Chủ động phòng ngừa và xử lý kịp thời các tình huống cháy, nổ

Mặc dù các cơ quan chức năng đã tăng cường công tác tuyên truyền về phòng, chống cháy, nổ (PCCN), nhưng tình hình cháy, nổ trên phạm vi cả nước vẫn diễn biến phức tạp, khó lường. Đặc biệt, thời gian gần đây, nhiều vụ cháy xảy ra gây thiệt hại không nhỏ về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân.

Cháy, nổ vẫn “nóng”

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê công bố ngày 28-9: Từ đầu năm 2019 đến nay, cả nước xảy ra gần 2.960 vụ cháy, nổ, làm 76 người chết và 124 người bị thương, thiệt hại ước tính hơn 1.057 tỷ đồng. Riêng trong tháng 9, cả nước xảy ra 239 vụ cháy, nổ, làm 5 người chết và 5 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính gần 200 tỷ đồng. Con số trên bằng gần 1/5 tổng thiệt hại từ đầu năm đến nay.

Báo cáo của Cục Cứu hộ-Cứu nạn (Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam) trong 9 tháng năm 2019 cho thấy: Các vụ cháy, nổ làm chìm, cháy, hư hỏng 450 phương tiện các loại, hơn 700 căn nhà, xưởng và gần 1.950ha rừng. Các đơn vị quân đội và địa phương đã huy động hơn 36.600 cán bộ, chiến sĩ, gần 44.700 dân quân, tự vệ và hơn 57.300 người thuộc các lực lượng khác, cùng hơn 2.200 phương tiện tham gia cứu hộ, cứu nạn (CHCN) và xử lý các vụ cháy, nổ.

Như vậy, tình hình cháy, nổ thời gian qua diễn biến rất phức tạp, với nhiều vụ cháy lớn, điển hình như: Vụ cháy xảy ra tại phường Trung Văn (Nam Từ Liêm, Hà Nội), khiến 8 người chết, 4 nhà xưởng bị cháy rụi; vụ cháy xảy ra tại khu vực Kho 87 Hạ Đình thuộc Công ty Cổ phần Bóng đèn, Phích nước Rạng Đông, ước tính thiệt hại 150 tỷ đồng; đồng thời gây ô nhiễm môi trường khá nghiêm trọng. Gần đây nhất, ngày 28-9, hỏa hoạn bùng phát tại khu vực sân khấu của Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt-Xô, khiến nhiều tài sản có giá trị bị thiêu rụi. Cùng với đó, các vụ cháy rừng cũng liên tiếp xảy ra tại các tỉnh, như: Nghệ An, Hà Tĩnh, Sơn La… gây thiệt hại nặng nề về kinh tế với hàng trăm héc-ta rừng, thảm thực vật bị thiêu rụi.

 Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 649 (Cục Vận tải, Tổng cục Hậu cần) diễn tập xử lý tình huống cháy nổ.

Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 649 (Cục Vận tải, Tổng cục Hậu cần) diễn tập xử lý tình huống cháy nổ.

Theo các cơ quan chức năng, nguyên nhân căn cốt nhất để xảy ra các vụ cháy thời gian gần đây đều do ý thức của người dân về công tác PCCN chưa tốt, còn chủ quan trong quá trình sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt phát sinh gây cháy, nổ. Đối với các vụ cháy rừng, ngoài những yếu tố khách quan do thời tiết nóng, nắng kéo dài, kẻ xấu phá hoại, thì việc người dân chủ quan khi đốt nương rẫy, đốt thực bì, đốt cỏ hay đốt ong lấy mật… là nguyên nhân chính.

Nâng cao nhận thức, chủ động phòng ngừa cháy, nổ

Trước thực trạng trên, các ban, bộ, ngành Trung ương và nhiều địa phương đã ban hành các văn bản chỉ đạo nhằm chủ động phòng ngừa, làm giảm thiệt hại do cháy, nổ gây ra.

Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (CNCH), Bộ Công an, đã ban hành nhiều văn bản, hướng dẫn chỉ đạo toàn diện công tác PCCC và CNCH. Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH nhiều tỉnh, thành phố cũng điều động hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ, cùng hàng trăm phương tiện các loại, tham gia khống chế, khắc phục hậu quả các vụ cháy, nổ.

Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ban hành chỉ thị về việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác PCCC, phòng ngừa, ngăn chặn, giảm sự cố cháy, nổ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, nhiều cơ quan, đơn vị đã quán triệt nghiêm túc và tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, cũng như tăng cường công tác phối hợp giữa các lực lượng trong xử lý sự cố và khắc phục hậu quả. Bởi vậy, ngay sau khi sự cố cháy, nổ xảy ra tại Công ty Cổ phần Bóng đèn, Phích nước Rạng Đông, Viện Hóa học môi trường quân sự cùng Trung tâm Ứng cứu sự cố phóng xạ hạt nhân miền Bắc (Binh chủng Hóa học) và Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã thực hiện tốt việc tiêu tẩy độc cho khoảng 6.000m2 nhà kho bị cháy, kịp thời ngăn chặn sự phát tán của tro, bụi nhiễm độc ra môi trường.

Khảo sát tại Công ty TNHH MTV Cơ khí 83 (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng), chúng tôi ghi nhận đơn vị thực hiện nghiêm các quy định về an toàn lao động. Tại các khu vực nguy hiểm có nguy cơ cháy, nổ cao đều có biển báo, biển cấm, biển chỉ dẫn… được treo tại các vị trí làm việc của từng phân xưởng. Theo Thượng tá Bùi Văn Lương, Chủ tịch Công ty Cơ khí 83: Đơn vị thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành các quy định an toàn đối với công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động. Đặc biệt, đối với công việc sửa chữa, bảo quản vũ khí, đạn, thì nội quy, quy định về an toàn luôn được gắn với yêu cầu nhiệm vụ thực tế. Còn tại Nhà máy Z121 (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng), việc phòng ngừa các nguy cơ cháy, nổ thời gian vừa qua được thực hiện rất nghiêm ngặt…

Cùng với đó, nhiều cơ quan, đơn vị và địa phương đã chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền, chủ động xây dựng kế hoạch và giáo dục, quán triệt nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ và người dân về PCCN. Tuy nhiên, theo Đại tá Nguyễn Văn Tiền, Trưởng phòng PCCN, Cứu hộ-Cứu nạn (Cục Cứu hộ-Cứu nạn, Bộ Tổng Tham mưu), cần phải tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức trách nhiệm trong chấp hành quy định pháp luật về PCCC cho mọi cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. Các cấp ủy, chỉ huy các cấp thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, rà soát các kế hoạch, phương án PCCN tại cơ quan, đơn vị, địa phương; kịp thời điều chỉnh, bổ sung sát với tình hình thực tế nhiệm vụ, địa bàn. Các cơ quan, đơn vị duy trì nghiêm chế độ trực ở tất cả các cấp, nắm chắc tình hình cháy, nổ, cháy rừng trên địa bàn đảm nhiệm, tham mưu, đề xuất kịp thời cho chỉ huy các cấp và cấp ủy, chính quyền địa phương để xử lý hiệu quả các tình huống cháy, nổ; tổ chức thực hiện nghiêm quy chế phối hợp giữa quân đội, công an, kiểm lâm trong công tác PCCC, bảo vệ rừng và xử lý các tình huống. Cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện hiệu quả phương châm "bốn tại chỗ", chuẩn bị tốt lực lượng, phương tiện, tổ chức huấn luyện, luyện tập thuần thục các phương án để nâng cao trình độ tổ chức chỉ huy, sự phối hợp hiệp đồng của các lực lượng; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra của các cơ quan chức năng địa phương về công tác PCCN; sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia ứng phó, xử lý kịp thời, hiệu quả khi tình huống xảy ra, bảo đảm an toàn cơ quan, đơn vị, địa bàn đảm nhiệm; có cơ chế phối hợp chặt chẽ để kịp thời huy động lực lượng, phương tiện xử lý các sự cố. Đồng thời, phải tăng cường kiểm tra, giám sát nguy cơ cháy, nổ; kiên quyết xử lý nghiêm khắc những cá nhân, tập thể có ý thức, việc làm thiếu trách nhiệm, gây hiểm họa và là nguyên nhân xảy ra các vụ cháy, nổ....

Bài và ảnh: HÀ KHÁNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/chu-dong-phong-ngua-va-xu-ly-kip-thoi-cac-tinh-huong-chay-no-592669