Chủ động phòng tránh các bệnh không lây nhiễm

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 77% trường hợp tử vong và 70% gánh nặng chi phí điều trị, dịch vụ y tế trên thế giới đều bắt nguồn từ các bệnh không lây nhiễm. Đây chính là 'tiền thân' của các bệnh hiểm nghèo, bệnh cần chữa trị dài ngày gây suy giảm sức chiến đấu, khả năng công tác của bộ đội.

Về cơ bản, các bệnh không lây nhiễm không đột ngột dẫn đến cái chết như các dịch bệnh truyền nhiễm, như các trường hợp đột tử, tử vong nhanh. Bệnh không lây nhiễm là các bệnh do nhiều nguyên nhân gây nên, diễn biến trong một thời gian dài, có thể gây ra tàn tật và hầu hết không thể khỏi hoàn toàn. Bệnh không lây nhiễm có nguy cơ gây tử vong lớn nhất Việt Nam, bao gồm các bệnh tim mạch, cao huyết áp, đái tháo đường, ung thư, các bệnh liên quan đến hô hấp mà không gây lây nhiễm, các hội chứng tâm lý, rối loạn tâm thần...

Theo thống kê của WHO, mỗi năm có khoảng 15 triệu người chết vì các bệnh không lây nhiễm nằm trong độ tuổi từ 30 đến 69, trong đó trên 85% những trường hợp tử vong ở người trẻ này thường xảy ra ở các quốc gia thuộc nhóm thu nhập thấp và trung bình. Đây là lý do giải thích vì sao các bệnh không lây nhiễm được các chuyên gia y tế xem là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới.

Trung bình mỗi năm, nước ta có khoảng 12 triệu người mắc bệnh tăng huyết áp, gần 3 triệu ca mắc bệnh đái tháo đường, 2 triệu người mắc các bệnh tim mạch và hô hấp mạn tính và hơn 120.000 ca mắc mới ung thư, rối loạn tâm thần... WHO cảnh báo, lối sống liên quan rất lớn đến sức khỏe, đặc biệt các bệnh không lây nhiễm: hút thuốc lá là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, với khoảng 7,2 triệu ca tử vong mỗi năm (bao gồm cả ảnh hưởng của thuốc lá đến những người hút thuốc lá bị động); hơn 3,3 triệu ca tử vong có liên quan đến việc sử dụng đồ uống có cồn (bao gồm cả bệnh ung thư); thiếu vận động thể thao cũng là một nguyên nhân gián tiếp gây ra khoảng 1,6 ca tử vong mỗi năm...

Bên cạnh đó, có rất nhiều người mắc bệnh nhưng không nằm trong thống kê, hoặc không có khả năng tham gia điều trị bệnh. Rất nhiều bệnh nhân không biết mình đang mắc bệnh cao huyết áp hay đái tháo đường. Tỉ lệ bệnh nhân đang thực sự điều trị căn bệnh này ở Việt Nam khá thấp, chỉ ở mức 29% bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường và 14% bệnh nhân cao huyết áp đang được nhận các chăm sóc y tế cần thiết.

Chính vì những lý do trên, một thực tế đang diễn ra tại Việt Nam là rất nhiều bệnh nhân mắc các bệnh không lây nhiễm nguy hiểm chỉ phát hiện bệnh ở giai đoạn rất muộn. Năm yếu tố nguy cơ chính gây nên sự gia tăng các bệnh lý này gồm: Hút thuốc lá, ít hoạt động thể lực, uống rượu bia ở mức có hại, chế độ ăn không lành mạnh và ô nhiễm không khí. Để giải quyết những căn nguyên đó, bản thân mỗi cá nhân cần chủ động dự phòng bệnh tật, khám sức khỏe định kỳ, phát hiện sớm các bệnh không lây nhiễm để được điều trị sớm, giảm thiểu những hậu quả lâu dài của bệnh.

Một số gợi ý cho các cá nhân như: Thường xuyên theo dõi chỉ số BMI của cơ thể để hạn chế các nguy cơ về béo phì, thực hiện đo huyết áp thường xuyên, xét nghiệm đường máu tối thiểu 1 lần/năm và tham gia chẩn đoán, phát hiện sớm một số bệnh ung thư phổ biến thông qua khám sàng lọc tại các cơ sở y tế (Chỉ số BMI được tính bằng công thức: BMI = cân nặng (kg)/chiều cao2(m). Cách đánh giá như sau: BMI dưới 18,5: thiếu cân; từ 18, 5 - 24,9: cân đối; 25 - 29,9: thừa cân; 30 - 34,9: béo phì; trên 35: béo phì nguy hiểm). Phòng bệnh hiệu quả nhất bằng cách tăng cường vận động, tập thể dục thể thao, thực hiện chế độ ăn uống cân bằng và nhiều rau xanh, đồng thời, hạn chế tối đa các yếu tố nguy cơ như rượu bia, thuốc lá, ô nhiễm môi trường...

Hiện nay, trong lực lượng BĐBP có khoảng hơn 200 cán bộ mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh cần chữa trị dài ngày, bệnh tâm thần... đang được theo dõi, điều trị và chờ giám định theo Thông tư 157/2013/TT-BQP của Bộ Quốc phòng; các bệnh nhân nêu trên hầu hết đều mắc các bệnh không lây nhiễm lâu ngày, điều trị chưa triệt để, dự phòng không đúng cách...

Từ số báo sau, Phòng Quân y BĐBP sẽ lần lượt đăng tải thông tin về các bệnh không lây nhiễm, nguyên nhân, triệu chứng, các biện pháp điều trị dự phòng để cán bộ, chiến sỹ BĐBP nghiên cứu, chủ động dự phòng cho bản thân và đồng đội, nhằm giảm số lượng người mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh cần chữa trị dài ngày, góp phần giảm tỷ lệ đột tử, tử vong nhanh do bệnh lý trong BĐBP.

Phòng Quân y BĐBP

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/chu-dong-phong-tranh-cac-benh-khong-lay-nhiem-post439368.html