Chủ động phòng chống dịch với khôi phục sản xuất

Đại dịch COVID-19 không chỉ cướp đi sinh mạng của chục nghìn người trên thế giới mà còn được ví như 'cơn lốc' với kinh tế toàn cầu, nguy cơ khủng hoảng kinh tế. Không nằm ngoài tác động đó, mặc dù Việt Nam đang kiểm soát và khống chế khá tốt dịch bệnh nhưng tác động của dịch đã và đang ảnh hưởng xấu tới nền kinh tế.

Theo số liệu mới công bố của Tổng cục Thống kê về tình hình kinh tế - xã hội tháng 4/2020 và 4 tháng năm 2020, số liệu các ngành đều có những giảm sút đáng kể. Điểm sáng duy nhất là niềm tin vào sự thành công của công cuộc “chống dịch như chống giặc” mà Đảng và Nhà nước ta đang phát động, triển khai cộng với việc Chính phủ nhanh chóng ra các chính sách hỗ trợ được kỳ vọng sẽ góp phần tạo đà để kinh tế phục hồi trong thời gian tới.

Việt Nam bước đầu kiểm soát tốt dịch COVID-19 (Ảnh: TTXVN)

Sản xuất gặp khó

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tháng 4/2020 gặp khó khăn do hạn hán, xâm nhập mặn ảnh hưởng đến trồng trọt và nuôi trồng thủy sản; dịch tả lợn châu Phi được kiểm soát nhưng tốc độ tái đàn chậm; dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất, tiêu thụ và xuất, nhập khẩu nông sản. Sản lượng gỗ khai thác và sản lượng thủy sản trong tháng đều giảm so với cùng kỳ năm trước.

Trong tháng 4, sản xuất nông nghiệp tập trung vào chăm sóc cây trồng vụ đông xuân ở phía Bắc; thu hoạch lúa, hoa màu vụ đông xuân và gieo trồng lúa hè thu ở phía Nam. Tính đến ngày 15/4, cả nước gieo cấy được 3.021,3 nghìn ha lúa đông xuân, bằng 96,8% cùng kỳ năm trước. Đến trung tuần tháng 4, các địa phương phía Nam đã thu hoạch được 1.679,8 nghìn ha lúa đông xuân, chiếm 87,3% diện tích xuống giống và bằng 97,6% cùng kỳ năm trước, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch 1.487,7 nghìn ha, chiếm 96,2% và bằng 97,2%. Theo báo cáo sơ bộ của các địa phương, năng suất lúa đông xuân vùng Đồng bằng sông Cửu Long năm nay ước tính đạt 68,2 tạ/ha, tăng 0,4 tạ/ha so với vụ đông xuân trước; sản lượng đạt 10,55 triệu tấn, giảm 329,8 nghìn tấn. Đáng chú ý, các địa phương phía Nam đang bước vào cao điểm mùa khô hạn, ngành Nông nghiệp cần khuyến cáo các địa phương áp dụng kỹ thuật canh tác để hạn chế tác động của khô hạn đến sản xuất, đồng thời bảo đảm nguồn nước tưới cho cây lúa, rà soát cơ cấu mùa vụ và điều chỉnh thời vụ gieo trồng đảm bảo khung thời vụ tốt nhất cho vụ tiếp theo.

Tính đến giữa tháng 4, các địa phương trên cả nước đã gieo trồng được 387,7 nghìn ha ngô, bằng 97,4% cùng kỳ năm trước; 62,3 nghìn ha khoai lang, bằng 92,3%; 126,7 nghìn ha lạc, bằng 99,1%; 15,5 nghìn ha đậu tương, bằng 89,6% và 586,2 nghìn ha rau đậu, bằng 100,7%. Nhìn chung, các cây màu được gieo trồng đúng thời vụ, sinh trưởng và phát triển tốt.

Chăn nuôi trâu, bò trong tháng ổn định; dịch tả lợn châu Phi tiếp tục được kiểm soát trên cả nước, các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn đang thực hiện tái đàn; chăn nuôi gia cầm phát triển tốt.

Dịch COVID-19 ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất lâm nghiệp trong tháng, xuất khẩu gỗ giảm, nhiều nhà máy chế biến gỗ tạm dừng hoạt động hoặc hạn chế thu mua gỗ nguyên liệu. Sản lượng gỗ khai thác giảm sâu chủ yếu ở các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Ngãi, Quảng Trị… Công tác bảo vệ, phòng chống cháy rừng tiếp tục được tăng cường. Tuy nhiên, do thời tiết nắng nóng và người dân bất cẩn khi đốt nương làm rẫy nên hiện tượng cháy rừng vẫn xảy ra ở một số địa phương. Trong tháng Tư, cả nước có 169,7 ha rừng bị thiệt hại, tăng 38,5% so với cùng kỳ 2019

Sản xuất thủy sản tiếp tục gặp nhiều bất lợi do dịch COVID-19, thị trường tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu đều giảm mạnh, tình trạng hạn mặn kéo dài ảnh hưởng đến tiến độ thả nuôi tôm vụ mới. Tính chung 4 tháng đầu năm, sản lượng thủy sản ước tính đạt 2.200,9 nghìn tấn, tăng 0,3% so với cùng kỳ 2019, trong đó sản lượng nuôi trồng đạt 1.020,4 nghìn tấn, giảm 0,1%; sản lượng khai thác đạt 1.180,5 nghìn tấn, tăng 0,8%.

