Chủ động phòng chống, không để lây lan dịch tay chân miệng

Theo hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm từ đầu năm 2021 đến nay cả nước ghi nhận 17.451 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, trong đó có 4 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2020, số mắc tăng 4 lần và gia tăng chủ yếu khu vực miền Nam và cục bộ tại một số tỉnh, thành phố như: Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An, Đồng Tháp, An Giang. Tại Thanh Hóa, bệnh tay chân miệng vẫn đang được kiểm soát tốt.

Bệnh nhi mắc tay chân miệng đang điều trị tại Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 33 trường hợp mắc tay chân miệng. Bệnh nhân xuất hiện rải rác ở nhiều địa phương, không xuất hiện ổ dịch. Đa phần trẻ mắc tay chân miệng đến khám và điều trị ở các cơ sở y tế trong tình trạng bệnh nhẹ, không có biến chứng do được phát hiện sớm.

Trao đổi với bác sĩ Lương Đức Huy, Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa, được biết, trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận, điều trị từ 1 đến 2 bệnh nhi mắc tay chân miệng, bệnh rải rác quanh năm; mùa đông xuân có thời điểm khoa tiếp nhận điều trị 30-40 ca bệnh.

Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa và tiếp xúc, thường gặp ở trẻ nhỏ. Bệnh chưa có vắc - xin dự phòng, chưa có thuốc điều trị đặc biệu. Nguyên nhân gây bệnh liên quan đến việc vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường và ăn uống không bảo đảm.

Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là: sốt, đau họng, kém ăn, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Trong 1-2 ngày đầu nhiễm bệnh, trẻ xuất hiện những nốt ban hồng có đường kính vài mm, nổi trên bề mặt da. Sau đó, các nốt ban này sẽ trở thành bóng nước. Các vết loét phía trong miệng, trên đầu lưỡi, vòm miệng, lợi có thể bị lở loét, gây đau đớn mỗi khi nuốt. Ngoài ra, các vết loét cũng có thể xuất hiện ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông…; những bệnh nhân nặng sẽ biến chứng dẫn tới viêm cơ tim, tổn thương phổi, tổn thương não.

Khi thấy trẻ sốt cao liên tục, quấy khóc nhiều, giật mình, nôn, đi đứng chới với, run chân tay, rung giật nhãn cầu… cha mẹ cần đưa trẻ đi khám càng sớm càng tốt để bác sĩ xác định mức độ bệnh và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất.

Để chủ động phòng, chống bệnh tay chân miệng, các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng cần thực hiện các biện pháp sau: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, nước sát khuẩn; thực hiện tốt vệ sinh ăn uống (ăn chín, uống chín, vật dụng ăn uống phải bảo đảm được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng); thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn, ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

Tô Hà

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/y-te-suc-khoe/chu-dong-phong-chong-khong-de-lay-lan-dich-tay-chan-mieng/134727.htm