ngày 23-12, Bộ chỉ huy Mặt trận Hà Nội điều chỉnh lực lượng, hình thành thế trận “trùng độc chiến” (đánh địch cả bên trong và bên ngoài). Theo đó, Liên khu 1 rút lực lượng về khu trung tâm chiến đấu; Liên khu 2 và Liên khu 3 bố trí lực lượng đánh chặn địch tiến công ra các cửa ô. Từ ngày 24-12-1946 đến 14-1-1947, ta đánh chặn quân Pháp tiến công ra vùng ngoại ô, quân và dân Liên khu 1 bám trụ chiến đấu trong lòng địch. Quán triệt chủ trương kìm giữ, không cho địch mở rộng đánh chiếm ra ngoài thành phố, ta tăng cường tập kích, đánh nhỏ lẻ, rộng khắp trên địa bàn Liên khu 1; một bộ phận chốt giữ tại các cửa ô dựa vào chiến lũy kiên cường đánh chặn, không cho địch vượt qua các cửa ô...

Để bảo đảm cho Hà Nội chiến đấu kìm giữ, giam chân địch dài ngày hơn, ngày 6-1-1947, Bộ Tổng chỉ huy quyết định thành lập Trung đoàn Liên khu 1 (sau mang danh hiệu Trung đoàn Thủ Đô), đồng thời chỉ thị cho Chiến khu 2 tăng cường cho Mặt trận Hà Nội 2 tiểu đoàn (45, 64). Trước đó, Mặt trận Hà Nội đã được tăng cường Tiểu đoàn 56 (thiếu). Từ ngày 15-1 đến 5-2-1947, bộ đội ta đánh chặn địch tiến công ra ngoại thành, tiếp tục giữ vững nội thành. Dựa vào các công sự, bộ đội ta anh dũng chiến đấu ngăn chặn địch ở các khu vực: Bệnh viện Bạch Mai, ngã tư Sở, Bưởi, Cầu Giấy, Nhật Tân, gây cho địch thiệt hại nặng. Tranh thủ lúc địch tập trung đánh ra các cửa ô, Ban chỉ huy Liên khu 1 gấp rút chấn chỉnh lực lượng, tăng cường xây dựng công sự, chiến lũy và liên tục tập kích, phục kích, bắn tỉa, khiến địch không dám tự do đi lại trong nội thành. Sau khi địch chiếm các cửa ô, Bộ Tổng chỉ huy quyết định để Trung đoàn Thủ Đô tiếp tục ở lại Liên khu 1 chiến đấu kìm chân địch thêm một thời gian nữa. Theo chủ trương đó, ta điều chỉnh thế bố trí, tập trung lực lượng ở phía nam chợ Đồng Xuân, sẵn sàng chiến đấu ngăn chặn các cuộc tiến công của địch.

Từ ngày 6-2-1947, địch tập trung lực lượng tiến công hòng tiêu diệt Trung đoàn Thủ Đô. Trước tình hình đó, Bộ Tổng chỉ huy chủ trương rút Trung đoàn Thủ Đô ra khỏi thành phố để bảo toàn lực lượng. Theo kế hoạch, từ đêm 17 đến sáng 18-2-1947, toàn bộ Trung đoàn Thủ Đô (hơn 1.000 người) đã bí mật vượt vòng vây của địch qua sông Hồng, sang Dâu Canh (vùng tự do thuộc huyện Đông Anh), ngoại thành Hà Nội, sau đó lên vùng Phúc Yên an toàn.

Cuộc chiến đấu của quân và dân Hà Nội đã làm thất bại âm mưu “đánh nhanh, giải quyết nhanh” của địch, kìm chân chúng trong thành phố vượt thời gian dự kiến ban đầu (60 ngày đêm); góp phần bảo vệ các cơ quan đầu não của Đảng, Chính phủ, Mặt trận di chuyển ra vùng căn cứ an toàn, bảo toàn chủ lực ta, bảo vệ nhân dân Thủ đô tản cư về vùng kháng chiến; tạo thuận lợi cho cả nước tiếp tục chuyển mọi hoạt động vào thời chiến, xây dựng tiềm lực quân sự, quốc phòng đất nước để kháng chiến lâu dài khi thực dân Pháp mở rộng chiến tranh xâm lược ra quy mô cả nước.

Đại tá, TS DƯƠNG ĐÌNH LẬP

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/chu-dong-tien-cong-va-ngan-chan-kim-chan-dich-557585