Chủ động, nhạy bén trong tham mưu, chỉ đạo Chiến dịch 'Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không'

Vào những ngày cuối tháng 12-1972, đế quốc Mỹ mở Chiến dịch Linebacker II, sử dụng đòn tập kích đường không chiến lược chủ yếu bằng máy bay B-52 vào Thủ đô Hà Nội, Hải Phòng và các vùng phụ cận, nhằm giành lợi thế trên bàn đàm phán Paris.

Với tầm nhìn chiến lược, Đảng, Bác Hồ đã sớm dự báo khả năng địch sẽ sử dụng B-52 đánh ra Hà Nội. Do đó, ta đã đề nghị Liên Xô giúp đỡ, trang bị tên lửa phòng không để sẵn sàng đối phó với B-52 của địch. Cùng với lực lượng pháo cao xạ, ra đa, không quân, sự ra đời của lực lượng tên lửa đã tạo ra sự thay đổi về chất, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của bộ đội Phòng không-Không quân (PK-KQ).

Để đối phó với B-52, từ tháng 5-1966, BTTM đã chỉ thị cho Quân chủng PK-KQ đưa cán bộ và một trung đoàn tên lửa cơ động vào phục kích tại Vĩnh Linh (Quảng Trị) để vừa cùng các lực lượng đánh trả địch, vừa nghiên cứu cách đánh máy bay B-52; biên soạn thành tài liệu báo cáo về BTTM để tổ chức cho các đơn vị liên quan nghiên cứu, luyện tập. Năm 1968, theo lệnh của BTTM, Quân chủng PK-KQ đã bắt đầu xây dựng kế hoạch tác chiến chống cuộc tập kích đường không bằng máy bay B-52 của Mỹ vào Hà Nội. Đến tháng 1-1969, ta đã hoàn thành bản dự thảo kế hoạch đánh máy bay B-52. Sau đó, BTTM tiếp tục chỉ đạo Quân chủng PK-KQ đưa một số trung đoàn tên lửa và phân đội máy bay tiêm kích vào chiến trường Khu 4, Nam Lào, nghiên cứu cách đánh máy bay B-52 để tiếp tục bổ sung bản dự thảo cách đánh máy bay B-52. Trên cơ sở dày công nghiên cứu từ thực tiễn chiến đấu và qua một số lần bổ sung, điều chỉnh, được sự chỉ đạo trực tiếp của BTTM, tháng 9-1972, kế hoạch tác chiến đánh B-52 cơ bản hoàn thành, trong đó xác định Hà Nội là khu vực tập kích chủ yếu của địch, cách đánh của địch, để bố trí, sử dụng lực lượng chính xác, khoa học, hợp lý. Trước khi thực hành chiến dịch, ta đã cơ động đưa toàn bộ lực lượng tên lửa ở vòng ngoài vào bố trí ở vòng trong, tập trung trên hướng chủ yếu, hướng quan trọng. Ngày 24-11-1972, Kế hoạch đánh máy bay B-52 bảo vệ Hà Nội được BTTM thông qua, sau đó được Đại tướng Võ Nguyên Giáp phê duyệt. Cùng với chỉ đạo Quân chủng PK-KQ chuẩn bị lực lượng đánh B-52, BTTM cũng tham mưu cho Bộ Tổng Tư lệnh kiến nghị với Đảng, Chính phủ chỉ đạo tăng cường hệ thống phòng không nhân dân trên các địa bàn trọng điểm, nhất là Hà Nội, Hải Phòng; đồng thời động viên, sơ tán hơn nửa triệu người ở Hà Nội và gần 30 vạn người ở Hải Phòng về các tỉnh lân cận an toàn.

Trong suốt 12 ngày đêm của Chiến dịch “Hà Nội-Điện Biên Phủ” trên không, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh, BTTM theo dõi từng ngày, từng giờ, đấu trí, đấu lực quyết liệt với kẻ thù; kịp thời ra các mệnh lệnh, chỉ thị, hướng dẫn các lực lượng tham gia chiến dịch sát, đúng, phù hợp với tình hình thực tế chiến trường. Ta đã phán đoán đúng các thủ đoạn và đường bay của địch, linh hoạt chuyển hóa thế trận rất hiểm hóc và kịp thời để đối phó với thủ đoạn đánh phá mới của địch, qua đó đánh bại chiến dịch tập kích đường không của địch, bắn hạ 81 máy bay các loại, trong đó có 34 máy bay B-52.

Như vậy, với tầm nhìn sáng suốt và dự báo chiến lược của Trung ương Đảng, Bác Hồ và dưới sự chỉ đạo trực tiếp của BTTM, ta đã hoàn toàn chủ động chuẩn bị tốt và sẵn sàng cả về mặt chiến lược, chiến dịch và chiến thuật, “đi trước, đón đầu” trước khi B-52 đánh vào Hà Nội, Hải Phòng; tạo nên một thế trận phòng không vững chắc, liên hoàn, hiểm hóc, nhiều tầng, nhiều lớp, qua đó đánh bại hoàn toàn Chiến dịch Linebacker II của địch, làm nên chiến thắng lừng lẫy “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”.

PHẠM HUY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/chu-dong-nhay-ben-trong-tham-muu-chi-dao-chien-dich-ha-noi-dien-bien-phu-tren-khong-633583