Chủ động phòng chống hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long

Những năm gần đây, biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Khô hạn, mặn xâm nhập cao, nước biển dâng… đã làm khu vực này bị tổn thương nghiêm trọng. Trước thực trạng trên đòi hỏi có những ứng phó quyết liệt, trong đó, kỹ năng phòng chống xâm ngập mặn và hạn hán của người dân là rất cần thiết.

Theo Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, từ năm 2010 đến nay, xâm nhập mặn đến sớm từ 1 đến 1,5 tháng và kéo dài hơn so với trước đây. Độ mặn đầu mùa khô khả năng lớn hơn giữa mùa, ngược với quy luật xâm nhập mặn. Năm 2018, diễn biến hạn, mặn không khắc nghiệt như những năm 2015, 2016 nhưng tương đối phức tạp. Mới đầu mùa khô nhưng nồng độ mặn với ranh mặn 4g/l xâm nhập vào đất liền từ 15 đến 45km đã xuất hiện ở nhiều vùng ven biển ĐBSCL. Trong đó, khu vực trên hai sông Vàm Cỏ, độ mặn xuất hiện lớn nhất so với cùng kỳ năm 2017 còn thấp hơn từ 0-1,3g/l; khu vực cửa sông Cửu Long nồng độ mặn xuất hiện lớn nhất so với cùng kỳ năm 2017 thấp hơn từ 0,5-5,8g/l; khu vực ven biển Tây, trên sông Cái Lớn, nồng độ mặn xuất hiện lớn nhất so với cùng kỳ năm 2017 thấp hơn 4,1-5,6g/l…

Nạo vét, khơi thông dòng chảy vào các khu vực tích trữ nước ngọt ở ĐBSCL (Ảnh: K.V)

Khảo sát tại một số địa phương ven biển như: Bến Tre, Tiền Giang, Kiên Giang, Cà Mau… chúng tôi được biết, hiện nước mặn đã tấn công sâu vào nội đồng từ 20 đến 25km. Trong khi đó, ở các tỉnh, thành phố còn lại đang phải đối mặt với tình trạng hạn hán. Cụ thể ở Bến Tre, nước mặn đã bắt đầu xâm nhập vào 3 cửa sông chính của tỉnh, gồm: Sông Cổ Chiên, Hàm Luông và Cửa Đại. Dự báo thời gian tới, khi triều cường kết hợp với gió chướng hoạt động mạnh, mặn sẽ xâm nhập sâu vào nội đồng, đe dọa sản xuất cũng như sinh hoạt của người dân. Nguy hại nhất là hơn 40.000ha vườn cây ăn trái rất mẫn cảm với hạn, mặn. Riêng vùng cồn Hố thuộc xã An Thủy, huyện Ba Tri, người dân đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.

Còn tỉnh Kiên Giang, vào khoảng giữa tháng 2, nước mặn bắt đầu xâm nhập khiến người dân trở tay không kịp. Một số diện tích lúa trong giai đoạn đòng trỗ thuộc địa bàn huyện Kiên Lương và Giang Thành bị ảnh hưởng. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Huỳnh Trung, Chi cục phó Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang cho biết: “Tình hình xâm nhập mặn trên địa bàn huyện đầu năm 2018 diễn ra hết sức phức tạp. Nước mặn xuất hiện sớm hơn so với dự báo. Mới xuất hiện nhưng nước mặn đã tấn công sâu vào nội đồng hơn 20km, làm cho trên 30.000ha lúa đang trong giai đoạn đòng trỗ tại hai xã Hòa Điền, Kiên Bình, huyện Kiên Lương và huyện Giang Thành bị ảnh hưởng. Tuy nhiên do chủ động ngay từ đầu nên các diện tích lúa bị ảnh hưởng nhẹ và hiện tại đã được khắc phục hoàn toàn”.

Để chủ động đối phó với tình trạng khô hạn và nhiễm mặn, ngành nông nghiệp các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long ngay từ sớm đã ban hành kế hoạch phòng, chống hạn, mặn trong mùa khô. Theo đó, ngành chức năng thường xuyên quan trắc, thông tin kịp thời đến các địa phương để người dân có kế hoạch bảo vệ. Đồng thời, kiểm tra, sửa chữa kịp thời những công trình cống không đảm bảo việc ngăn mặn. Cùng với đó, các địa phương cũng theo dõi chặt chẽ việc sản xuất lúa của người dân trong mùa khô hạn và có giải pháp ứng phó với các điều kiện khó khăn, diễn biến bất thường của thời tiết nhằm ổn định sản xuất, giúp tăng năng suất, nâng cao sản lượng gieo trồng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các đơn vị khai thác công trình thủy lợi phải theo dõi sát diễn biến của nguồn nước, để từ đó vận hành điều tiết phù hợp, hiệu quả. Đồng thời, bố trí nguồn lực để thực hiện các giải pháp dài hạn để chủ động đối phó với tình trạng này. Ngoài ra, các địa phương trong khu vực đưa ra lịch thời vụ hợp lý, vận hành điều tiết nước hiệu quả, phù hợp, phải hỗ trợ người dân, tuyên truyền nâng cao diện tích gieo sạ những giống chịu được hạn mặn, thời gian sinh trưởng ngắn ngày.

Các địa phương cũng chủ động tuyên truyền cho người dân thay đổi tư duy sản xuất, theo đó cần thay đổi kịp thời những giống cây trồng vật nuôi mới, không sử dụng nhiều nguồn nước, chịu được khô hạn, mặn mà vẫn cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao.

Hà Linh (T/h)

Nguồn MT&CS: http://moitruong.net.vn/chu-dong-phong-chong-han-man-o-dong-bang-song-cuu-long/