Chủ động phòng ngừa tai nạn lao động

Tình trạng mất an toàn lao động, để xảy ra tai nạn đối với người lao động trên địa bàn tỉnh tuy đã giảm so với trước, song luôn là vấn đề 'nóng'. Tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp phòng ngừa, đảm bảo điều kiện, môi trường làm việc an toàn, lành mạnh, nâng cao sức khỏe cho người lao động.

Trung tâm Cấp cứu mỏ thực hiện diễn tập phòng cháy, chữa cháy.

Trung tâm Cấp cứu mỏ thực hiện diễn tập phòng cháy, chữa cháy.

Để xảy ra tai nạn lao động (TNLĐ) là điều không ai mong muốn, bởi gây ra những mất mát, thiệt hại không thể bù đắp với người lao động, doanh nghiệp, người sử dụng lao động. Bởi vậy, hằng năm tỉnh đều chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị triển khai công tác huấn luyện an toàn lao động, thực hiện xã hội hóa, phát huy các nguồn lực đầu tư cho hoạt động dịch vụ an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ). Theo đó, các sở, ngành đã lồng ghép việc huấn luyện, phổ biến kiến thức, kỹ năng về ATVSLĐ với các vấn đề về bảo vệ môi trường, ứng phó với sự cố tràn dầu, sử dụng điện tiết kiệm, an toàn; các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh đã tổ chức huấn luyện ATVSLĐ, phòng chống cháy nổ cho hàng trăm nghìn lượt người.

Các địa phương, đơn vị cũng tổ chức nhiều cuộc kiểm tra liên ngành tại các doanh nghiệp, khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, huấn luyện an toàn lao động…, góp phần nâng cao ý thức về ATVSLĐ của các đơn vị, tổ chức trên địa bàn tỉnh. Công tác thanh tra, kiểm tra tập trung vào các doanh nghiệp, cơ sở có nguy cơ cao về mất ATVSLĐ; tăng cường hình thức thanh, kiểm tra đột xuất; kiên quyết đình chỉ, tạm dừng sản xuất đối với các máy móc, thiết bị, vị trí không đảm bảo điều kiện an toàn. Sau các đợt thanh tra, kiểm tra đều tiến hành tổng hợp, đánh giá, chấn chỉnh, nhắc nhở tới các cơ sở có cùng lĩnh vực để rút kinh nghiệm chung theo chuyên đề.

Công nhân Công ty CP Gốm Đất Việt (TX Đông Triều) luôn tuân thủ các quy định về ATVSLĐ.

Theo số liệu báo cáo, thống kê năm 2019, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để xảy ra 602 vụ TNLĐ; trong đó 33 người chết (29 vụ), 408 người bị thương nặng, 194 người bị thương nhẹ. Trong quý I/2020 trên địa bàn tỉnh xảy ra 8 vụ TNLĐ, làm 8 người chết (trong đó khu vực có quan hệ hợp đồng lao động 5 vụ, không theo hợp đồng lao động 3 vụ).

Qua điều tra, phân tích từ các vụ TNLĐ, cơ quan chức năng chỉ ra nhiều nguyên nhân. Trong đó nhóm các nguyên nhân chính: Chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của cán bộ chưa cao; chưa sâu sát trong chỉ đạo thi công; tổ chức sắp xếp nơi làm việc chưa đảm bảo; tuyên truyền, giáo dục, huấn luyện ATVSLĐ chưa hiệu quả, chiếm 80,3% số vụ. Công tác lập, duyệt hồ sơ kỹ thuật, hộ chiếu, biện pháp thi công, biện pháp kỹ thuật an toàn chưa đảm bảo; chưa dự báo, kiểm soát hết các nguy cơ có thể xảy ra TNLĐ để lập các biện pháp phòng tránh và chỉ đạo tổ chức thực hiện, chiếm 35,7% số vụ.

Về phía người lao động, do trình độ, kinh nghiệm, tác phong công nghiệp của công nhân còn hạn chế, thiếu thận trọng trong thao tác; chưa chấp hành nghiêm túc nội quy kỷ luật lao động; chủ quan, vi phạm quy trình, quy định kỹ thuật an toàn; sự phối hợp công việc trong nhóm thợ chưa tốt dẫn đến tai nạn cho bản thân và đồng đội.

Công ty Than Vàng Danh - Vinacomin luôn chú trọng đảm bảo an toàn trong khai thác than. Ảnh: Phạm Cường

Ông Nguyễn Hoài Sơn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, cho biết: Công tác đảm bảo ATVSLĐ không chỉ làm tốt trong Tháng hành động về ATVSLĐ, mà cần phải duy trì thường xuyên. Đó là đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, huấn luyện ATVSLĐ cho người lao động; cải thiện điều kiện lao động, đánh giá, quản lý, kiểm soát các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ tại nơi làm việc. Qua đó tạo ý thức, nền nếp, thói quen tuân thủ các quy định về ATVSLĐ của người lao động, phòng ngừa các nguy cơ, rủi ro về TNLĐ.

Thu Trang

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202005/chu-dong-phong-ngua-tai-nan-lao-dong-2483481/