Chủ động phòng chống hạn, mặn và thiếu nước

Mùa khô năm 2019 được dự báo diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài, nguy cơ xảy ra hạn hán và xâm nhập mặn rất cao đối với khu vực Tây Nam Bộ. Với tỉnh An Giang, hiện đang triển khai phương án phòng chống hạn, xâm nhập mặn bảo vệ sản xuất với diện tích trồng lúa và hoa màu trên 260.000 ha; trong đó, có hơn 24.000 ha có khả năng bị ảnh hưởng của hạn hán và xâm nhập mặn.

Tới thời điểm này, khu vực có khả năng ảnh hưởng thiếu nước phục vụ cho sản xuất lúa vùng cao khoảng 7.000 ha tại 2 huyện Tri Tôn (gồm các xã Châu Lăng, Cô Tô, An Tức, Lê Trì) và Tịnh Biên (gồm các xã An Cư, An Hảo, Nhơn Hưng, Chi Lăng). Dự kiến, thời gian chịu ảnh hưởng trung bình khi xảy ra khô hạn khoảng 2 tháng (từ tháng 4 đến tháng 5).

Còn tại Kiên Giang, dự báo độ mặn cao nhất vùng cửa sông tỉnh này khả năng xuất hiện khoảng từ tuần thứ hai tháng 4 đến tháng 5. Cảnh báo độ mặn sẽ xâm nhập vào vùng giáp ranh giữa hai tỉnh Kiên Giang - An Giang qua hệ thống kênh nhánh, tại các khu vực chưa có hệ thống cống, đập ngăn mặn; độ mặn cao nhất ở 2 huyện Tri Tôn và Thoại Sơn có khả năng ở mức cao hơn năm 2018.

Tại Hậu Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long… cũng đã xuất hiện dấu hiệu hạn hán do nắng nóng kéo dài. Các địa phương này cũng đã lên phương án chống hạn. Đối với khu vực cửa sông ra biển, địa phương cũng đã trù bị việc triều cường, mặn xâm nhập nội đồng.

Trong khi đó, cơ quan khí tượng thủy văn dự báo, từ đầu tháng 4 đến hết tháng 5, nhiệt độ trung bình vùng Tây Nam Bộ cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ từ 0,5-1 độ C, phổ biến từ 34-36 độ C, có nơi trên 36 độ C, nhất là ở hai huyện miền núi Tri Tôn và Tịnh Biên (An Giang). Trong khi đó, mực nước các sông thấp hơn từ 0,1-0,3m so cùng kỳ năm 2018.

C.M.

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/moi-truong/chu-dong-phong-chong-han-man-va-thieu-nuoc-tintuc433613