Chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh Chikunguyna

Bệnh sốt Chikungunya đang lây lan nhanh ở nhiều tỉnh, thành phố tại Campuchia, trong đó có một số tỉnh giáp biên giới với Việt Nam như: Tbong Khmum, Ta Keo, Kampot... Thời gian qua, ngành y tế các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đã phối hợp với các lực lượng chức năng đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân thực hiện tốt công tác phòng ngừa. Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về bệnh Chikungunya cũng như cách phòng tránh có hiệu quả dịch bệnh này, phóng viên Báo Biên phòng đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Phan Vân Điền Phương, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang.

Cán bộ BĐBP An Giang phát tờ rơi tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh cho bà con dân tộc Chăm tại xã Khánh Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang. Ảnh: Hồ Phúc

Cán bộ BĐBP An Giang phát tờ rơi tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh cho bà con dân tộc Chăm tại xã Khánh Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang. Ảnh: Hồ Phúc

- Bác sĩ có thể chia sẻ về tình hình bệnh Chikungunya trên thế giới và tại Việt Nam trong những năm qua?

- Chikungunya là một virus thuộc chi Alphavirus, họ Togaviridae, bệnh được xác định lần đầu ở Tanzania vào năm 1952. Theo ghi nhận của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh Chikungunya đã gây ra một số trận dịch lớn tại châu Phi và châu Á. Riêng khu vực châu Á, loại bệnh này đã được phát hiện tại Thái Lan (năm 1960), Ấn Độ (năm 1964), Sri Lanka (năm 1969), Myanmar (năm 1975), Indonesia (năm 1982). Cuối năm 2013, bệnh Chikungunya đã xuất hiện và bắt đầu lan rộng ở hầu hết các quốc gia khu vực Ấn Độ Dương, châu Mỹ và một vài nước ở châu Âu.

Tại các quốc gia Đông Nam Á, tình trạng nhiễm Chikungunya đã được ghi nhận ở Singapore (năm 2008), Malaysia (năm 2008), Thái Lan (năm 2009), Myanmar (năm 2010), Campuchia (năm 2011). Trong khi đó, tại Việt Nam, các ghi nhận về tình hình nhiễm Chikungunya rất hạn chế. Năm 2010, Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh đã ghi nhận 36 ca nhiễm Chikungunya, chiếm tỷ lệ 5,8% trên những bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue có xét nghiệm Dengue âm tính ở khu vực phía Nam.

- Những bệnh nhân khi mắc phải bệnh Chikungunya thường có những triệu chứng như thế nào, thưa bác sĩ?

- Bệnh nhân mắc bệnh Chikungunya khi phát bệnh có những triệu chứng lâm sàng như sốt cao đột ngột 38-39oC, có các nốt xuất huyết dưới da, nhất là ở phần đùi và cẳng tay, người mệt mỏi, một số trường hợp bệnh nhân bị đau cơ, khớp; niêm mạc mắt đỏ, kết mạc sung huyết... Bệnh này có biểu hiện lâm sàng gần giống với bệnh sốt xuất huyết.

Bên cạnh đó, người mắc bệnh Chikungunya còn có biểu hiện: Đau khớp, đau lưng, đau đầu, phát ban, viêm miệng, loét miệng, hiếm hơn, bệnh nhận có thể xuất hiện các u máu, biểu bì bọng nước, buồn nôn, đau cơ, xuất huyết, gan to, hội chứng não-màng não... Cũng giống như bệnh sốt xuất huyết Dengue, bệnh Chikungunya chưa có thuốc điều trị đặc hiệu để chữa bệnh. Việc điều trị bệnh chủ yếu là làm giảm thiểu các triệu chứng và biến chứng lâm sàng xảy ra. Mặc dù bệnh Chikungunya chưa có vắc xin để phòng bệnh nhưng nếu đã mắc bệnh thì có thể miễn nhiễm lâu dài với bệnh này.

- Bác sĩ có thể chia sẻ về các biện pháp phòng ngừa bệnh Chikungunya?

- Việc phòng, chống và kiểm soát bệnh Chikungunya phải cần xem xét những nơi muỗi truyền bệnh có khả năng hoạt động, phát triển và sinh sản. Muỗi truyền bệnh Chikungunya là muỗi vằn, muỗi này cũng là tác nhân gây bệnh sốt xuất huyết. Biện pháp phòng chống và kiểm soát bệnh Chikungunya cũng giống như bệnh sốt xuất huyết, cần phải tiêu diệt hết hoặc làm giảm đến mức thấp nhất số lượng muỗi vằn đóng vai trò truyền bệnh. Muốn thực hiện được vấn đề này, cần tổ chức công tác truyền thông về sức khỏe một cách sâu rộng, huy động mọi lực lượng của cộng đồng, người dân cùng tham gia tích cực các biện pháp phòng, chống như: Triển khai chiến dịch diệt loăng quăng, phát hoang bụi rậm quanh nhà, diệt muỗi ...

Bên cạnh làm tốt công tác vệ sinh môi trường cần chuyển đổi quy mô can thiệp sang hình thức phun chủ động hoặc dập dịch diện rộng khi đủ tiêu chuẩn. Ngoài ra, việc người dân tự bảo vệ cá nhân, hạn chế hay tránh việc muỗi đốt truyền bệnh như sử dụng quần áo dài phòng hộ, ngủ trong màn (kể cả ngủ ban ngày), dùng màn tẩm hóa chất xua muỗi, các hóa chất thoa ngoài da, sử dụng nhang đuổi muỗi... Về muỗi truyền bệnh, muỗi Aedes aegypti hoặc Aedes albopictus đều có khả năng truyền bệnh sốt xuất huyết, bệnh Chikungunya và cả bệnh Zika. Vì vậy, các hoạt động diệt loăng quăng, diệt muỗi là các biện pháp phòng ngừa chủ động, hiệu quả, cần duy trì thường xuyên và liên tục.

- Xin cảm ơn bác sĩ!

Trước tình hình diễn biến phức tạp của bệnh Chikungunya, BĐBP các tỉnh khu vực biên giới Tây Nam đã phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh. Hiện nay, phía biên giới tiếp giáp tỉnh An Giang đã có người nhiễm bệnh Chikungunya, vì vậy, BĐBP An Giang đã phối hợp với chính quyền các huyện, thị xã, thành phố biên giới tăng cường kiểm soát dịch bệnh cũng như tuyên truyền cho người dân về các biện pháp phòng ngừa có hiệu quả. Cán bộ, chiến sĩ phụ trách các địa bàn thường xuyên kiểm tra, chốt chặn, thực hiện nghiêm quy trình kiểm tra, kiểm soát người, phương tiện qua lại biên giới, hạn chế thấp nhất nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cũng như bệnh Chikungunya.

Hồ Phúc (thực hiện)

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/chu-dong-thuc-hien-cac-bien-phap-phong-ngua-benh-chikunguyna-post432834.html