Chủ động phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết

Trong những ngày gần đây, số lượng bệnh nhân nhập viện để điều trị sốt xuất huyết ngày càng tăng. Các bác sĩ cảnh báo, mặc dù năm nay không phải chu kỳ đỉnh dịch nhưng nếu không thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả, dịch bệnh sốt xuất huyết sẽ vẫn tiếp tục lây lan, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe cộng đồng.

Người dân P.Trảng Dài (TP.Biên Hòa) đổ nước đọng trong các dụng cụ chứa nước của gia đình. Ảnh: H.Dung

Người dân P.Trảng Dài (TP.Biên Hòa) đổ nước đọng trong các dụng cụ chứa nước của gia đình. Ảnh: H.Dung

Ghi nhận từ đầu năm đến nay, TP.Biên Hòa là địa phương có số ca mắc bệnh sốt xuất huyết dẫn đầu toàn tỉnh với gần 500 ca. Tiếp đến là TP.Long Khánh, H.Cẩm Mỹ, H.Nhơn Trạch.

* Hơn 1,5 ngàn ca mắc

Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh ghi nhận hơn 1,5 ngàn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, giảm hơn 60% so với cùng kỳ năm 2019, chưa ghi nhận trường hợp tử vong.

So với năm 2019, số ca mắc bệnh sốt xuất huyết giảm ở 10/11 địa phương, trong đó giảm nhiều nhất ở H.Trảng Bom (giảm hơn 80%), H.Nhơn Trạch, H.Long Thành.

Chỉ có một địa phương có số ca mắc bệnh sốt xuất huyết tăng là H.Cẩm Mỹ. Riêng trong tháng 5-2020, H.Cẩm Mỹ ghi nhận 37 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 8 ca so với cùng kỳ năm 2019, nâng tổng số ca mắc từ đầu năm đến nay lên 162 ca, số ca mắc nhiều tập trung ở các xã: Bảo Bình, Xuân Quế, Xuân Đường, Xuân Mỹ.

BS Phan Văn Phúc, Trưởng khoa Bệnh truyền nhiễm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho hay, qua hoạt động giám sát côn trùng trọng điểm trên toàn tỉnh cho thấy, Đồng Nai có cả 2 loại muỗi gây bệnh sốt xuất huyết là muỗi Aedes aegypti (muỗi vằn) và Aedes albopictus, trong đó muỗi vằn là vector truyền bệnh chủ yếu. Muỗi vằn có đặc điểm sống trong nhà, ở khu vực có nhiều người, hay trú đậu ở những nơi có ánh sáng yếu, chỗ tối trong nhà như mặt dưới đồ gỗ, cây treo quần áo, nhà vệ sinh, gầm giường. Còn muỗi Aedes albopictus sống chủ yếu ở ngoài vườn, khu vực có nhiều cây xanh, thường đẻ trứng vào những dụng cụ chứa nước, ở những nơi có nước đọng.

“Thời điểm này mới bắt đầu mùa mưa nhưng số ca bệnh sốt xuất huyết đã tăng lên rõ rệt. Thời gian tới, mật độ muỗi mang mầm bệnh sẽ ngày càng nhiều và nhiều người bị muỗi đốt, mang virus Dengue gây bệnh sốt xuất huyết là điều không thể tránh khỏi. Do đó, người dân tuyệt đối không được chủ quan, lơ là phòng bệnh, dù không phải là năm chu kỳ của đỉnh dịch nhưng bệnh sốt xuất huyết luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát rất cao” - BS Phúc cho biết.

* Đề phòng những ca bệnh nặng

BS Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai chia sẻ, bệnh sốt xuất huyết rất dễ lây lan thành dịch. Tuy nhiên, việc phát hiện một người bị mắc bệnh sốt xuất huyết không dễ bởi cứ 1 ngàn người nhiễm virus Dengue thì chỉ có 100 người bộc lộ triệu chứng ra bên ngoài như: sốt cao, đau đầu, mệt mỏi. Vì thế, khi bệnh nhân vào bệnh viện để khám và nhập viện điều trị thì đã bước sang ngày thứ 3 trở đi.

“Việc phát hiện và điều trị bệnh sốt xuất huyết muộn có thể dẫn đến nhiều hệ quả nặng nề. Trung bình mỗi năm, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai tiếp nhận khoảng 300 ca bệnh sốc sốt xuất huyết nặng. Đáng lưu ý, năm 2018, bệnh viện tiếp nhận và điều trị cho khoảng 1 ngàn ca sốc sốt xuất huyết nặng, trong đó nhiều trường hợp có nguy cơ tử vong. Có những trường hợp phải điều trị ròng rã nhiều tháng trời mới khỏi bệnh” - BS Nghĩa cảnh báo.

Mới đây, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đã điều trị cho một bệnh nhi bị sốc sốt xuất huyết kèm theo bệnh gan và một số vấn đề khác. Mặc dù tình trạng bệnh chưa quá nguy hiểm nhưng việc theo dõi, điều trị cho bệnh nhân này khó khăn hơn nhiều so với những bệnh nhân bị sốt xuất huyết mà không sốc.

Để công tác phòng, chống sốt xuất huyết đạt hiệu quả cao trong 6 tháng cuối năm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bạch Thái Bình đề nghị các trung tâm y tế cấp huyện cần chủ động hơn nữa trong việc kiểm tra, giám sát, xử lý ổ dịch sốt xuất huyết và diệt lăng quăng trên địa bàn, hạn chế để dịch bệnh lây lan. Đồng thời, xây dựng kế hoạch phun hóa chất diện rộng và diệt lăng quăng vòng 3, vòng 4.

Riêng với khối điều trị, Sở Y tế vừa có văn bản đề nghị các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện tốt việc chẩn đoán sớm bệnh sốt xuất huyết, tăng cường quản lý bệnh nhân sốt xuất huyết đang điều trị tại cơ sở. Bên cạnh đó, cần chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc cần thiết, nhất là thuốc điều trị sốc sốt xuất huyết để kịp thời cứu chữa những ca bệnh nặng, hạn chế thấp nhất xảy ra tử vong do sốt xuất huyết.

Đối với người dân, do bệnh sốt xuất huyết chưa có vaccine phòng bệnh nên cách tốt nhất để không bị mắc bệnh là dọn dẹp nhà cửa, sân vườn sạch sẽ; lật úp các vật dụng chứa nước không cần thiết; diệt muỗi, ngủ mùng, mặc quần áo dài tay… Khi có dấu hiệu sốt cao không hạ, đau đầu, mệt mỏi, cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị kịp thời.

Trong 6 tháng đầu năm nay, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã phối hợp với trung tâm y tế các huyện, thành phố tiến hành phun hóa chất trên diện rộng tại các địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết cao như: TP.Biên Hòa, TP.Long Khánh, H.Nhơn Trạch, H.Cẩm Mỹ; đồng thời, triển khai chiến dịch diệt lăng quăng vòng 1 và 2 tại 170 xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh. Trung bình mỗi tháng, toàn tỉnh có hơn 65 ngàn hộ gia đình được tuyên truyền, hướng dẫn cách diệt muỗi, hơn 13 ngàn dụng cụ chứa nước đọng được xử lý, cấp gần 5 ngàn tờ rơi tuyên truyền phòng, chống bệnh sốt xuất huyết...

Hạnh Dung

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/202006/chu-dong-phong-ngua-benh-sot-xuat-huyet-3009548/