Chủ động thích ứng sự thay đổi

Quá trình mở cửa và hội nhập nền kinh tế thế giới đã đưa Việt Nam tham gia nhiều tổ chức có uy tín thế giới và khu vực. Và khi tham gia các tổ chức thương mại thế giới hay khu vực đòi hỏi phải hiểu được luật, vận dụng và thích nghi với luật sẽ giúp Việt Nam khai thác hiệu quả quá trình hội nhập.

Từ chủ động hội nhập

Sau khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Mỹ vào ngày 11-7-1995, ngày 28-7-1995 Việt Nam chính thức gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á-ASEAN. Việc đàm phán Hiệp định Thương mại song phương với Mỹ (BTA) ngay sau đó đã bắt đầu để tiến đến ký kết vào năm 2000 và có hiệu lực năm 2001. Liên tục đàm phán song phương với EU, Mỹ và nhiều nước khác đã giúp Việt Nam hoàn tất tiến trình đàm phán để gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới-WTO vào ngày 7-11-2006.

Quá trình chủ động hội nhập quốc tế còn giúp Việt Nam đẩy mạnh việc gia nhập các tổ chức quốc tế như Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tháng 11-1998. Tháng 10-2010 ký kết Hiệp định khung Đối tác và Hợp tác toàn diện (PCA) Việt Nam-EU, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương-CPTPP vào tháng 6-2019, Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA) với EU…

Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung (phải) tiếp ông Lim Jock Hoi, Tổng Thư ký ASEAN.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung (phải) tiếp ông Lim Jock Hoi, Tổng Thư ký ASEAN.

Bước đầu của quá trình hội nhập đã giúp kinh tế Việt Nam tăng trưởng phát triển nhiều thập niên qua. Tuy nhiên, quá trình hội nhập đòi hỏi các nước lớn thay đổi các quy tắc.

Chẳng hạn, nhìn vào cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, Mỹ đã đòi hỏi đặt lại vai trò của WTO với những thay đổi mới. Mỹ luôn đưa ra lý lẽ về tự do hóa trong mối quan hệ với bản quyền sở hữu trí tuệ, tự do hóa phải mang tính công bằng như bán phá giá, xuất xứ hàng hóa, thao túng tiền tệ… và thậm chí là nền kinh tế phi thị trường.

Đến việc thích ứng

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN sẽ diễn ra vào tháng 1-2020 để triển khai cụ thể hóa các mục tiêu ưu tiên. Qua đó, Việt Nam sẽ lãnh đạo ASEAN đẩy mạnh quan hệ đối tác với các nước lớn, góp phần định hình cấu trúc và quy tắc mới của khu vực và thế giới.

Một tổ chức khác có một bộ quy tắc ứng xử của quá trình hội nhập này cũng đã thay đổi là EU. Ngoài chủ đề về thương mại tự do, EU đặt ra các vấn đề về thương mại và phát triển bền vững, Công ước về Lao động (ILO), thực thi Luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT)…

Những vấn đề ngoài thương mại tự do được lồng ghép vào các tiêu chuẩn kỹ thuật buộc các bên tham gia phải tuân thủ. Nhìn vào các tổ chức lớn có những sự thay đổi các quy tắc, nghĩa là Việt Nam phải hiểu được quy tắc mà các nước lớn đặt ra mới mong mang lại hiệu quả.

Ở khu vực, ASEAN được thành lập trong một bối cảnh chính trị có những vấn đề của quốc tế hóa vào thời điểm đó. Do vậy, ASEAN ngay từ khi thành lập là một liên minh chính trị, văn hóa và xã hội. Sau Hội nghị Bali năm 1976, ASEAN xúc tiến vấn đề kinh tế và mãi đến năm 1991 mới hình thành nên một khu vực mậu dịch tự do ASEAN dưới sự đề xuất của Thái Lan.

Việc hình thành khu vực mậu dịch tự do ASEAN cũng phần nào giúp hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang các nước, nhưng điều quan trọng là thị trường nội địa Việt Nam đã bị lấn át bởi các đối thủ từ chính các nước ASEAN.

Bằng việc hình thành nên khu vực mậu dịch tự do đã giúp cho các nền kinh tế lớn trong khu vực nhanh chân mở rộng thị trường. Nhiều tập đoàn của Malaysia, Thái Lan… đã đầu tư, thâm nhập sâu rộng vào thị trường nội địa của nền kinh tế Việt Nam. Tiếc thay, các tập đoàn kinh tế của Việt Nam chưa vươn ra các thị trường khu vực.

