Chủ động phòng bệnh mùa nắng nóng

Từ đầu tháng 3 đến nay, nhiệt độ tại TP Hồ Chí Minh luôn ở mức cao, ban ngày trung bình 36 đến 38OC, chỉ số tia cực tím (UV) có ngày ở mức cực đại. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng - thủy văn quốc gia, những ngày tới, nắng nóng ở Nam Bộ sẽ còn tiếp diễn. Đây là nguyên nhân khiến các bệnh về hô hấp; tiêu hóa; tay, chân, miệng (TCM); tim mạch… tăng cao.

Khám bệnh cho trẻ tại Bệnh viện Nhi đồng 2.

Khám bệnh cho trẻ tại Bệnh viện Nhi đồng 2.

Từ đầu tháng 3 đến nay, nhiệt độ tại TP Hồ Chí Minh luôn ở mức cao, ban ngày trung bình 36 đến 38OC, chỉ số tia cực tím (UV) có ngày ở mức cực đại. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng - thủy văn quốc gia, những ngày tới, nắng nóng ở Nam Bộ sẽ còn tiếp diễn. Đây là nguyên nhân khiến các bệnh về hô hấp; tiêu hóa; tay, chân, miệng (TCM); tim mạch… tăng cao.

Phó trưởng khoa Nội 1, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP Hồ Chí Minh Nguyễn Ðình Qui cho biết, từ đầu tháng 3 đến nay, số trẻ nhập viện liên quan đến thời tiết nắng nóng gia tăng rõ rệt. Theo thống kê, nếu trong cả tháng 2-2021, số bệnh nhi nhập viện khoảng 4.000 trường hợp, thì chỉ mới hai tuần đầu tháng 3, số trẻ nhập viện đã lên tới 3.600 cháu. "Những bệnh liên quan đến thời tiết nắng nóng thường rơi vào nhóm tiêu hóa, hô hấp, nhiễm siêu vi, cảm cúm và các bệnh về da. Biểu hiện của trẻ thường là sốt cao liên tục từng cơn, phát ban sau khi hết sốt... Thay đổi môi trường sinh hoạt từ nắng nóng sang phòng máy lạnh cũng dễ gây sốt, ho, xổ mũi. Cần phân biệt sốt xuất huyết với TCM ở thời điểm hiện tại và nhất là dịch Covid-19. Do đó, với trẻ có biểu hiện sốt, ho, xổ mũi, bác sĩ sẽ hỏi kỹ về vấn đề dịch tễ để xác định nguyên nhân chính xác", bác sĩ Nguyễn Ðình Qui cho biết thêm.

Tại khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi đồng 2, số ca trẻ nhỏ mắc bệnh tăng nhanh trong những ngày gần đây. Trưởng khoa Tiêu hóa Tăng Lê Châu Ngọc, cho biết, mỗi ngày điều trị khoảng hơn 40 ca, trong đó tiếp nhận từ 15 đến 20 ca mới nhập viện mỗi ngày. Ca nặng nhất là bệnh nhi 17 tháng tuổi, sốt cao, tiêu chảy, có suy thận. Sau sáu giờ truyền dịch, tình trạng sức khỏe đã được cải thiện. Khoa Tiêu hóa cũng đang điều trị cho 15 trẻ bị tiêu chảy nặng, trong đó có ba trẻ phải truyền dịch gấp, hai trẻ đang được theo dõi kỹ. Ngoài ra, khoa còn điều trị cho nhiều trẻ khác bị nhiễm trùng đường tiêu hóa... Với thời tiết nắng nóng, số lượng trẻ bị bệnh tiêu hóa sẽ tăng mạnh vào những tuần sắp tới.

Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho hay, đơn vị này đang tiếp nhận và điều trị cho nhiều bệnh nhi mắc bệnh TCM. Gần đây nhất là trường hợp bé gái 15 tháng tuổi ở Bạc Liêu mắc TCM nặng, nguy cơ tử vong cao. Các bác sĩ phải cho thở máy, dùng thuốc vận mạch và lọc máu liên tục. Sau hai ngày tích cực điều trị, tình trạng bệnh nhi cải thiện dần, hết sốt, nhịp tim bình thường, cai được máy thở. Tương tự, khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 gần một tháng nay cũng ghi nhận nhiều ca mắc bệnh TCM nặng (độ 2, độ 3) do nhập viện trễ. Trong đó, có trường hợp bệnh nhi có biến chứng tim mạch gây cao huyết áp.

Các chuyên gia y tế dự báo, với thời tiết nắng nóng kéo dài, độ ẩm tăng cao, số ca bệnh sẽ tăng. Ghi nhận tại Bệnh viện Thống Nhất, khá nhiều người cao tuổi nhập viện do liên quan đến thời tiết. Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Thống Nhất Trương Quang Anh Vũ cho biết: "Mỗi năm khi thời tiết nắng nóng, số người cao tuổi nhập viện thường tăng 5 đến 10%. Hiện, mỗi ngày, khoa Tim mạch và khoa Hô hấp của bệnh viện tiếp nhận nhiều bệnh nhân đến thăm khám, điều trị… Nắng nóng có thể gây mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao".

Bệnh viện Da liễu TP Hồ Chí Minh thông tin, bệnh viện ghi nhận khá nhiều bệnh nhân bị sạm da, viêm da, nhiễm vi nấm, lang ben, dị ứng, nổi mụn, ngứa... do tiếp xúc với ánh nắng, mồ hôi, môi trường bụi bặm, nóng ẩm…

Để chủ động phòng ngừa bệnh mùa nắng nóng, các chuyên gia y tế lưu ý người dân nên tạo thói quen rửa tay, vệ sinh thân thể thường xuyên. Không nên ra ngoài lúc trời nắng nóng trong thời gian dài, nhất là từ 10 giờ đến 16 giờ, vì lúc này cơ thể dễ bị mất nước, dễ bị vi-rút tấn công gây bệnh đường hô hấp, bệnh về da. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo, khi chỉ số tia UV mức 8 - 10, nếu chúng ta ở ngoài nắng khoảng 25 phút có thể bị bỏng da. Khi chỉ số tia UV từ mức 11 trở lên, nguy cơ da bị bỏng nếu tiếp xúc ánh nắng mặt trời khoảng 10 phút mà không được bảo vệ. Tia UV ở mức 11 - 12 rất nguy hiểm cho sức khỏe.

Theo Bộ Y tế, để tránh bệnh mùa nắng nóng, người dân nên hạn chế ra đường khi không cần thiết. Nếu bắt buộc phải đi ra đường, ngoài trời nóng, thì phải đội mũ, mặc quần áo chống nắng, đeo kính, mang khẩu trang... Ðồng thời, nên uống nhiều nước, nhất là người lao động ngoài trời. Không nên uống nhiều nước đá hoặc nước quá lạnh, dễ gây viêm họng. Không nên để nhiệt độ máy lạnh trong phòng quá thấp, không để quạt thổi trực tiếp gần vào người để phòng bệnh đường hô hấp. Luôn ăn chín, uống sôi, ăn nhiều hoa quả để bảo đảm đủ vi-ta-min nhằm tăng sức đề kháng của cơ thể…

Bài, ảnh: Phương Vy

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-chung1/chu-dong-phong-benh-mua-nang-nong-639376/