Chủ động phòng chống bão lụt, thiên tai trong mọi tình huống

Cơn bão số 12 năm 2017 đã đổ bộ vào tỉnh Khánh Hòa, làm chết 44 người, 229 người bị thương, thiệt hại trên 15.000 tỉ đồng. Hiện thực đó đặt ra công tác phòng chống lụt bão năm 2018 đối với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương vô cùng cấp bách và không thể chủ quan trước mọi tình huống. Phóng viên (PV) Báo Biên phòng đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Phòng chống lụt bão tỉnh Khánh Hòa. Ông Vinh cho biết:

Ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Hải Luận

- Thiệt hại lớn về người và tài sản trong cơn bão số 12 năm 2017 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa là do người dân có tâm lý chủ quan, chưa nhận thức được mức độ nguy hiểm của cơn bão này gây ra và cho rằng bão lớn ít khi đổ bộ vào Khánh Hòa. Ngư dân nuôi tôm hùm sợ bị mất tôm, mất tài sản nên vẫn bám trụ trên bè. Có một số trường hợp đã được lực lượng chức năng vận động, sơ tán đưa lên bờ rồi, nhưng sau đó vẫn cố tình quay lại bè. Cơn bão ập đến quá nhanh, mức độ tàn phá quá khủng khiếp, người dân không kịp trở tay. Đây là bài học lớn cần được rút ra trong công tác phòng chống lụt bão các năm tới.

Thực hiện tốt “4 tại chỗ”

PV: Mùa mưa bão thường xảy ra trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa từ tháng 10, 11. Công tác phòng chống lụt bão năm 2018 được chuẩn bị như thế nào, thưa ông?

- Ngay từ đầu năm 2018, UBND tỉnh đã ra chỉ thị các đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh khẩn trương xây dựng phương án phòng chống thiên tai năm 2018 của cấp xã, cấp huyện, sát với tình hình thực tiễn của địa phương. Đồng thời, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ), tuyệt đối không được chủ quan và ỷ lại sẽ có lực lượng chi viện của tỉnh, Trung ương xuống giúp đỡ.

PV: Toàn bộ vùng bờ biển tỉnh Khánh Hòa đang phát triển mạnh du lịch, nuôi trồng thủy sản, công nghiệp đóng tàu, khu neo đậu tàu thuyền. Vấn đề đặt ra là, chúng ta phòng chống bão, ứng phó với sóng biển xâm thực như thế nào?

- Bão đổ bộ vào đất liền thì toàn bộ các cơ sở du lịch, nuôi trồng thủy sản là nơi “đứng mũi chịu sào” đầu tiên. Đối với nuôi trồng thủy sản trên biển, người dân đã có kinh nghiệm kéo bè đến những chỗ kín gió ẩn nấp. Riêng về con người, rút kinh nghiệm cơn bão số 12 năm ngoái, phải làm mạnh khâu tuyên truyền, giải thích cho ngư dân hiểu sự nguy hiểm của bão trên hệ thống thông tin của tỉnh. Đặc biệt, công tác tuyên truyền phải chú trọng hệ thống loa công cộng, loa lưu động tại các khu dân cư. Nếu như người dân không tự giác rời bè lên bờ trú ẩn an toàn, dứt khoát phải cưỡng chế đưa lên bờ và quản lý chặt không để quay lại bè tôm. Tại các điểm du lịch trên các đảo, cần có phương án đưa khách về trú tại những tòa nhà kiên cố, không cho tàu thuyền ra biển khi đã có lệnh cấm biển. Đối với các loại tàu thuyền, phải đưa vào khu neo đậu hoặc cửa sông, cửa lạch, bố trí lực lượng bảo vệ an ninh những khu vực này. Hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản do bão lũ gây ra.

Không để lũ “nhân tạo”

PV: Những năm qua, nhiều xã, phường thành phố Nha Trang và huyện Diên Khánh phải chịu những đợt lũ “nhân tạo”, do xả đập hồ thủy lợi. Năm 2018, công tác vận hành hồ chứa như thế nào để tránh lũ “nhân tạo”?

