Chủ động thích ứng biến đổi khí hậu

Ngày 17-11-2017, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng biến đổi khí hậu (BĐKH). Sau ba năm thực hiện Nghị quyết số 120, đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về tư duy của các cấp, các ngành trong xây dựng chính sách, nhất là từng bước chuyển đổi mô hình, cơ cấu sản xuất theo hướng thích ứng BĐKH và phát triển bền vững.

Người dân Bến Tre chuyển đổi mô hình từ trồng lúa sang trồng lúa - nuôi tôm để thích ứng biến đổi khí hậu.

Người dân Bến Tre chuyển đổi mô hình từ trồng lúa sang trồng lúa - nuôi tôm để thích ứng biến đổi khí hậu.

Ngày 17-11-2017, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng biến đổi khí hậu (BĐKH). Sau ba năm thực hiện Nghị quyết số 120, đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về tư duy của các cấp, các ngành trong xây dựng chính sách, nhất là từng bước chuyển đổi mô hình, cơ cấu sản xuất theo hướng thích ứng BĐKH và phát triển bền vững.

Năm 2018, gia đình ông Trần Tấn Lộc là một trong 10 hộ gia đình đầu tiên tại ấp An Khương, xã Mỹ An (huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre) tham gia Tổ nuôi tôm càng xanh toàn đực do dự án thích ứng BÐKH vùng ÐBSCL tại Bến Tre (AMD Bến Tre) tài trợ. Ông Trần Tấn Lộc cho biết: "Các hộ gia đình tham gia dự án không chỉ được tham dự các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi tôm, mà còn được hỗ trợ 161 triệu đồng mua con giống và thức ăn. Vụ đầu tiên, sau tám tháng nuôi tôm, gia đình tôi cũng như các gia đình khác đều thu lợi nhuận từ 35 triệu đồng trở lên. Nhờ tham gia dự án, các gia đình dần ổn định cuộc sống, thoát nghèo, và từng bước thích ứng BÐKH". Thời gian tới, gia đình ông sẽ chuyển đổi mô hình từ trồng lúa sang mô hình thích ứng BÐKH là kết hợp lúa - tôm nhằm tận dụng hai đối tượng trong một hệ sinh thái bền vững. Theo Giám đốc Dự án AMD Bến Tre, Nguyễn Khắc Hân, trong giai đoạn 2014 - 2020, dự án đã xây dựng được 71 công trình thích ứng BÐKH như: đường, đê bao, kênh, kè, cống…; cấp vốn cho hơn năm nghìn hộ dân, hàng chục doanh nghiệp tại 30 xã thuộc tám huyện trên địa bàn, với tổng kinh phí 24,66 triệu USD. Dự án đã góp phần thay đổi nhận thức của cộng đồng, nâng cao năng lực để thích ứng BÐKH trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, Nguyễn Hữu Lập cho biết, trên cơ sở lợi thế so sánh, tiềm năng phát triển và những khó khăn, trở ngại của địa phương, Bến Tre đã xây dựng kế hoạch hành động khả thi, phù hợp nội dung Nghị quyết số 120, nhất là luôn xác định công tác ứng phó BÐKH là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và quan trọng nhất để bảo đảm phát triển bền vững của địa phương. Kể từ khi Nghị quyết được triển khai tại địa phương, ngành nông nghiệp tỉnh đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để thích ứng BÐKH, xâm nhập mặn. Hiện, diện tích canh tác lúa giảm 10 nghìn ha để chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản ở vùng nước mặn; giảm diện tích trồng mía từ 2.100 ha (năm 2015) xuống còn gần 700 ha (năm 2020); diện tích dừa từ 68 nghìn ha tăng lên 72 nghìn ha; diện tích cây ăn trái tăng từ 27 nghìn ha lên hơn 28 nghìn ha. Tỉnh cũng đã hình thành và phát triển các mô hình sản xuất, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi thích ứng BÐKH như: Mô hình canh tác lúa chịu mặn; mô hình tôm-lúa; mô hình nuôi tôm hai giai đoạn; mô hình thâm canh bưởi da xanh theo hướng thích ứng BÐKH, phòng, chống hạn, mặn…

Ðánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 120, ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng BÐKH (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: lãnh đạo Ðảng, Quốc hội, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc, cùng với sự hưởng ứng của người dân, kết quả thực hiện Nghị quyết số 120 đã đạt được một số kết quả quan trọng như: Hệ thống cơ chế, chính sách bước đầu đã và đang được hoàn thiện, thúc đẩy phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững; phát triển hạ tầng giao thông, đô thị, ổn định dân cư; các hoạt động hợp tác quốc tế được thúc đẩy, góp phần thu hút nguồn lực, tri thức, công nghệ cho ÐBSCL phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững. Cụ thể, tổng số vốn đầu tư cho ÐBSCL so với cả nước tăng từ 12,2% (giai đoạn 2011 - 2015) lên 16,53% (giai đoạn 2016 - 2020); đầu tư qua địa phương đạt khoảng 200 nghìn tỷ đồng; đầu tư qua các bộ, ngành đạt gần 70 nghìn tỷ đồng, tập trung vào các lĩnh vực giao thông - vận tải, cấp điện nông thôn, y tế, chống sạt lở bờ sông, bờ biển…

Tuy nhiên, việc triển khai Nghị quyết số 120 đối với vùng ÐBSCL vẫn còn gặp một số hạn chế. Chẳng hạn như chưa có cơ chế đặc thù để thực hiện mà vẫn phải theo tổng thể chính sách phát triển chung của cả nước và quy định của pháp luật. Nghị quyết số 120 được ban hành sau khi chương trình đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2016 - 2020 đã được Quốc hội thông qua, cho nên việc đề xuất bổ sung nguồn lực cho thực hiện các nhiệm vụ gặp khó khăn. Mặt khác, do hệ thống giao thông đường bộ của các vùng sản xuất ở nông thôn chưa phát triển khiến nhiều loại nông sản có sản lượng lớn gặp khó khăn khi vận chuyển đi tiêu thụ. Trong khi đó, tiềm năng giao thông đường thủy ở ÐBSCL rất lớn, nhưng chưa được đầu tư kết nối với đường bộ, chưa đầu tư nâng cấp, khơi thông các trục giao thông thủy giữa các vùng. Hiện có nhiều doanh nghiệp đăng ký đầu tư các dự án phát triển dịch vụ du lịch, dịch vụ thương mại ven biển nhằm chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhiễm mặn, nhưng chưa có cơ chế giao đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất phòng hộ ven biển, cho nên chưa thể thực hiện.

Ðể Nghị quyết số 120 được triển khai nhanh, hiệu quả hơn thời gian tới, GS,TS Trần Thục, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn của Ủy ban quốc gia về BÐKH đề nghị: Chính phủ cần sớm quy hoạch tổng thể vùng ÐBSCL để thu hút được sự tham gia của đối tác trong nước và nước ngoài. Cần xem xét kỹ việc các cộng đồng được hưởng lợi và những đối tượng chịu thiệt hại khi quy hoạch tổng thể; đồng thời lắng nghe, tận dụng vốn kiến thức của người dân địa phương trong quy hoạch. Ngoài ra, trước tình trạng xâm nhập mặn, mất phù sa diễn ra ngày càng mạnh, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương sớm xây dựng chiến lược tập trung dồn nguồn lực phát triển cho các thành phố lớn, các vị trí quan trọng càng sớm càng tốt. Trong đó, xem xét chấp nhận tổn thất diện tích đất bị xâm nhập mặn, để chuyển đổi mục đích sử dụng phù hợp sự tác động ngày càng gia tăng bởi BÐKH tại khu vực này. Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ sớm triển khai chương trình khoa học và công nghệ ứng phó BÐKH phục vụ phát triển bền vững ÐBSCL, nhằm cung cấp cơ sở khoa học đầy đủ phục vụ xây dựng các cơ chế, chính sách, giải pháp hiệu quả cùng với những mô hình cụ thể để triển khai tại các địa phương…

Bài, ảnh: Hoàng Trung và Trung Tuyến

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/chu-dong-thich-ung-bien-doi-khi-hau-630495/