Chủ động phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng

Ngày 7-9, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) cho biết, đợt mưa lũ vừa qua đã làm một người chết, ba người bị thương; hơn 2.900 hộ bị ngập lụt, trong đó hơn 2.000 hộ ngập hơn 1 m; nhiều tuyến đường bị hư hỏng, các công trình thủy lợi, cầu cống, kè bờ sông sạt lở nghiêm trọng.

Các chiến sĩ Ðồn Biên phòng Hòa Hải (Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh) cùng đoàn viên, thanh niên vệ sinh các vật dụng bị ngấm nước lũ giúp người dân xã Hòa Hải (Hương Khê, Hà Tĩnh). Ảnh: VIẾT LAM

Các chiến sĩ Ðồn Biên phòng Hòa Hải (Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh) cùng đoàn viên, thanh niên vệ sinh các vật dụng bị ngấm nước lũ giúp người dân xã Hòa Hải (Hương Khê, Hà Tĩnh). Ảnh: VIẾT LAM

Trước thiệt hại nêu trên, huyện đề xuất tỉnh hỗ trợ 600 tấn gạo, 40 tấn giống ngô, 120 tấn giống khoai lang và giống rau khác để kịp thời chia sẻ khó khăn với bà con vùng lũ; đồng thời hỗ trợ kinh phí để khắc phục công trình nhà cửa, trường học để bảo đảm ổn định đời sống và sản xuất cho nhân dân sau mưa lũ...

Cùng ngày, Ðồn Biên phòng Hòa Hải (Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh) huy động cán bộ, chiến sĩ xuống giúp các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, neo người ở xã biên giới Hòa Hải, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), hỗ trợ bà con vệ sinh và sửa chữa nhà cửa...

* Ngày 7-9, Sở Giao thông vận tải tỉnh Kon Tum cho biết, lực lượng chức năng vừa khẩn trương khắc phục sự cố sạt lở tại sáu điểm sạt lở trên quốc lộ 40B (huyện Tu Mơ Rông) và tỉnh lộ 672 do mưa lũ. Hiện các điểm bị sạt lở này đã thông tuyến.

* Công ty Ðiện lực Quảng Trị cho biết, đến chiều 7-9, đơn vị vẫn chưa khắc phục xong sự cố lưới điện ở hai xã vùng cao Hướng Lập và Hướng Việt (huyện Hướng Hóa). Công tác khắc phục sự cố gặp khó khăn nghiêm trọng do tuyến đường Hồ Chí Minh vào hai xã này vẫn chưa thông vì có nhiều vị trí sạt lở đất, đặc biệt là khu vực đèo Sa Mù.

* Ngày 7-9, Ðồn Biên phòng Ra Mai (Bộ đội Biên phòng Quảng Bình) cho biết, sau mấy ngày tích cực tìm kiếm, thi thể chị Hồ Chôm, ở bản Pa Choong, xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, (Quảng Bình), đã được tìm thấy bên bờ suối vào lúc 8 giờ sáng cùng ngày. Trước đó, chiều 2-9, chị Hồ Chôm ra suối vớt cá và bị nước lũ cuốn mất tích.

* Theo Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh, trong đợt mưa lũ kéo dài nhiều ngày qua, toàn tỉnh có khoảng hơn 1.300 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập, gây thiệt hại đến hệ thống ao nuôi, làm thất thoát thủy sản và ảnh hưởng xấu đến môi trường nước. Chi cục khuyến cáo các hộ nuôi trồng thủy sản xả bớt nước trên tầng mặt để giảm lượng nước mưa trong ao, chạy máy quạt nước, sục khí nhằm hạn chế sự phân tầng nước đối với những ao nuôi thâm canh và bán thâm canh; bổ sung vi-ta-min C vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho thủy sản nuôi...

* Trung tâm Giống cây trồng và vật nuôi tỉnh Quảng Trị cho biết, đến nay đơn vị đã mua được hơn 1.000 tấn lúa tươi bị ướt do mưa lũ cho nông dân, trong số đó có rất nhiều lúa bị mọc mầm do bị ngâm nước dài ngày; và sấy khoảng 300 tấn lúa cho bà con trên địa bàn.

* Vụ hè thu 2019, nông dân tỉnh Bạc Liêu xuống giống được hơn 58.000 ha lúa, nhưng do thời tiết bất lợi, xảy ra nhiều loại sâu bệnh như: rầy nâu, cháy bìa lá, lem lép hạt, đạo ôn cổ bông,… khiến diện tích lúa phát triển kém. Ðến nay, nông dân thu hoạch được hơn 20.000 ha.

* Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Phú Yên, hiện 640 ha sắn chủ yếu các giống HLS11, KM419 trên địa bàn bị nhiễm bệnh khảm lá và lây lan nhanh, nhất là ở các huyện miền núi Sông Hinh, Sơn Hòa. Chi cục đã yêu cầu các địa phương, đơn vị sản xuất và chế biến tinh bột sắn tập trung các giải pháp phòng trừ, ngăn chặn nguồn bệnh lây lan.

* Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kon Tum cho biết, trong niên vụ sắn 2019 - 2020, bệnh khảm lá đã gây hại hơn 365,6 ha cây sắn trên địa bàn tỉnh, chủ yếu ở huyện Ðác Tô với 297 ha. Hiện, số diện tích sắn nhiễm bệnh này đã được người dân nhổ bỏ, tiêu hủy và phun thuốc phòng trừ.

* Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của gió mùa tây nam có cường độ trung bình đến mạnh cho nên ngày 8-9, trên các vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió tây nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7; sóng biển cao từ 2 đến 3 m, biển động. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 1.

* Lũ trên các sông từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị đã đạt đỉnh và đang xuống. Sáng 8-9, mực nước trên sông Ngàn Sâu tại trạm Chu Lễ xuống mức báo động (BÐ)1; tại Hòa Duyệt xuống mức 8 m, trên BÐ1 0,5 m. Nguy cơ xảy ra sạt lở đất ở vùng núi, sụt lún đất ven sông ở các huyện: Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 1.

* Tại tỉnh Tiền Giang mưa dông, lốc xoáy đã khiến 57 nhà bị tốc mái, hơn 400 cây đổ ngã ở các huyện Cai Lậy, Cái Bè và Gò Công. Ở huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) có hai nhà bị tốc mái...

* Sáng 7-9, T.Ư Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phối hợp Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hà Tĩnh và huyện Hương Khê thăm, tặng quà cho người dân ba xã Lộc Yên, Gia Phố, Hương Vĩnh (Hương Khê) với tổng số tiền là 200 triệu đồng.

* Ngày 7-9, Bộ Quốc phòng chỉ đạo Bộ Tư lệnh Quân khu 4 cử đoàn công tác do Thiếu tướng Nguyễn Sỹ Hội, Phó Tư lệnh Quân khu 4 làm trưởng đoàn kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục mưa lũ tại các huyện: Hương Khê (Hà Tĩnh) và Minh Hóa (Quảng Bình); điều động: 855 cán bộ, chiến sĩ, 52 ô-tô các loại, phối hợp các lực lượng tại chỗ giúp nhân dân địa phương các huyện: Hương Khê (Hà Tĩnh); Tuyên Hóa, Minh Hóa, Lệ Thủy (Quảng Bình) đang còn một số điểm bị ngập úng khắc phục hậu quả mưa lũ; tiến hành vệ sinh môi trường những nơi nước đã rút để người dân sớm trở về nhà ổn định đời sống. Trước đó, cán bộ, chiến sĩ trong Quân khu đã giúp nhân dân thu hoạch 3,5 ha lúa, vệ sinh bốn trường học tại huyện Hương Khê (Hà Tĩnh); dọn vệ sinh một trụ sở UBND, một trạm y tế, một bưu điện và một nghĩa trang liệt sĩ ở huyện Minh Hóa (Quảng Bình).

* Ngày 7-9, đại diện lãnh đạo Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, MTTQ tỉnh Thanh Hóa; Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Tập đoàn TNG Holdings Việt Nam đã đến thăm hỏi và trao các vật dụng thiết yếu tặng bà con bản Sa Ná, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) số tiền 100 triệu đồng, 15 suất quà (trị giá 30 triệu đồng) cho 15 hộ gia đình; 51 bồn nước... giúp bà con ổn định cuộc sống.

XUẤT CẤP GẠO HỖ TRỢ NHÂN DÂN VÙNG LŨ

Trước những thiệt hại do mưa lũ gây ra đối với các tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định xuất cấp cho mỗi tỉnh 1.000 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia để hỗ trợ khẩn cấp cho nhân dân bị ảnh hưởng mưa lũ trong những ngày vừa qua. Thủ tướng cũng quyết định cử Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thay mặt Thủ tướng vào các địa phương bị ảnh hưởng của mưa lũ để thăm hỏi nhân dân và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả.

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/41493402-chu-dong-phong-chong-dich-benh-tren-cay-trong.html