Phải vận dụng tốt lợi thế

Với thị trường đầy tiềm năng cả về dân số trẻ, lao động được đào tạo, tăng trưởng kinh tế cao, ASEAN đã thực hiện được các thỏa thuận ASEAN + với các đối tác lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia/New Zealand, và hiện đang xúc tiến đàm phán để hình thành Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) giữa ASEAN và 6 đối tác trên.

Như vậy, thông qua tổ chức của ASEAN, Việt Nam có thể thiết lập nên những quy tắc mới trong ASEAN và giữa ASEAN với các nước. Năm 2020, Việt Nam sẽ làm Chủ tịch ASEAN trong một bối cảnh thương mại toàn cầu thay đổi. Với bối cảnh địa chính trị, kinh tế, an ninh đang có những biến chuyển không lường, vị trí của ASEAN đang trở thành trung tâm cạnh tranh của các nước lớn, Trung Quốc thực thi chính sách “vành đai và con đường”, Mỹ thực thi các chính sách cho sách lược “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”. Đồng thời, về kinh tế căng thẳng thương mại Mỹ-Trung bước qua một giai đoạn mới.

Do vậy, trong cương vị Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã xác định chủ đề ASEAN phải hướng đến là gắn kết và chủ động thích ứng. Chỉ có thể gắn kết ASEAN thành một khối thống nhất, tránh chia rẽ khả năng đàm phán mới giành được lợi thế. Điều này đòi hỏi phải xác định rõ lợi ích chung của cả khối ASEAN để hoàn thành tốt vai trò chủ tịch của Việt Nam.

Để xóa đi những mối lo ngại của các nước trong khối, năm 2019 Việt Nam đã cho công bố Sách trắng Quốc phòng Việt Nam để công khai đường lối chính sách quân sự, khẳng định và làm rõ hơn tính chất cơ bản của nền quốc phòng Việt Nam là hòa bình và tự vệ.

Qua đó, giúp các nước trong khối gắn kết hơn nhằm xác định nên một số lợi ích chung còn lại của ASEAN. Một trong các công việc chính của năm mà ASEAN có lợi ích chung chính là thực hiện và thúc đẩy đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên biển Đông (COC) với Trung Quốc, thúc đẩy ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), đồng thời để chủ động thích ứng khi bối cảnh thế giới và khu vực đang có những thay đổi.

Ông NGHIÊM XUÂN ĐA, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Thép Việt Nam:

Ngành thép không quá dựa vào ASEAN

Hiện nay, ASEAN vẫn là thị trường xuất khẩu chính của các doanh nghiệp thép trong nước (chiếm 60% thị phần), tiếp đến là Mỹ và EU, Nhật Bản, Hàn Quốc... Trong 10 tháng 2019, thép xây dựng Pomina cung cấp ra thị trường 750.000 tấn, xuất khẩu sang Canada và khối ASEAN đạt 180.000 tấn. Nhìn chung xuất khẩu thép sang các nước ASEAN vẫn tăng trưởng khá, bù đắp phần sụt giảm ở các thị trường khác.

Nhưng điều này không có nghĩa thị trường ASEAN không tiềm ẩn những khó khăn và rủi ro đối với các doanh nghiệp xuất khẩu thép trong nước. Trong 2 năm trở lại đây, thị trường ASEAN cũng bắt đầu khó khăn như thị trường Mỹ, khi các nước cũng bắt đầu xây dựng những hàng rào thuế quan thương mại để bảo vệ ngành thép của họ. Đơn cử như trong năm 2019, Thái Lan đã dựng hàng rào thuế quan để chống thép ống nhập khẩu và quy chụp là bán phá giá, khiến nhiều doanh nghiệp thép Việt Nam gặp khó khăn khi tiếp cận.

Trước đó, Indonesia cũng dựng hàng rào thuế quan đối với thép nhập khẩu. Đã có thời điểm thép xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Thái Lan sụt giảm đến 38,8% về lượng và 47,13% về kim ngạch, do bị áp thuế chống bán phá giá.

Vừa qua, phía Mỹ tiến hành đánh thuế chống lẩn trốn đối với thép xuất khẩu từ Việt Nam nhưng có nguồn gốc nguyên liệu nhập từ Hàn Quốc và Đài Loan, cũng gây khó khăn rất nhiều cho các doanh nghiệp thép Việt Nam, dù thị trường Mỹ chỉ chiếm khoảng 7-8% thị phần thép xuất khẩu. Nhưng đây lại tạo ra tiền lệ để các thị trường khác làm theo.

