Chủ động phòng, chống rét cho nuôi trồng thủy sản

Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đang chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống rét cho nuôi trồng thủy sản, nhằm ổn định nguồn thủy sản cung cấp vào dịp Tết Nguyên đán và bảo đảm lưu giữ nguồn giống gốc để sinh sản, cung cấp con giống cho vụ nuôi sắp tới.

Các hộ nuôi tôm công nghiệp ở xã Hoằng Yến (Hoằng Hóa) chủ động đầu tư mái che nuôi tôm vụ đông.

Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn tỉnh Thanh Hóa, trong thời gian tới có 3 - 5 đợt gây rét đậm, rét hại (nhiệt độ không khí trung bình ngày khoảng 150C) tập trung từ giữa tháng 12-2020 đến tháng 2-2021. Để chủ động phòng chống rét, giảm thiểu thiệt hại cho nuôi trồng thủy sản (NTTS), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các huyện, thị, thành phố trong tỉnh tập trung chỉ đạo phòng chống rét tại các cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống và nuôi thủy sản thương phẩm. Giao trách nhiệm cho cấp ủy, chính quyền cơ sở phối hợp với các đoàn thể huy động nguồn nhân lực, vật lực tại chỗ, bám sát địa bàn, áp dụng các biện pháp phòng chống rét cho động vật thủy sản nuôi khi rét đậm, rét hại xảy ra. Đồng thời, hướng dẫn các cơ sở sản xuất giống thủy sản, cơ sở nuôi thương phẩm trên địa bàn theo dõi sát tình hình thời tiết, chủ động thực hiện biện pháp phòng, chống rét cho thủy sản bố mẹ, giống và nuôi thủy sản thương phẩm. Đối với các đối tượng nuôi đạt kích cỡ thương phẩm, nhất là đối tượng chịu rét kém, như: cá lóc, cá rô phi, cá vược, tôm,... tập trung thu hoạch khi con nuôi đạt kích cỡ thương phẩm. Những diện tích NTTS chưa đạt kích cỡ thương phẩm, duy trì mực nước ao nuôi đảm bảo độ sâu từ 1,5 - 2m; thả bèo tây trên mặt ao chiếm 1/2 - 2/3 diện tích ao nuôi; thả sọt tránh rét cho cá ở góc phía Bắc của ao nuôi, sử dụng các sọt đan bằng tre nứa, đưa vào sọt các búi rơm tạo giá thể để cá trú ẩn tránh rét... Những cơ sở có điều kiện có thể làm khung và che phủ bề mặt ao bằng nilon màu sáng để ngăn gió, cách nhiệt không khí, tăng khả năng giữ nhiệt độ cho nước ao nuôi và khi trời có nắng sẽ tăng khả năng hấp thụ năng lượng mặt trời bổ sung nhiệt cho ao nuôi. Cho ăn đầy đủ, sử dụng các loại thức ăn có chất lượng cao, bổ sung thêm Vitamin C và khoáng chất để tăng sức đề kháng. Khi nhiệt độ nước khoảng 120C thì ngừng cho ăn, vào thời điểm nắng ấm trong ngày có thể cho ăn bằng thức ăn tinh, thức ăn chế biến... Hàng ngày theo dõi chất lượng nước, không đưa các loại phân xuống ao làm ảnh hưởng xấu đến môi trường nước. Bổ sung lượng nước cần thiết để đảm bảo độ sâu theo yêu cầu kỹ thuật. Quan sát, theo dõi sức khỏe của đối tượng nuôi để xử lý kịp thời. Không kéo lưới kiểm tra hoặc thu hoạch tỉa khi thời tiết rét đậm, rét hại.

Hiện toàn tỉnh có 19.000 ha diện tích NTTS; trong đó, có 7.700 ha nước mặn, lợ; 11.300 ha nước ngọt và 1.500 lồng nuôi cá biển; diện tích hiện đang nuôi khoảng 45%, những diện tích còn lại đều đã cơ bản thu hoạch xong. Hiện Chi cục Thủy sản đang tích cực phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống và các hộ nuôi thủy sản thương phẩm thực hiện tốt các biện pháp phòng chống rét cho các đối tượng nuôi. Đồng thời, tổ chức hướng dẫn, tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh để các cơ sở, các hộ nuôi nắm bắt được đầy đủ, nhanh chóng, kịp thời thực hiện các biện pháp phòng chống rét cho thủy sản bố mẹ, giống và thủy sản nuôi thương phẩm, nhằm hạn chế thiệt hại xảy ra. Việc chăm sóc tốt các đối tượng thủy sản nuôi trong mùa đông sẽ giúp người dân có nguồn thu, bảo đảm nguồn cung thực phẩm phục vụ thị trường tết. Đối với các cơ sở lưu giống cá bố mẹ và ươm nuôi giống thủy sản sẽ chủ động được nguồn giống cung cấp cho vụ nuôi đầu năm tới.

Bài và ảnh: Hải Đăng

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/chu-dong-phong-chong-ret-cho-nuoi-trong-thuy-san/128690.htm