Chủ động, sáng tạo, bảo đảm tốt đời sống tinh thần của bộ đội

Vùng 3 Hải quân với đặc thù có nhiều đơn vị kho, đài, trạm ra-đa đóng quân phân tán nơi núi cao, đảo xa; các tàu thực hiện nhiệm vụ dài ngày trên biển.

Để bảo đảm tốt đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội là bài toán khó, đòi hỏi tính chủ động, sáng tạo của cả lãnh đạo, chỉ huy và chiến sĩ các đơn vị. Đại tá Nguyễn Hữu Minh, Phó chính ủy Vùng 3 Hải quân đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân xoay quanh vấn đề này...

Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, với đặc thù của Vùng 3, việc bảo đảm các tiêu chuẩn sách, báo nói riêng; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội nói chung được tiến hành như thế nào?

 Học viên Trung tâm Huấn luyện Vùng 3 Hải quân rèn luyện thể lực.Ảnh: TÙNG LÂM

Học viên Trung tâm Huấn luyện Vùng 3 Hải quân rèn luyện thể lực.Ảnh: TÙNG LÂM

Đại tá Nguyễn Hữu Minh: Trước yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, chúng tôi xác định vinh dự và trách nhiệm luôn song hành trên đôi vai người lính biển. Có thể nói, trong khó khăn, thử thách, người chiến sĩ càng phải phát huy tính sáng tạo, chủ động để “vượt lên chính mình”. Trong những năm qua, các cơ quan, đơn vị trong toàn vùng thường xuyên quan tâm, chăm lo, bảo đảm tốt đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ, nhất là đối với các lực lượng tàu thực hiện nhiệm vụ trên biển, các trạm ra-đa đóng quân nơi núi cao, đảo xa. Đối với các tàu hoạt động trên biển, các trạm ra-đa, bên cạnh việc bảo đảm đầy đủ các chế độ, tiêu chuẩn đời sống văn hóa tinh thần cho bộ đội theo Thông tư số 138/2020/TT-BQP ngày 10-11-2020 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng “Quy định chế độ, định mức, tiêu chuẩn đời sống văn hóa, tinh thần trong Quân đội nhân dân Việt Nam”, Phòng Chính trị vùng thường xuyên ưu tiên bảo đảm thêm các tiêu chuẩn sách, báo, tạp chí và các loại băng đĩa... cho bộ đội đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần. Các đơn vị này còn chủ động làm giàu thêm "gia tài" sách, báo bằng cách huy động cán bộ, chiến sĩ tự nguyện đóng góp; sự hỗ trợ từ các tổ chức, đoàn thể. Nhờ vậy, đời sống văn hóa của cán bộ, chiến sĩ trên các tàu, trạm ra-đa khá phong phú, đa dạng.

PV: Gặp lúc biển động mạnh, tàu không thể ra đảo để chuyển sách, báo thì hoạt động văn hóa tinh thần cho bộ đội được tiến hành ra sao?

Đại tá Nguyễn Hữu Minh: Trường hợp biển động, sóng to, gió lớn, tàu không thể mang báo giấy ra đảo thì các trạm ra-đa tổ chức cho bộ đội xem ti vi. Chính trị viên trạm theo dõi và tổng hợp bản tin trên Đài Tiếng nói Việt Nam rồi thông báo cho cán bộ, chiến sĩ. Đối với các phân đội tàu thực hiện nhiệm vụ dài ngày trên biển, vùng phối hợp với cơ quan chức năng cấp trên lắp đặt hệ thống Vinasat ngay trên các tàu, vì vậy, các loại thông tin đều được chuyển tải qua truyền hình, dù hoạt động trên vùng biển xa, bộ đội vẫn không “đói” thông tin, nhất là các ngày nghỉ, giờ nghỉ.

PV: Đồng chí có thể cho biết một số giải pháp phát huy tốt hiệu quả của hoạt động văn hóa tinh thần của đơn vị?

Đại tá Nguyễn Hữu Minh: Với quan điểm “Lính hát cho bộ đội ta nghe”, “Tiếng hát át tiếng sóng”, ngoài việc duy trì có nền nếp các hoạt động văn hóa văn nghệ thường xuyên, các đơn vị còn thành lập đội văn nghệ xung kích biểu diễn phục vụ bộ đội và nhân dân trên địa bàn đóng quân. Phòng Chính trị vùng chỉ đạo các đơn vị tập trung xây dựng nội dung, chương trình sát thực tiễn đơn vị, gần gũi với hơi thở của người chiến sĩ. Thế nên, những tiết mục “cây nhà lá vườn” vẫn được đông đảo khán giả hưởng ứng nhiệt tình. Bên cạnh thành lập đội văn nghệ xung kích, vùng thường xuyên phối hợp với các đoàn văn công chuyên nghiệp trong và ngoài quân đội lưu diễn phục vụ bộ đội và nhân dân nơi địa bàn đóng quân.

PV: Thưa đồng chí, việc nâng cao chất lượng các thiết chế văn hóa và xây dựng cảnh quan môi trường ở các đơn vị nơi đảo xa được thực hiện như thế nào?

Đại tá Nguyễn Hữu Minh: Ngoài việc thường xuyên nâng cao chất lượng các thiết chế văn hóa theo quy định, chúng tôi chủ động đầu tư xây dựng, cải tạo cảnh quan, môi trường xanh-sạch-đẹp. Cụ thể, các trạm ra-đa Đèo Ngang, Cồn Cỏ, Lý Sơn, Núi Ghếnh... được các cấp, các ngành quan tâm xây dựng một cách cơ bản. Từ những bàn tay tài hoa của các “nghệ nhân-chiến sĩ” đã tạo nên những hòn non bộ, vườn hoa, khuôn viên văn hóa giữa khơi xa. Căn cứ vào tình hình thực tế, các đài, trạm chủ động tổ chức cho bộ đội đẩy mạnh tăng gia, sản xuất, chăm bón rau xanh, tưới cây, trồng hoa trên đảo tạo thói quen chăm chỉ, cần kiệm... Đấy chính là nét đẹp văn hóa của Bộ đội Cụ Hồ-Người chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng.

PV: Việc tổ chức và duy trì hoạt động thể dục, thể thao đối với các lực lượng tàu hoạt động dài ngày trên biển, các trạm ra-đa có thường xuyên, liên tục?

Đại tá Nguyễn Hữu Minh: Trong những năm qua, Đảng ủy, Bộ tư lệnh vùng luôn quan tâm chăm lo đến vấn đề sức khỏe bộ đội. Đối với các tàu do điều kiện không gian hẹp, cán bộ, chiến sĩ chủ yếu tập thể lực bằng các dụng cụ như: Tạ, co tay, chống đẩy giữa sàn và bơi lội. Còn đối với các trạm ra-đa thì thuận lợi hơn. Với tinh thần phát huy nội lực và nguồn kinh phí trên cấp, cấp ủy, chỉ huy các cấp quan tâm xây dựng cho các trạm có sân bóng đá mini, sân bóng chuyền, cầu lông, xà đơn, xà kép... Nhờ vậy, bộ đội trên các đài, trạm dù nơi núi cao hay đảo xa có điều kiện rèn luyện thể lực, chăm sóc sức khỏe đúng cách, bảo đảm sức khỏe dẻo dai để chống chịu sóng gió, các điều kiện khắc nghiệt của thời tiết, hoàn thành tốt nhiệm vụ...

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

TÙNG LÂM (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/chu-dong-sang-tao-bao-dam-tot-doi-song-tinh-than-cua-bo-doi-675321