Do đó, giải pháp lúc này là doanh nghiệp thép trong nước cần nâng cao năng lực cạnh tranh bằng cách tự chủ các nguồn nguyên liệu sản xuất ngay trong nước. Đồng thời, để tránh việc gặp phải các vụ kiện phòng vệ thương mại, các doanh nghiệp ngành thép cần thường xuyên nâng cao hiểu biết về thương mại quốc tế, cấu trúc lại thị trường xuất khẩu, tránh xuất khẩu tập trung vào một thị trường dẫn tới kim ngạch xuất khẩu có sự gia tăng đột biến, tạo cớ cho thị trường nhập khẩu khởi kiện.

Ông HOÀNG MẠNH TÂN, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Sơn Hà:

Năng lực cạnh tranh còn yếu

Hiện nay, Tập đoàn Sơn Hà đã lập công ty ở Myanmar như là bước thử đầu tiên để mở rộng thị trường ASEAN thông qua con đường đầu tư trực tiếp. Thực chất, Sơn Hà đã có chủ trương xây dựng nhà máy tại Myanmar từ năm 2015, bởi Myanmar khá tương đồng với thị trường Việt Nam hơn 10 năm trước đây, nên nhu cầu tiêu dùng tại quốc gia này cũng sẽ phát triển theo những logic như Việt Nam giai đoạn trước.

Tuy vậy, việc đầu tư cũng gặp phải rất nhiều khó khăn, một phần vì chính sách của nước sở tại, một phần chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ các doanh nghiệp Thái Lan, Trung Quốc. Không riêng gì Sơn Hà mà nhiều doanh nghiệp khác khi xuất khẩu hay đầu tư vào ASEAN đều gặp phải những khó khăn tương tự.

Điều đáng lo ngại nhất hiện nay là năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn rất yếu so với các doanh nghiệp trong khu vực. Đơn cử Thái Lan, các doanh nghiệp của họ có sức cạnh tranh rất cao, hàng hóa của họ có nhiều chủng loại tương đồng Việt Nam nhưng có mẫu mã đẹp, chất lượng tốt.

Trước đây, hàng Thái Lan thường đắt hơn hàng Việt Nam từ 5-20%, tuy nhiên khi Việt Nam đã là thành viên của AEC, sự tự do dịch chuyển hàng hóa trong nội khối với các rào cản thương mại được gỡ bỏ, giá cả không còn là lợi thế cạnh tranh của hàng Việt. Theo đúng nguyên tắc thị trường, Việt Nam không được phép ngăn cản hàng hóa của các nước trong hệ thống ASEAN nếu như không có lý do chính đáng.

Tôi được biết hiện nay rất nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào Thái Lan rồi xuất khẩu vào Việt Nam, cạnh tranh ngang ngửa với hàng Việt. Do đó, nếu không nâng cao năng lực, đổi mới mô hình, áp dụng công nghệ hiện đại, không chỉ thua ở ASEAN, doanh nghiệp Việt có thể bị thua ngay trên chính sân nhà của mình.

Ông TÔ VIỆT HÀ , Tổng giám đốc CTCP Thực phẩm GN:

Áp lực cạnh tranh nhưng là cơ hội

So với các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản và Trung Quốc, giá trị xuất khẩu thủy sản của các doanh nghiệp Việt Nam sang ASEAN vẫn còn khiêm tốn. Ngay công ty chúng tôi cũng chưa tiếp cận được thị trường ASEAN mà mới chú trọng đến thị trường Nhật Bản, EU và năm 2020 mới hướng đến thị trường ASEAN.

Bởi lẽ khi tiếp cận thị trường này các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ gặp phải sự cạnh tranh rất cao do dễ “đụng hàng”. Không riêng gì Việt Nam, một số nước trong khối ASEAN cũng rất mạnh về khai thác, nuôi trồng, gia công và chế biến xuất khẩu thủy sản như Thái Lan, Indonesia, Philippines, Malaysia…

Nhưng nói thế không có nghĩa doanh nghiệp Việt không đủ sức tham gia “sân chơi” khu vực. ASEAN đứng hàng thứ 5 trong danh sách những thị trường quan trọng nhất của thủy sản Việt Nam, AEC đã được thành lập mà Việt Nam là thành viên, điều này cũng đồng nghĩa với các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam sẽ có thêm nhiều cơ hội để gia tăng xuất khẩu sang các nước trong khu vực, nếu như tăng cường được khả năng cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm và các sản phẩm giá trị gia tăng.

Lưu Thủy (ghi)

TS. Lê Đạt Chí, Trường Đại học Kinh tế TPHCM

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/kinh-te/chu-dong-thich-ung-su-thay-doi-76062.html