Chủ động phương án phòng cháy, chữa cháy rừng

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường xuống phía nam, ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Do ảnh hưởng của không khí lạnh, ở khu vực Trung Trung Bộ về đêm còn có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và dông. Trong cơn dông có thể xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường xuống phía nam, ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Do ảnh hưởng của không khí lạnh, ở khu vực Trung Trung Bộ về đêm còn có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và dông. Trong cơn dông có thể xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.

* Ngày 24-3, UBND huyện Đạ Huoai (tỉnh Lâm Đồng) cho biết: Chính quyền địa phương đã tập trung huy động lực lượng phối hợp nhân dân các xã Hà Lâm, Phước Lộc khắc phục hậu quả do trận lốc xoáy kéo dài 30 phút quét qua địa bàn hai xã vào chiều 23-4. Thống kê sơ bộ, lốc xoáy làm tốc mái 24 ngôi nhà, chuồng trại chăn nuôi của người dân; làm gãy đổ, bật gốc hàng nghìn cây sầu riêng đang trong thời kỳ thu hoạch, gây thiệt hại nặng nề cho người dân địa phương.

* Xã San Thàng, TP Lai Châu (tỉnh Lai Châu) có hơn 37 ha rừng tự nhiên, 69 ha rừng trồng. Trước điều kiện thời tiết hanh khô kéo dài, ngay từ đầu mùa khô năm nay, xã đã chủ động xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng. Tổ chức ký cam kết giữa Chủ tịch UBND xã với trưởng bản và nhân dân trong công tác bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng.

* Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh An Giang, hiện có hơn 17 nghìn héc-ta rừng của tỉnh đang ở mức cảnh báo cháy rừng cấp V - cấp cực kỳ nguy hiểm. Trong đó, hơn 7.500 ha có nguy cơ cháy rừng rất cao như khu vực núi Phú Cường, núi Tà Lọt, khu vực Đa-ta-la, núi dài nhỏ, rừng tràm Trà Sư,… Dự báo mùa khô còn kéo dài đến cuối tháng 6, cho nên công tác ứng phó khô hạn, phòng, chống cháy rừng cần được tập trung cao nhất.

* UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, tỉnh đã rà soát các phương án phòng cháy, chữa cháy rừng và có biện pháp điều chỉnh phù hợp bảo đảm chủ động lực lượng, phương tiện, theo phương châm “4 tại chỗ”; tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật rộng rãi về lâm nghiệp, phòng cháy, chữa cháy… Hiện toàn tỉnh có khoảng 13.000 ha ở các khu vực thuộc huyện An Minh, Hòn Đất, Giang Thành và Phú Quốc trong tình trạng khô hạn và có nguy cơ cháy, nguy hiểm nhất là các hệ sinh thái rừng tràm.

* Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, dung tích trữ của các hồ chứa thủy lợi, thủy điện đều đang ở mức thấp. Với nguồn nước trữ hiện tại, ước có khoảng 700 ha lúa đông xuân có khả năng bị hạn từ nay đến cuối vụ; tập trung ở các vùng cuối kênh tưới, các diện tích nằm ở các hồ, đập thủy lợi có dung tích nhỏ ở vùng gò đồi, vùng cát ven biển thuộc huyện Nam Đông, A Lưới, Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc và thị xã Hương Trà.

* Trước diễn biến dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) có xu hướng lây lan trên diện rộng, huyện Bảo Thắng (Lào Cai) đã thành lập 17 tổ, đội công tác và triển khai các biện pháp phòng ngừa dịch như chốt kiểm dịch, thường trực 24 giờ hằng ngày tại đường lên, đường xuống cao tốc Nội Bài - Lào Cai thuộc địa phận xã Xuân Giao, một đội công tác cơ động, thường xuyên tuần tra trên các tuyến giao thông để kịp thời phát hiện, xử lý các phương tiện vận chuyển lợn không rõ nguồn gốc.

* Ngày 24-3, UBND huyện Phong Điền (Thừa Thiên - Huế) cho biết, cơ quan chức năng tại huyện đã tiêu hủy 38 con lợn rừng trong đàn lợn rừng 47 con của Khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng Alba Thanh Tân (xã Phong Sơn, huyện Phong Điền) do nhiễm DTLCP.

* Chi cục Thú y tỉnh Thanh Hóa cho biết, ngay khi có kết quả phân tích mẫu bệnh phẩm dương tính với vi-rút bệnh DTLCP, các chủ hộ cùng lực lượng chức năng đã tiêu hủy 10 con lợn của bảy hộ chăn nuôi ở xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân và 35 con lợn của năm hộ ở xã Đông Anh, xã Đông Ninh, huyện Đông Sơn.

* Ngày 23-3, UBND huyện Sông Hinh (Phú Yên) cho biết, qua điều tra sơ bộ, huyện đã có khoảng 60 ha sắn ở các xã Đức Bình Đông, Ea Ly, Ea Bar, Ea Bá, Ea Bia, Ea Lâm, Sông Hinh và thị trấn Hai Riêng bị bệnh khảm lá. Trong đó, nhiều nhất là xã Ea Lâm với 18 ha, xã Ea Bar 12 ha. Các giống sắn bị nhiễm bệnh nhập từ các tỉnh phía nam, như: HLS11, KM419.

* Huyện Quỳnh Lưu được xem là vựa dứa lớn nhất tỉnh Nghệ An. Năm nay, dù mới đầu vụ nhưng giá dứa bỗng giảm đột ngột, chỉ còn gần bằng một nửa so với năm 2018: giá dứa loại quả to chỉ khoảng 3.000 đến 3.500 đồng/kg. Loại nhỏ khoảng 1.000 đến 1.500 đồng/kg. Với giá như hiện tại thì mỗi héc-ta trồng dứa, người dân bị lỗ từ 20 đến 30 triệu đồng.

* 170 nông hộ chuyên canh ngô (bắp) ở xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận đang gặp khó khăn vì khoảng 200 ha bắp lai bị thất thu nặng. Bắp được xuống giống từ cuối tháng 10-2018, nay đến kỳ thu hoạch nhưng gần 80% diện tích bắp chỉ có cùi hoặc rất ít hạt. Do thất thu vụ bắp này, ít nhất hơn 50 ha của vùng bắp trọng điểm ở xã Mỹ Sơn không thể tái sản xuất.

* Bước vào vụ thu hoạch mì (sắn) năm nay, nông dân huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) đối mặt với tình trạng thua lỗ do năng suất thấp và giá giảm mạnh. Theo ngành nông nghiệp huyện Cam Lâm, cả cây mì và mía năm nay đều giảm mạnh năng suất, giảm giá trong khi chi phí nhân công thu hoạch tăng đến 250 nghìn đồng/ngày khiến nông dân hết sức khó khăn.

* Theo UBND huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng), hiện người trồng mía ở đây đang gặp khó khăn lớn do giá mía xuống rất thấp. Giá mía nguyên liệu mua tại nhà máy ở mức 800 đồng/kg loại mía 10 chữ đường. Còn thương lái mua tại ruộng chỉ từ 200 đến 300 đồng/kg. Phần lớn người trồng mía năm nay bị lỗ.

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/39615002-chu-dong-phuong-an-phong-chay-chua-chay-rung.html