Chủ động thoát nghèo

Tự lực, tự thân vận động, có ý thức vươn lên, tránh tư tưởng trông chờ là yếu tố mang tính quyết định để giúp hộ nghèo thoát nghèo thành công, bền vững. Để tạo sự chuyển biến trong nhận thức, ý thức của mỗi gia đình còn trong diện nghèo, các ban, ngành, đoàn thể, địa phương trong tỉnh đã có nhiều cách làm cụ thể, sáng tạo khuyến khích hộ nghèo tự tin chủ động hơn trong phấn đấu thoát nghèo.

Hộ chị Chìu Thị Mai (thôn Tàu Tiên, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ) là điển hình trong phong trào thi đua sản xuất giỏi của địa phương.

Hộ chị Chìu Thị Mai (thôn Tàu Tiên, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ) là điển hình trong phong trào thi đua sản xuất giỏi của địa phương.

Là một trong 8 xã của tỉnh được công nhận hoàn thành Chương trình 135 vào cuối năm 2019 (Quyết định số 1747/QĐ-TTg ngày 4/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ), xã Đồn Đạc chính là điểm sáng về nỗ lực vượt khó, giảm nghèo của huyện Ba Chẽ.

Không còn là địa phương vùng cao, địa bàn rộng, dân cư thưa thớt, kinh tế nghèo nhất huyện nữa, Đồn Đạc hôm nay đang chuyển dần sang diện mạo khang trang, trù phú hơn, chất lượng đời sống được nâng cao.

Ngày 4/12/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1747/QĐ-TTg về việc công nhận danh sách xã hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn 2017 - 2020. Theo đó, tỉnh Quảng Ninh có 8 xã hoàn thành là xã Minh Cầm, Đạp Thanh, Thanh Lâm, Nam Sơn (huyện Ba Chẽ); Tình Húc, Hoành Mô (huyện Bình Liêu); Bắc Sơn, Hải Sơn (TP Móng Cái).

Chia sẻ về cách làm của xã, ông Khiếu Anh Tú, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã cho hay: Công tác giảm nghèo bền vững luôn là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển KT-XH của địa phương; được cấp ủy, chính quyền xây dựng nghị quyết chuyên đề riêng qua từng năm để lãnh đạo thực hiện có hiệu quả cao. Xã có Ban Chỉ đạo về giảm nghèo, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên trong việc giúp đỡ từng thôn trong công tác giảm nghèo.

Xã Đồn Đạc rất chú trọng công tác tuyên truyền, vận động để bà con nhân dân thay đổi thói quen, nếp nghĩ, nhằm tạo sự chuyển biến tích cực, đặc biệt là mạnh dạn chuyển đổi cung cách canh tác sản xuất, cơ cấu vật nuôi, cây trồng để tận dụng triệt để vốn đất nông nghiệp, đất rừng.

Thanh niên đến độ tuổi lao động thì được tuyên truyền, định hướng kịp thời để chủ động tham gia các lớp đào tạo nghề, kết nối với những doanh nghiệp có nhu cầu lao động...

Lãnh đạo xã Đồn Đạc (Ba Chẽ) hướng dẫn người dân chăm sóc mía tím, áp dụng kỹ thuật tiên tiến, hiệu quả. Ảnh: Hằng Ngần.

Trong bình xét hộ nghèo, xã quán triệt các cán bộ cơ sở khi điều tra, nắm tình hình thực tế phải lưu ý theo dõi các trường hợp dù gia đình chưa thực sự khá, nhưng lười lao động, ỷ lại vào hỗ trợ của Nhà nước... để có biện pháp nhắc nhở, phê bình. Động viên, khen thưởng kịp thời các hộ tích cực làm ăn, tự nguyện thoát nghèo.

Mục tiêu nhằm giúp cộng đồng dân cư nhận thức rõ ràng chính sách được hưởng là nền tảng để giúp họ vươn lên, chứ không phải là yếu tố để họ dựa dẫm, ỷ lại, tạo thêm gánh nặng cho xã hội. Kết quả, trong giai đoạn bứt phá về đích Chương trình 135, tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm mạnh từ hơn 20% vào cuối năm 2018, xuống còn 3,69% cuối năm 2019.

Cán bộ xã Quảng An, huyện Đầm Hà (phải) nắm tình hình hộ dân sau khi tự viết đơn đăng ký thoát nghèo.

Thực tế trên địa bàn toàn tỉnh còn rất nhiều địa phương thực hiện hiệu quả cách làm này, giúp các gia đình còn khó khăn có thêm nghị lực vươn lên. Đặc biệt, không ít hộ đã chủ động viết đơn đăng ký phấn đấu thoát nghèo, xin ra khỏi danh sách hộ nghèo khi đủ điều kiện, điển hình như tại Ba Chẽ, Bình Liêu, Đầm Hà.

Để đạt kết quả trên, Quảng Ninh đã triển khai các chính sách về giảm nghèo trên cơ sở đánh giá, phân tích nguyên nhân nghèo để thực hiện chính sách hỗ trợ phù hợp với từng trường hợp.

Một trong những hoạt động hỗ trợ sinh kế mang lại hiệu quả thiết thực nhất là chương trình bảo vệ, phát triển rừng theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào DTTS giai đoạn 2015-2020. Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện giao khoán bảo vệ trên 165.000ha rừng, tổng kinh phí hỗ trợ gần 50 tỷ đồng. Riêng khu vực đặc biệt khó khăn được hỗ trợ trên 113.000ha, kinh phí trên 33 tỷ đồng.

Đối với nhóm thuộc diện hộ cao tuổi, mất sức lao động, khuyết tật, ốm đau, không có sức lao động, tỉnh thực hiện trợ cấp xã hội hằng tháng với mức trợ cấp bằng mức chuẩn của tỉnh quy định đối với các đối tượng bảo trợ xã hội theo từng thời kỳ.

Nhóm còn lại, vẫn còn khả năng, điều kiện để lao động sản xuất thì được hỗ trợ thông qua trợ giúp cây, con giống, vay vốn làm ăn, học tập kinh nghiệm để tự áp dụng tại chỗ, hạn chế hỗ trợ trực tiếp.

Trong quá trình thực hiện chính sách hỗ trợ, công tác tuyên truyền của các địa phương được triển khai thường xuyên, liên tục, thông qua nhiều hình thức phù hợp, như: Phổ biến chính sách pháp luật; phân công cán bộ thường xuyên bám địa bàn để vận động thay đổi tập quán lạc hậu; biểu dương những tấm gương lao động sản xuất giỏi, mô hình sản xuất hiệu quả để bà con được “mắt thấy, tai nghe” từ đó tin tưởng và làm theo...

Với những giải pháp đồng bộ, công tác giảm nghèo trên địa bàn Quảng Ninh trong những năm qua đã cơ bản đạt được những chỉ tiêu đặt ra. Nhờ đó, hiện thu nhập bình quân tại các xã, thôn vùng đặc biệt khó khăn đạt hơn 22 triệu đồng/người/năm, cao gấp 1,74 lần so với năm 2015.

Hoàng Giang

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202003/chu-dong-thoat-ngheo-2476132/