Đối với sản xuất công nghiệp, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng khá tiêu cực, ước tính chỉ số sản xuất công nghiệp giảm mạnh 10,5% so với cùng kỳ 2019 và là mức giảm duy nhất của tháng 4 trong giai đoạn 2016-2020. Tính chung 4 tháng đầu năm 2020, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp chỉ tăng 1,8% so với cùng kỳ 2019, mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua.

Trước bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên thế giới, tình trạng thiếu nguyên liệu nhập khẩu đầu vào phục vụ sản xuất gây ảnh hưởng nặng nề đến ngành công nghiệp. Sản xuất công nghiệp tháng 4/2020 sụt giảm mạnh do tác động của dịch làm cho phần lớn các doanh nghiệp phải cắt giảm lao động. Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/4/2020 giảm 1,1% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 1,6% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm 2019 tăng 2,3%)…

Doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch

Đăng ký doanh nghiệp trong tháng 4 chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, cả nước có 7.885 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 93,9 nghìn tỷ đồng, giảm 46,9% về số doanh nghiệp và giảm 43,8% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm, cả nước có 37,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 13,2% so với cùng kỳ năm trước, đáng chú ý là số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn lên tới 22,7 nghìn doanh nghiệp, tăng 33,6%.

Trong 4 tháng, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 22,7 nghìn doanh nghiệp, tăng 33,6% so với cùng kỳ 2019; gần 14 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 19,2%, trong đó có 2.903 doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; 5.277 doanh nghiệp đăng thông báo giải thể và 5.776 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể với cơ quan thuế.

Cũng trong 4 tháng đầu năm, có 5,1 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 3,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có gần 4,6 nghìn doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, giảm 4,5%; 75 doanh nghiệp có quy mô vốn trên 100 tỷ đồng, tăng 8,7%. Trong 4 tháng, trên cả nước còn có 14,3 nghìn doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, tăng 7,6% so với cùng kỳ 2019.

Nhiều doanh nghiệp đã và đang nỗ lực vượt khó thời COVID-19 (Ảnh: PV)

Đầu tư sụt giảm đáng kể

Diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 ảnh hưởng đến tiến độ thi công các dự án, công trình. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 4/2020 ước tính đạt 23,2 nghìn tỷ đồng, thấp hơn tháng 3/2020 và đạt mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ 2019 trong giai đoạn 2016-2020. Tính chung 4 tháng đầu năm, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 18,1% kế hoạch năm, tăng 12,9% so với cùng kỳ 2019. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 4 tháng đạt 5,2 tỷ USD, giảm 9,6%.

Theo Tổng cục Thống kê, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20/4/2020 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 12,3 tỷ USD, giảm 15,5% so với cùng kỳ 2019. Trong đó có 984 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 6,8 tỷ USD, giảm 9,1% về số dự án và tăng 26,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ 2019; có 335 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 3 tỷ USD, tăng 45,6%; có 3.210 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn gần 2,5 tỷ USD, giảm 65,3%.

Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 4 tháng đầu năm có 45 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn đầu tư của phía Việt Nam là 53,1 triệu USD; có 9 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm đạt 15,8 triệu USD. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) 4 tháng đạt 68,9 triệu USD. Trong 4 tháng đầu năm có 18 quốc gia và vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam, trong đó Mi-an-ma là nước dẫn đầu; tiếp đến là Hoa Kỳ; Xin-ga-po; Cam-pu-chia.

Một số ảnh hưởng tiêu cực do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp có thể kể đến nữa là: hoạt động thương mại, dịch vụ trong tháng, hoạt động mua sắm hàng hóa, chi tiêu của người tiêu dùng giảm mạnh, nhiều cơ sở lưu trú, ăn uống, lữ hành phải tạm đóng cửa trong thời gian giãn cách xã hội. Ước tính tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 giảm 26% so với cùng kỳ 2019. Tính chung 4 tháng đầu năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 4,3%.

Do lo ngại việc tạm dừng xuất, nhập khẩu ở các thị trường lớn đang có dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động xuất, nhập khẩu trong 10 ngày cuối tháng 3, trong đó Công ty Samsung gần như đã hoàn thành xuất khẩu sản phẩm điện thoại phiên bản mới. Sang tháng 4, kim ngạch xuất khẩu ước tính giảm mạnh 18,4% so với tháng trước và giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2020, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 162,83 tỷ USD, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 82,94 tỷ USD, tăng 4,7%; nhập khẩu đạt 79,89 tỷ USD, tăng 2,1%. Cán cân thương mại hàng hóa 4 tháng ước tính xuất siêu 3 tỷ USD.

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, mặc dù đã kiểm soát bước đầu tốt nhưng ở Việt Nam, theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ mới nhất, “chúng ta không được phép chủ quan, hơn bao giờ hết càng cần chủ động trong phòng chống dịch cũng như tích cực tiến hành sản xuất kinh doanh, hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp, người lao động và người dân trong toàn xã hội”./.

Lê Nguyễn

Nguồn ĐCSVN: http://dangcongsan.vn/kinh-te/chu-dong-phong-chong-dich-voi-khoi-phuc-san-xuat-553880.html