Chủ động phòng chống bệnh tay chân miệng

Bệnh tay chân miệng (TCM) là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch lớn, đặc biệt vào lúc thời tiết chuyển mùa. Để chủ động phòng chống bệnh TCM, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị tích cực triển khai nhiều biện pháp, kiểm soát gia tăng số ca mắc mới, ngăn chặn bệnh lây lan ra diện rộng, trong đó có sự phối hợp chặt chẽ với ngành GD&ĐT.

Cô giáo Trường Mầm non Hà Khẩu (TP Hạ Long) hướng dẫn các trẻ rửa tay bằng xà phòng đúng cách.

Cô giáo Trường Mầm non Hà Khẩu (TP Hạ Long) hướng dẫn các trẻ rửa tay bằng xà phòng đúng cách.

Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh ghi nhận 160 ca mắc bệnh TCM, không có ca nào tử vong. Mặc dù tình hình bệnh TCM có xu hướng giảm so với các năm trước, nhưng thời tiết nóng ẩm, nhiệt độ thay đổi thất thường như hiện nay rất thuận lợi cho sự tái phát bệnh, vì vậy tuyệt đối không thể lơ là, chủ quan.

Trao đổi với phóng viên, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Điệp, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí cho biết: Bệnh TCM thường xảy ra quanh năm, nhưng tăng cao vào dịp tháng 2-4, tháng 9-12 hằng năm và thường gặp ở những trẻ em dưới 5 tuổi. Tại bệnh viện, mỗi tuần chúng tôi tiếp nhận 5-6 bệnh nhi đến khám bệnh TCM. Trong đó, đa phần các cháu mắc TCM ở thể nhẹ, cha mẹ có thể chăm sóc con tại nhà.

Trẻ ở độ tuổi mầm non hệ miễn dịch vẫn chưa được hoàn thiện, nên dễ gặp phải nhiều vấn đề về sức khỏe. (Trong ảnh: Lớp trẻ 5 tuổi, Trường Mầm non Hà Khẩu, TP Hạ Long)

Với các trường học, ngay từ đầu năm học mới đã tổ chức thực hiện vệ sinh lớp học. Ngoài ra, các trường còn phối hợp chặt chẽ với cơ sở y tế tại địa phương chủ động triển khai và thực hiện phòng chống dịch bệnh, trong đó có bệnh TCM; khám sức khỏe định kỳ cho học sinh.

Cô giáo Nguyễn Thị Hải, Phó hiệu trưởng Trường Mầm non Hà Khẩu (TP Hạ Long) cho biết: Ngay từ đầu năm học 2019-2020, Ban giám hiệu nhà trường đã quan tâm tới công tác phòng chống dịch bệnh nói chung và bệnh TCM nói riêng. Nhà trường đã chủ động tiến hành vệ sinh trường lớp, khơi thông cống rãnh, phun thuốc muỗi, bố trí xà phòng, nước sạch để học sinh rửa tay. Các cô giáo đều vệ sinh, khử trùng phòng học, nhà vệ sinh, khu ăn uống và đồ chơi cho trẻ sau mỗi ngày, đảm bảo môi trường vui chơi sạch sẽ và an toàn.

Bệnh tay chân miệng là bệnh nhiễm virus cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ, có khả năng gây thành dịch lớn. Ảnh: Internet

Bệnh TCM thường gặp ở trẻ nhỏ và rất dễ lây, nếu vệ sinh không đảm bảo. Bệnh có các dấu hiệu đặc trưng như: Sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da, chủ yếu ở dạng phỏng nước và thường thấy ở lòng bàn tay, bàn chân, mông... Một số trẻ có thể đau miệng, bỏ ăn, nôn, tiêu chảy, mệt mỏi, quấy khóc. Khi phát hiện trẻ mắc bệnh, nên đưa trẻ đi khám tại các cơ sở y tế để được điều trị sớm. Hầu hết các ca bệnh TCM đều diễn biến nhẹ, có thể chữa khỏi tại nhà. Tuy nhiên, nếu không được điều trị và chăm sóc kịp thời, bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, tăng huyết áp, suy tim, trụy mạch dẫn đến tử vong.

Hiện nay vẫn chưa có vắc-xin phòng bệnh TCM, vì vậy để chủ động phòng chống bệnh, các bác sĩ khuyến cáo cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn hay cho trẻ ăn, trước khi bế trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ. Ăn chín, uống sôi; vệ sinh vật dụng ăn uống sạch sẽ trước khi sử dụng; thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như: Đồ chơi, dụng cụ học tập, mặt bàn, ghế, sàn nhà... bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Cách ly người bệnh tại nhà cho đến khi khỏi bệnh (ít nhất 7-10 ngày). Khi có bất cứ dấu hiệu bất thường nào, nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhà để được khám và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.

Nguyễn Hoa

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/201909/chu-dong-phong-chong-benh-tay-chan-mieng-2455020/