- Hiện nay, toàn tỉnh có 10 hồ chứa dung tích lớn, trong đó có hồ Suối Dầu, Am Chúa, khi xả nước bảo vệ an toàn hồ chứa sẽ có nguy cơ lập ngập lụt ở vùng hạ du thuộc huyện Diên Khánh và thành phố Nha Trang. Ngay trong tháng 6, tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với cơ quan tiến hành rà soát và đánh giá an toàn công trình hồ chứa nước và quy trình vận hành hồ chứa. Qua theo dõi tình hình ngập lụt trên địa bàn Khánh Hòa, nếu xảy ra lũ gây ngập lụt thường phải hội tụ cả 3 yếu tố: Mưa lớn ở thượng nguồn, mưa ở hạ lưu và xả nước hồ chứa.

PV: Thực tế, ở Nha Trang, trời có thể mưa nhiều ngày liên tục không có lụt, nhưng khi hồ Suối Dầu xả nước thì nhiều xã bị ngập sâu. Rõ ràng, quy trình xả nước ở hồ chứa chưa khoa học. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Nếu như lượng mưa quá lớn, nước từ thượng nguồn đổ về nhiều cũng bị ngập lụt như thường. Công tác dự báo thời tiết hiện nay tương đối chính xác, vì vậy, tôi yêu cầu các đơn vị quản lý hồ chứa phải chủ động xây dựng kế hoạch, phương án xả nước trước khi bão và mưa to ập đến Khánh Hòa. Trong trường hợp hồ chứa đầy nước, khi xả nước phải tính toán thời gian theo lịch triều (thủy triều) để nước từ hồ chứa về hạ lưu phải gặp nước thủy triều xuống, thoát nước nhanh ra biển. Nếu như không tính toán kỹ sẽ gặp nước triều lên cao 2-3m, nước trên dồn xuống thoát không kịp sẽ bị ngập sâu.

PV: Những năm qua, khu vực Nha Trang và Diên Khánh phát triển nhiều khu đô thị và mở các tuyến giao thông “đè” lên các dòng chảy thoát lũ. Tỉnh có đi kiểm tra bị “tắc” ở chỗ nào chưa?

- Trong quá trình phát triển các đô thị mới và đường giao thông, chúng tôi luôn chú ý đến dòng chảy tự nhiên, đã đầu tư xây dựng hệ thống thoát lũ dọc sông Tắc và Quán Trường. Đây là “cửa thoát” cho hồ chứa nước Suối Dầu. Tỉnh lập đoàn đi kiểm tra toàn bộ các dòng chảy, nếu bị tắc do các đơn vị thi công thì phải khai thông ngay trong tháng 9.

Lực lượng BĐBP Khánh Hòa luôn làm nòng cốt trong công tác cứu hộ, cứu nạn trên biển. Ảnh: Văn Huệ

PV: Ông đánh giá như thế nào về vai trò của lực lượng vũ trang nói chung và lực lượng BĐBP Khánh Hòa nói riêng, trong công tác phòng chống thiên tai, lụt bão?

- Khi xảy ra cự cố thiên tai, bão lũ, lực lượng vũ trang của tỉnh làm nòng cốt giúp dân sơ tán khỏi vùng nguy hiểm, khắc phục các hậu quả và đưa quân đến chi viện những nơi bị lũ chia cắt. Riêng lực lượng BĐBP tỉnh làm tốt công tác kiểm đếm và kêu gọi tàu thuyền trên biển vào đảo, bờ ẩn nấp an toàn. Lực lượng BĐBP còn chủ động làm tốt công tác cứu hộ, cứu nạn trên biển, tuyên truyền, vận động ngư dân trên các lồng bè vào bờ ẩn nấp.

PV: Xin cảm ơn ông!

Hải Luận (Thực hiện)

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/chu-dong-phong-chong-bao-lut-thien-tai-trong-moi-tinh-huong/